Các thương vụ vũ khí lớn trong chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Trump
Theo báo Jerusalem Post, một trong những trọng tâm của chuyến công du của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Trung Đông là các thỏa thuận quốc phòng quy mô lớn với Saudi Arabia - quốc gia đang tìm mua nhiều hệ thống tên lửa phòng thủ và tấn công, máy bay vận tải Hercules, trực thăng chiến đấu và vận tải.

Tiêm kích mới F-15EX trong chuyến bay đầu tiên hồi tháng 2/2021. Ảnh: Boeing
Điểm nhấn của thương vụ trên là tiêm kích thế hệ mới F-15EX. Saudi Arabia đang vận hành đội bay F-15 với hai phiên bản: 84 chiếc F-15SA được mua từ nhiều năm trước và hàng chục chiếc F-15SR đã lỗi thời. Cách đây khoảng một năm, Saudi Arabia thông báo kế hoạch mua 54 chiếc F-15EX, với lựa chọn bổ sung thêm 8 phi đội khác, nhằm thay thế toàn bộ máy bay cũ trong phiên chế. Tổng số máy bay dự kiến mà nước này sẽ sở hữu có thể lên tới 200 chiếc.
Tháp tùng ông Trump tới Trung Đông là các lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn công nghiệp và quốc phòng Mỹ, trong đó có Giám đốc điều hành Sikorsky (hãng sản xuất trực thăng Black Hawk) và Giám đốc điều hành Boeing, ông Kelly Ortberg. Trong chuyến đi, họ sẽ gặp gỡ quan chức quốc phòng từ Kuwait, Bahrain, Qatar và Oman để hoàn tất các hợp đồng lớn liên quan đến máy bay, trực thăng và hệ thống vũ khí – mà F-15EX sẽ là tâm điểm chính.
F-15EX là mẫu tiêm kích thế hệ tiếp theo của quân đội Mỹ, được Boeing phát triển trước tiên cho Không quân Qatar với tên gọi F-15QA. Ngay khi nắm được kế hoạch phát triển mẫu máy bay này, Lầu Năm Góc đã xác định đây là phương án thay thế lý tưởng cho 3 đơn vị không quân Mỹ hiện vẫn đang vận hành dòng F-15 cũ.
F-15EX được đánh giá cao với khả năng mang tới 17,5 tấn vũ khí, cùng hệ thống radar tiên tiến có thể phát hiện mục tiêu từ xa và chia sẻ thông tin với các máy bay khác cũng như hệ thống vũ khí mặt đất.
Trong khi đó, Israel hiện cũng đang tiến gần tới việc ký hợp đồng mua phi đội F-15EX đầu tiên trong vài tuần hoặc vài tháng tới. Dự kiến, Israel sẽ nhận khoảng 25 chiếc trong những năm tới với tổng giá trị 2,5 tỷ USD – tương đương 100 triệu USD mỗi chiếc. Mức giá này cao hơn so với các quốc gia khác do Israel yêu cầu tích hợp thêm nhiều hệ thống công nghệ đặc biệt.
Mẫu tiêm kích này được xem là nhân tố có thể tạo ra bước ngoặt trong lĩnh vực hàng không quân sự. Trong bối cảnh các căng thẳng toàn cầu leo thang, nhu cầu vũ khí hiện đại ngày càng tăng mạnh, kéo theo làn sóng mua sắm vũ khí từ nhiều quốc gia.
Danh sách khách hàng mua dòng F-15EX của Boeing gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Ai Cập, Qatar (nước đầu tiên mua mẫu này), cho đến các quốc gia vùng Vịnh như Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain và Oman. Mới đây, Ba Lan cũng gia nhập nhóm khách hàng khi đặt mua nhiều phi đội F-15EX và 86 chiếc trực thăng Apache, khiến Israel phải chờ đợi do Vacsava sẽ nhận bàn giao trước.
Bên cạnh các hợp đồng quân sự, Mỹ dự kiến ký thêm các thỏa thuận dân sự trị giá từ 600 tỷ đến 1.000 tỷ USD với riêng Saudi Arabia. Các lĩnh vực bao gồm trí tuệ nhân tạo, nhà máy điện hạt nhân, năng lượng tái tạo, du lịch và nhiều dự án hạ tầng khác.