Bỏ cấp huyện, thẩm quyền cấp xã mới được thực hiện nhiệm vụ gì?
Sau khi thực hiện mô hình chính quyền hai cấp, sau sáp nhập, cấp xã mới sẽ có các phòng chuyên môn và trung tâm phục vụ hành chính công, đồng thời sẽ trực tiếp quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập.
Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã có công văn gửi các địa phương, định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính.
Liên quan đến các đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương, Ban Chỉ đạo nêu rõ, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện hiện nay sẽ chuyển giao, thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp xã sau sắp xếp.
Chủ trương này được thực hiện theo định hướng tại Kết luận số 137 của Trung ương và hướng dẫn của các bộ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực sự nghiệp.

Sau khi bỏ cấp huyện, tại cấp xã mới sẽ thành lập trung tâm phục vụ hành chính công
Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã mới bao gồm: Văn phòng HĐND và UBND; phòng kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc phòng kinh tế, hạ tầng và đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc); phòng văn hóa - xã hội; trung tâm phục vụ hành chính công.
Sau khi chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động (cấp tỉnh và cấp xã, bỏ cấp huyện), Chính phủ sẽ giao Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy định liên quan đến tổ chức hoạt động của đơn vị sự nghiệp, bảo đảm hoạt động hiệu quả hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của người dân.
Cụ thể, đối với lĩnh vực giáo dục, sẽ giữ nguyên các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non công lập và chuyển giao cho chính quyền địa phương cấp xã quản lý.
Với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc UBND cấp huyện hiện nay sẽ chuyển về sở giáo dục và đào tạo quản lý và tổ chức lại để thực hiện cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường.
Cung ứng dịch vụ công cơ bản, thiết yếu
Đối với lĩnh vực y tế, sẽ duy trì các trạm y tế xã, phường hiện có để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Căn cứ vào diện tích, quy mô dân số của cấp xã mới, UBND cấp tỉnh có thể tổ chức lại thành 1 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp xã để thực hiện nhiệm vụ về phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn.
“Đối với các trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa thuộc UBND cấp huyện hiện nay sẽ chuyển về sở y tế quản lý để sắp xếp, tổ chức cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường”, Ban Chỉ đạo nêu rõ.
Bên cạnh đó, khi mô hình chính quyền 2 cấp hoạt động, sẽ sắp xếp, tổ chức 1 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp xã để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn.
Đơn vị này sẽ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin, truyền thông, nông nghiệp, môi trường...
Ban Chỉ đạo cũng cho phép tổ chức 1 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên (Ban quản lý dự án) thuộc UBND cấp xã để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực xây dựng, phát triển quỹ đất, giải phóng mặt bằng... trên địa bàn.
“Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh có thể thành lập đơn vị sự nghiệp thuộc Ban quản lý dự án của UBND cấp tỉnh để cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường”, công văn nêu rõ.
Ban Chỉ đạo ở Trung ương cũng giao UBND cấp tỉnh thực hiện việc cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả, bảo đảm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu gắn với cơ cấu lại, giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Lập trung tâm phục vụ hành chính công
Về định hướng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn, tại UBND cấp xã mới sẽ có các phòng và một trung tâm phục vụ hành chính công.
Trung tâm này sẽ tham mưu, giúp UBND cấp xã thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính và được cung ứng các dịch vụ công trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Bên cạnh đó, trung tâm này còn phối hợp với các cơ quan nhà nước ở Trung ương tổ chức theo ngành dọc trên địa bàn tỉnh hoặc khu vực để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn cấp xã.
“Đối với chính quyền địa phương đặc khu (hải đảo), chức năng, nhiệm vụ của các phòng và các dịch vụ công phục vụ người dân tại trung tâm này sẽ được điều chỉnh phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương đặc khu”, Ban Chỉ đạo lưu ý.