Các tỉnh Đông Nam bộ: Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Trong 4 tháng đầu năm 2025, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều nỗ lực trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các dự án gặp nhiều khó khăn nên tỷ lệ giải ngân chưa như kỳ vọng. Hiện lãnh đạo các địa phương đang đôn đốc tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Khó khăn trong giải phóng mặt bằng

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước khu vực XV, tính đến hết tháng 4-2025, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh hơn 5.130 tỷ đồng, đạt 37,11% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 19,02% kế hoạch đã phân bố, cao hơn nhiều so với bình quân cả nước. Trong đó, ngân sách Trung ương giải ngân hơn 430 tỷ đồng, ngân sách tỉnh giải ngân khoảng 3.510 tỷ đồng và ngân sách cấp huyện giải ngân gần 1.430 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị như UBND TP Vũng Tàu, Sở Y tế, Ban quản lý dự án chuyên ngành có tỷ lệ giải ngân thấp do vướng GPMB, thủ tục điều chỉnh đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chậm đấu thầu.

 Việc giải phóng mặt bằng dự án tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua địa bàn tỉnh Đồng Nai còn chậm, ảnh hưởng giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: HOÀNG BẮC

Việc giải phóng mặt bằng dự án tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua địa bàn tỉnh Đồng Nai còn chậm, ảnh hưởng giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: HOÀNG BẮC

Đối với tỉnh Bình Dương, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ giao 19.595 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 7.132 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 12.463 tỷ đồng. Tính đến ngày 30-4, tổng giá trị giải ngân là 1.653 tỷ đồng, đạt 8,4% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 4,6% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao.

Tỷ lệ giải ngân đạt thấp do vướng mắc ở công tác thẩm định giá đất, ảnh hưởng đến tiến độ bồi thường các công trình trọng điểm như tuyến cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Vành đai 4 TPHCM qua địa bàn tỉnh.

Tại tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 15-5, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 được giao là 15.770 tỷ đồng và đã thực hiện giải ngân 1.897 tỷ đồng (đạt 12,03% kế hoạch), thấp hơn mức trung bình của cả nước. Nguyên nhân do công tác GPMB tại các công trình trọng điểm còn chậm, nhiều dự án bố trí vốn thực hiện bồi thường, GPMB đang thực hiện thủ tục kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất...

Giao chỉ tiêu, quy trách nhiệm

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các cơ quan chức năng và địa phương cần lập sơ đồ chi tiết cho từng dự án, phân công cụ thể trách nhiệm cho từng phòng, ban và cá nhân trực tiếp thực hiện, đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả trong triển khai. Đồng thời, đề nghị các đơn vị chủ trì, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư khẩn trương ký cam kết tiến độ bồi thường, GPMB… gắn với bảo đảm chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Để tạo bước đột phá trong giải ngân vốn đầu tư công những tháng tiếp theo, ngày 13-5, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch phát động phong trào 100 ngày cao điểm giải ngân vốn đầu tư công.

Trong giai đoạn 1, phấn đấu đến ngày 30-6-2025, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công toàn tỉnh đạt 50% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Giai đoạn 2 phấn đấu đến ngày 31-8-2025, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công toàn tỉnh đạt 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Để hoàn thành mục tiêu, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương giao chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công cho từng cơ quan, đơn vị nhằm triển khai giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án đầu tư công, giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết so với quy định hiện hành. Bình Dương cũng tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện và xử lý kỷ luật cá nhân, tổ chức trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai thành lập các Tổ công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 do 4 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, xác định “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả”. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư của 153 dự án được giao vốn đầu tư công phân công lãnh đạo theo dõi chỉ đạo; hàng tuần, tháng, quý có họp giao ban rà soát đôn đốc để thúc đẩy giải ngân...

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai xem đây là tiêu chí đánh giá vào cuối năm, sắp xếp cán bộ và nếu không đạt kế hoạch sẽ thay thế người đứng đầu của đơn vị được giao vốn.

Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết, địa phương đang thống kê, xác định danh mục tiến độ các dự án của 11 huyện/thành phố và đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn các địa phương về phương án sắp xếp mô hình Ban quản lý dự án, Trung tâm phát triển quỹ đất và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện khi giải thể để đảm bảo tính thống nhất, quản lý hiệu quả trong thời gian tới. Tỉnh tiếp tục đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 nhằm đảm bảo đạt 100% kế hoạch đề ra.

HOÀNG BẮC - XUÂN TRUNG - NÔNG NGÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cac-tinh-dong-nam-bo-tang-toc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-post796418.html
Zalo