Các ông Chu Ngọc Anh, Phạm Xuân Thăng, Đinh La Thăng không được đặc xá năm 2024
Các ông Chu Ngọc Anh - Cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phạm Xuân Thăng - Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương và ông Đinh La Thăng không được đặc xá trong đợt này.
Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh, 70 năm Giải phóng Thủ đô, theo đề nghị của Chính phủ, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký quyết định đặc xá cho 3.763 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 2 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện được đặc xá năm 2024.
Sáng 30/9, tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã đọc quyết định đặc xá cho 3.763 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 2 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện được đặc xá năm 2024. Quyết định này có hiệu lực từ 1/10/2024.
Trả lời các câu hỏi tại họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm-Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Trong những người được đặc xá lần này có 64 người phạm tội giết người, 205 người phạm tội các tội về ma túy, 91 người phạm tội hiếp dâm, 156 người phạm tội về cướp giật tài sản, 77 người phạm tội về trộm cắp.
Trong số này còn có 403 người phạm các tội về trật tự quản lý kinh tế; 275 người phạm các tội về chức vụ và 2.494 người phạm các tội khác.
Các ông Chu Ngọc Anh - Cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phạm Xuân Thăng - Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương và ông Đinh La Thăng không được đặc xá trong đợt này.
Thông tin về số phạm nhân nước ngoài được đặc xá, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết: Lần đặc xá này có 20 phạm nhân mang quốc tịch nước ngoài gồm 19 nam và 1 nữ.
“20 phạm nhân nước ngoài được đặc xá gồm nhiều tội danh như giết người, buôn lậu, tổ chức đánh bạc, tổ chức cho người ở lại Việt Nam phi pháp…”, ông Việt cho hay.
Trước đó, phát biểu tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà cho biết, đặc xá năm 2024 một lần nữa tiếp tục khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội.
Quá trình xét, quyết định đặc xá cho những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và những người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được thực hiện chặt chẽ, công khai, công bằng, chính xác và bảo đảm dân chủ theo quy định của pháp luật.
Ông Hà nhấn mạnh, khi xem xét đặc xá đều phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định: Đặc xá phải được tiến hành nghiêm minh, chặt chẽ, công khai, dân chủ, đảm bảo công bằng, đúng đối tượng, điều kiện theo quy định của pháp luật để tất cả các phạm nhân có đủ điều kiện đều được xem xét và không để bất kỳ phạm nhân nào không đủ điều kiện theo quy định lại được xem xét đặc xá.
Các hình phạt bổ sung khác như cấm đảm nhận chức vụ, quản chế, phạt tiền, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác... những phạm nhân được đặc xá vẫn phải chấp hành đầy đủ theo quy định của pháp luật.
“Đặc xá không có sự phân biệt đối xử hoặc hạn chế với bất kỳ phạm nhân nào cho dù phạm nhân đó là người Việt Nam hay là người có quốc tịch nước ngoài, nếu phạm nhân đó có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật nước CHXHCN Việt Nam đều được xét đặc xá", ông Hà nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước cho biết, qua báo cáo của Bộ Công an, tuyệt đại đa số những phạm nhân được đặc xá đã có ý thức hoàn lương, hướng thiện, nhanh chóng tái lập cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Trong đó, có nhiều người đã có cuộc sống ổn định, có người thành đạt và tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động của xã hội, được ghi nhận.