Các nhà khoa học Trung Quốc tạo ra 'vua thuốc nổ' bằng bánh bao

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã có đột phá trong việc cải thiện hiệu suất của loại chất nổ mạnh nhất thế giới, CL-20, bằng phương pháp đơn giản nhưng đầy sáng tạo: sử dụng bánh bao hấp.

Đây được xem là một cách tiếp cận độc đáo, vừa tăng cường sức công phá, vừa đảm bảo an toàn, đồng thời mở ra tiềm năng ứng dụng trong nhiên liệu tên lửa và các đầu đạn thông thường.

CL-20, hay hexanitrohexaazaisowurtzitane, được mệnh danh là "vua thuốc nổ" nhờ sức công phá mạnh mẽ, chỉ đứng sau vũ khí hạt nhân. Với phương pháp này, hiệu suất nổ của CL-20 được cải thiện đáng kể, độ an toàn của nó cũng tăng lên gấp 4 lần. Nhờ vậy, loại chất nổ này có thể tăng tầm bắn của tên lửa siêu thanh lên đến 20%, tạo ra lợi thế chiến lược quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng.

Điều đặc biệt ở nghiên cứu là cách các nhà khoa học sử dụng bánh bao hấp – một món ăn phổ biến ở Trung Quốc – làm nguyên liệu để cải thiện chất nổ. Trong thí nghiệm, những chiếc bánh bao được mua từ căng tin của Đại học Bắc Trung Quốc, sau đó trải qua quá trình xử lý đặc biệt.

 Ảnh minh họa: Pexel

Ảnh minh họa: Pexel

Bánh bao được đưa vào lò nướng ở nhiệt độ 1.100 độ C trong hai giờ, chuyển hóa thành vật liệu carbon sinh khối. Tiếp đó, các nhà nghiên cứu trộn bánh bao carbon hóa này với CL-20, tạo ra một hỗn hợp có hiệu quả cao.

Phương pháp này mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Các lỗ rỗng hình thành trong bánh bao carbon hóa hoạt động như lớp bảo vệ cho các hạt CL-20, giảm nguy cơ phát nổ ngoài ý muốn trong quá trình vận chuyển hoặc bảo quản.

Đồng thời, khi chất nổ được kích hoạt, các lỗ rỗng này đóng vai trò như những lò phản ứng thu nhỏ, gia tăng áp suất bên trong và giúp quá trình đốt cháy diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ hơn.

Sáng kiến này không chỉ giúp cải thiện hiệu suất mà còn giảm chi phí sản xuất. Trước đây, các nhà khoa học thường sử dụng vật liệu công nghệ cao như graphene để cải thiện CL-20 nhưng những vật liệu này quá đắt đỏ để ứng dụng trên quy mô lớn. Ngược lại, bánh bao hấp có giá thành cực kỳ thấp (chỉ hơn 1 tệ mỗi chiếc), khiến phương pháp này trở nên khả thi về mặt kinh tế.

Nghiên cứu về CL-20 tại Trung Quốc bắt đầu từ những năm 1970 và công thức phân tử của nó lần đầu tiên được công bố vào năm 1994. Kể từ đó, các nhà khoa học Trung Quốc đã không ngừng cải tiến để sản xuất loại hóa chất phức tạp này với chi phí thấp.

Tuy nhiên việc tăng sức mạnh của CL-20 luôn đi kèm với rủi ro cao về tính ổn định. Phương pháp sử dụng bánh bao hấp đã giúp giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả, đồng thời mở đường cho nhiều ứng dụng mới trong lĩnh vực quân sự, bao gồm nhiên liệu rắn năng lượng cao cho tên lửa.

Trong khi đó, Mỹ cũng đã tiến hành nghiên cứu và phát triển CL-20 từ năm 1987, nhưng việc ứng dụng chất nổ này trên quy mô lớn gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất cao và thách thức về công nghệ.

Hoài Phương (theo SCMP, 6do)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-nha-khoa-hoc-trung-quoc-tao-ra-vua-thuoc-no-bang-banh-bao-post330664.html
Zalo