Các thương hiệu xe điện cạnh tranh quyết liệt ở Đông Nam Á

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ, Đông Nam Á đã trở thành chiến trường đầy hứa hẹn cho các thương hiệu xe điện toàn cầu, bao gồm cả VinFast của Việt Nam.

Một phòng trưng bày xe điện của hãng Tesla tại California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Một phòng trưng bày xe điện của hãng Tesla tại California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo Jakarta Post ngày 3/7 có bài phân tích về vấn đề này, nội dung như sau:

Bối cảnh ngành công nghiệp xe điện (EV) toàn cầu đã trở nên mạnh mẽ hơn, với việc Trung Quốc nỗ lực củng cố vị trí là nhà vô địch thế giới trong lĩnh vực này. Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy Trung Quốc chiếm gần 60% số lượng đăng ký xe điện mới trên toàn cầu vào năm 2023, tiếp theo là châu Âu với 25%, Mỹ với 10% và phần còn lại của thế giới chiếm 5%.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã củng cố vị thế tại thị trường trong nước trong nhiều năm và họ đã bắt đầu mở rộng sang các khu vực khác. Kết quả là, Trung Quốc đã đạt sự gia tăng đáng kể về giá trị xuất khẩu của xe điện chạy bằng pin (BEV). Chỉ trong 2 năm (2021-2023, con số này đã tăng gấp hơn 4 lần từ 8,59 tỷ USD lên 34,13 tỷ USD).

Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc như BYD, MG thuộc SAIC Motor Corp, Nio, GAC Motor, Li Auto, Geely và Chery, cùng nhiều hãng khác, chiếm tổng cộng 53% thị phần xe điện toàn cầu vào năm 2023. Cùng trong năm, hãng sản xuất ô tô Trung Quốc BYD đã vượt qua Tesla để trở thành thương hiệu xe điện bán chạy nhất thế giới.

Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xe điện đã thúc đẩy một số chính phủ về mặt pháp lý, đặc biệt là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành các biện pháp nhằm hạn chế sự thống trị của Trung Quốc cũng như bảo vệ ngành công nghiệp trong nước.

Ngày 14/5, Mỹ đã công bố mức tăng thuế đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm tăng gấp 4 lần thuế nhập khẩu đối với xe điện Trung Quốc, lên 100%. Chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố rằng các biện pháp mới nhằm bảo vệ các nhà sản xuất và công nhân của Mỹ. Các quy định gần đây của Mỹ sẽ bổ sung vào danh sách dài các hành động bảo hộ, làm leo thang thêm căng thẳng giữa hai siêu cường kinh tế.

Đáp lại, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố rằng nước này “kiên quyết phản đối” việc tăng thuế quan và sẽ thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình. Ngày 12/6, Liên minh châu Âu đã lên kế hoạch thực hiện một biện pháp tương tự bằng cách tăng mức thuế lên tới 38% đối với xe điện Trung Quốc sau cuộc điều tra chống trợ cấp của khối này vào năm ngoái.

Ngược lại với chính sách chung của Mỹ áp dụng cho tất cả các nhà sản xuất ô tô điện từ Trung Quốc, quy định của EU áp dụng mức tăng thuế tạm thời đối với từng nhà sản xuất nhất định. Ví dụ, BYD sẽ phải đối mặt với mức thuế 17,4%, trong khi Geely và SAIC sẽ phải chịu mức thuế nhập khẩu lần lượt là 20% và 38,1%.

Hành động của Brussels chắc chắn đã làm dấy lên cơn thịnh nộ ở Trung Quốc, khi Bộ Thương mại nước này gọi quyết định là “hành vi bảo hộ trắng trợn”. Châu Âu đóng vai trò quan trọng trong tham vọng thống trị thị trường xe điện toàn cầu của Trung Quốc vì châu lục này là thị trường nước ngoài lớn nhất của xe điện Trung Quốc.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc do The Atlantic Council biên soạn, giá trị xuất khẩu xe điện của Trung Quốc sang các nước EU là 13,46 tỷ USD vào năm 2023, chiếm 39% tổng giá trị xuất khẩu của nước này trong năm.

Trong khi các nước phương Tây muốn tạo khoảng cách với Trung Quốc bằng cách áp thuế đối với các nhà sản xuất ô tô điện, các nhà sản xuất Trung Quốc đang chuẩn bị mở rộng sự hiện diện của mình tại các thị trường mới nổi khác, đặc biệt là Đông Nam Á, nơi nhu cầu đang tăng mạnh và chỗ đứng của Trung Quốc đã vững chắc.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ, bao gồm cả các đồng minh của nước này, Đông Nam Á đã trở thành chiến trường đầy hứa hẹn cho các thương hiệu xe điện toàn cầu, bao gồm cả nhà sản xuất ô tô của khu vực, VinFast của Việt Nam.

Đông Nam Á đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể ba chữ số về nhu cầu xe điện vào cuối năm ngoái, với tổng doanh số tăng 894% so với cùng kỳ năm 2022. Trong những năm gần đây, các công ty Trung Quốc đã khai thác thị trường đang phát triển này và nhanh chóng vươn lên thống trị. Năm 2022, thị phần xe điện của Trung Quốc tại Đông Nam Á mới đạt 38%.

Một báo cáo gần đây của Counterpoint Research cho biết các thương hiệu Trung Quốc chiếm hơn 70% doanh số bán xe điện (EV) tại Đông Nam Á trong năm nay, với BYD dẫn đầu thị trường.

Các thương hiệu Trung Quốc đã thành công vượt qua các thương hiệu Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực EV, vốn từ lâu đã thống trị thị trường xe động cơ đốt trong (ICE) của Đông Nam Á, vì hai quốc gia trên chậm trễ trong quá trình chuyển đổi sang EV. Tính cạnh tranh về giá đã mang lại cho xe điện Trung Quốc một lợi thế, giúp họ giành chiến thắng trước các đối thủ phương Tây đắt tiền hơn và các đối tác thương hiệu châu Á.

Với mức giá cho các mẫu xe cấp thấp bắt đầu từ 12.000 USD và được hỗ trợ bởi các ưu đãi được cung cấp ở một số quốc gia, bao gồm Indonesia và Thái Lan, các thương hiệu Trung Quốc đặc biệt hấp dẫn đối với khách hàng Đông Nam Á.

Trong nỗ lực củng cố vị thế của Trung Quốc tại khu vực, một số nhà sản xuất ô tô nước này đã bắt đầu đầu tư vào các cơ sở sản xuất trên khắp Đông Nam Á, một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới với dân số hơn 680 triệu người.

Tại Indonesia, công ty BYD đã đầu tư 1,3 tỷ USD cho một nhà máy sản xuất xe điện tại tỉnh Tây Java, dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 1/2026. Tại Malaysia, Geely đã hợp tác với Proton của Malaysia để đầu tư 10 tỷ USD nhằm mở rộng sự hiện diện tại Đông Nam Á.

Tại Thái Lan, một hãng xe Trung Quốc khác là Chery cũng đã có kế hoạch thành lập một nhà máy ở tỉnh Rayong với mục tiêu sản xuất 50.000 xe điện BEV và xe điện hybrid trong giai đoạn đầu sản xuất. Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) cũng lưu ý rằng đã có 26 dự án đầu tư liên quan đến các cơ sở sản xuất và lắp ráp xe điện từ 19 công ty tại Thái Lan với tổng giá trị hơn 80 tỷ baht (2,1 tỷ USD).

Trong khi việc sử dụng xe điện vẫn còn chậm ở Đông Nam Á, chiến lược hợp tác giữa các nhà sản xuất ô tô và chính phủ bằng cách cung cấp ưu đãi và cải thiện cơ sở hạ tầng cho xe điện sẽ đóng vai trò quan trọng để khuyến khích sử dụng xe điện trong khu vực.

Khi Trung Quốc tiếp tục xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với cả ASEAN và các quốc gia thành viên, các quốc gia Đông Nam Á đã hoan nghênh ý định của nước này với tầm nhìn chung là tăng cường áp dụng xe điện trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển dịch theo hướng di chuyển bền vững.

Mặc dù Trung Quốc đang phải đối mặt với những rào cản ở Mỹ và EU do căng thẳng địa chính trị gia tăng và chiến tranh thương mại, việc tiếp tục tập trung vào Đông Nam Á sẽ củng cố thêm chỗ đứng của nước này trong ngành công nghiệp xe điện của khu vực, nơi các đối thủ phương Tây đang vật lộn để chiếm một phần thị phần.

Đỗ Quyên (P/v TTXVN tại Jakarta)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-thuong-hieu-xe-dien-canh-tranh-quyet-liet-o-dong-nam-a/339567.html
Zalo