Các nhà nghiên cứu Australia kêu gọi hành động để giảm việc đốt nhựa
Các nhà nghiên cứu Australia ngày 19/2 kêu gọi cần hành động để giảm thiểu việc đốt nhựa để sưởi và nấu ăn ở các nước đang phát triển, đồng thời cảnh báo về những rủi ro đối với sức khỏe con người.

Một địa điểm tái chế nhựa nhân Ngày Trái đất Thế giới ở ngoại ô Agartala, tiểu bang Tripura, đông bắc Ấn Độ. Ảnh: Tân Hoa xã
Trong một nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu từ Đại học Curtin ở Tây Australia phát hiện rằng hàng triệu hộ gia đình ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh đã chuyển sang đốt nhựa do thiếu các nguồn năng lượng truyền thống.
Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng, nhiều người ở các nước đang phát triển không đủ khả năng mua nhiên liệu sạch như khí đốt và tình trạng đô thị hóa tràn lan đã khiến nhiên liệu truyền thống như gỗ và than củi trở nên khó tìm trong khi rác thải nhựa lại rất nhiều.
Ông Bishal Bharadwaj, nhà nghiên cứu chính của dự án từ Viện Chuyển đổi năng lượng Curtin (CIET) cho biết, có nhiều rủi ro đối với sức khỏe liên quan đến việc đốt nhựa.
"Việc đốt nhựa giải phóng các hóa chất độc hại như dioxin, furan, kim loại nặng vào không khí, có thể gây ra nhiều tác động đến sức khỏe như các bệnh về phổi, hô hấp. Những rủi ro này đặc biệt rõ rệt đối với phụ nữ và trẻ em, vì họ dành nhiều thời gian ở nhà hơn", ông Bishal Bharadwaj cho biết trong một thông cáo báo chí.
Ông Bishal Bharadwaj cho biết, một cuộc khảo sát cho thấy 13% hộ gia đình Nigeria báo cáo sử dụng rác làm nhiên liệu nấu ăn. Báo cáo phân tích đất và thực phẩm từ Indonesia cho thấy mức độ độc tố nguy hiểm liên quan đến việc đốt nhựa.
Các tác giả của nghiên cứu cảnh báo rằng, việc đốt nhựa sẽ trở thành một "vấn đề ngày càng nghiêm trọng", một phần ba dân số toàn cầu dự kiến sẽ sống ở các khu vực thành thị vào năm 2050 và mức tiêu thụ nhựa dự kiến sẽ tăng gấp ba vào năm 2060.
Bà Peta Ashworth - Giám đốc CIET, cho biết vấn đề đốt nhựa thường tập trung ở những khu vực bị bỏ quên như những khu ổ chuột.
Theo bà Peta Ashworth, lệnh cấm hoàn toàn việc đốt nhựa có thể không giúp ích gì và thay vào đó, bà đề xuất trợ cấp nhiên liệu sạch hơn cho các gia đình nghèo, quản lý chất thải tốt hơn và thực hiện các chiến dịch giáo dục là những cách khả thi để giải quyết vấn đề này.