Các ngân hàng bứt tốc trong cuộc đua tăng vốn

Việc tăng vốn điều lệ không chỉ giúp các ngân hàng nâng cao khả năng ứng phó với rủi ro mà còn mở ra nhiều cơ hội để mở rộng hoạt động kinh doanh, gia tăng lợi nhuận...

Thời gian gần đây, các ngân hàng đang đẩy mạnh tăng vốn điều lệ thông qua việc chia cổ tức, phát hành cổ phiếu, thưởng cổ phiếu… nhằm củng cố năng lực tài chính, tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng các yêu cầu khắt khe về an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

ĐƯỜNG ĐUA TĂNG VỐN SÔI ĐỘNG

Mới đây nhất, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt (BVBank – mã chứng khoán: BVB) vừa công bố nghị quyết Hội đồng quản trị về việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Theo đó, BVBank sẽ phát hành tối đa 50,16 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 10%, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 10 cổ phiếu mới. Sau phát hành, vốn điều lệ của BVBank dự kiến tăng lên hơn 5.518 tỷ đồng.

Tượng tự, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – mã chứng khoán: TCB) thông báo ngày 17/7 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án tăng vốn điều lệ năm 2024 thông qua phát hành cổ phiếu ESOP.

Nội dung phát hành ESOP năm 2024 chưa được nhắc đến trong tài liệu và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay.

Liên quan đến việc tăng vốn vừa qua, Techcombank đã hoàn tất việc phát hành 3,52 tỷ cổ phiếu phổ thông với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới.

Sau đợt phát hành, tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Techcombank là 7,05 tỷ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ là 70.450 tỷ đồng. Như vậy, vốn điều lệ của Techcombank đã nhảy vọt từ vị trí thứ 9 trong toàn ngành ngân hàng lên vị trí thứ 2, vượt qua cả bốn ngân hàng quốc doanh là BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank và chỉ đứng sau VPBank.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (mã chứng khoán: OCB) tăng vốn điều lệ thêm 4.110 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua.

Theo đó, OCB dự kiến phát hành gần 411 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ thực hiện quyền 5:1, tương đương cổ đông sở hữu 5 cổ phiếu sẽ nhận được 1 cổ phiếu mới. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của OCB dự kiến tăng từ 20.548 tỷ đồng lên gần 24.658 tỷ đồng.

Không đứng ngoài cuộc đua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank – mã chứng khoán: SSB) cũng thông báo triển khai các phương án để tăng vốn điều lệ lên 28.800 tỷ đồng.

Cụ thể, SeABank sẽ phát hành 329 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 và phát hành 10,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương đương tổng tỷ lệ gần 14% số cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian dự kiến triển khai vào quý 3/2024.

Bên cạnh đó, SeABank cũng dự kiến phát hành 45 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2024. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024.

Nếu hoàn thành 2 đợt phát hành cổ phiếu trên, vốn điều lệ của SeABank sẽ tăng thêm 3.843 tỷ đồng, từ 24.957 tỷ đồng lên 28.800 tỷ đồng. Kế hoạch này nằm trong lộ trình tăng vốn được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của SeABank thông qua và đã nhận được văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (Nam A Bank – mã chứng khoán: NAB), ngân hàng này thông báo ngày 12/7/2024 là ngày chốt danh sách cổ đông phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần.

Theo đó, Nam A Bank sẽ phát hành 264,5 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 100:25, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu mới. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng thông qua quy chế phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Cụ thể, Nam A Bank dự kiến phát hành 50 triệu cổ phiếu ESOP với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ phát hành tương đương 4,726% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2024.

Nếu hoàn thành cả 2 phương án trên, vốn điều lệ của Nam A Bank sẽ tăng thêm 3.145 tỷ đồng, từ 10.580 tỷ đồng lên mức 13.725 tỷ đồng.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (mã chứng khoán: MSB) sẽ tăng vốn theo hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận để lại tính theo báo cáo tài chính kiểm toán tại 31/12/2023 sau khi trích các quỹ theo luật định.

Tỷ lệ phát hành là 30% trên tổng số cổ phần đang lưu hành, tương đương phát hành thêm 600 triệu cổ phiếu. Sau khi tăng vốn, tổng số lượng cổ phiếu lưu hành dự kiến sẽ là 2,6 tỷ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ mới đạt 26.000 tỷ đồng.

Bên cạnh việc chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank – mã chứng khoán: HDB) cũng triển khai chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% theo nghị quyết được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Thời điểm chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền sẽ được công bố sau khi có chấp thuận của các cơ quan chức năng, dự kiến trong quý 3/2024. Sau khi chia cổ tức, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng thêm 20%, lên mức 35.101 tỷ đồng.

"CHÌA KHÓA VÀNG" GIÚP CỦNG CỐ NĂNG LỰC TÀI CHÍNH

Năm 2024 được xem là năm có nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ nhất. Thống kê sau mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên cho thấy, nhiều ngân hàng đã rục rịch triển khai tăng vốn với con số lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo nhiều ngân hàng, việc tăng vốn là điều cần thiết, giúp các ngân hàng có thêm nguồn vốn trung và dài hạn bền vững, tạo nền tảng vững chắc để mở rộng quy mô kinh doanh, cụ thể là mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay.

Đồng thời, việc tăng vốn nhằm đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, hướng tới chuẩn mực đáp ứng kế hoạch tăng trưởng liên tục hàng năm.

Điển hình, MSB cho biết, việc tăng vốn điều lệ trong năm 2024 tiếp tục tạo động lực nâng vị thế cạnh tranh của ngân hàng theo quy mô, hỗ trợ bộ đệm vốn, giữ hệ số an toàn vốn CAR ở mức cao đồng thời góp phần thúc đẩy dòng chảy tín dụng.

Đồng thời, việc đẩy mạnh tăng vốn cũng giúp các ngân hàng cải thiện tỷ lệ an toàn vốn, nâng cao năng lực tài chính, là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá, xếp hạng một ngân hàng.

Đặc biệt, tăng vốn cũng là một trong những nhiệm vụ chính của Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Theo đề án, các tổ chức tín dụng cần đảm bảo mức vốn điều lệ nhất định đến năm 2025 như sau:

Đối với các ngân hàng thương mại: Nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn: Vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng. Nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và ngân hàng thương mại có vốn nước ngoài: Vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng.

Đối với công ty tài chính: Vốn điều lệ tối thiểu đạt 750 tỷ đồng. Đối với công ty cho thuê tài chính: Vốn điều lệ tối thiểu đạt 450 tỷ đồng. Đối với ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính yếu, yếu kém/được kiểm soát đặc biệt/thực hiện phương án cơ cấu lại do cấp có thẩm quyền phê duyệt: phương án tăng vốn thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Như vậy, với mục tiêu của đề án, một trong các biện pháp quan trọng là tăng cường vốn và cải thiện chất lượng nguồn vốn tự có của các tổ chức tín dụng. Điều này nhằm đảm bảo rằng mức vốn điều lệ không thấp hơn mức quy định của pháp luật và nâng cao tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế.

Về triển vọng ngành ngân hàng nửa cuối năm 2024, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế sẽ hoàn thành kế hoạch 15% dựa trên những kỳ vọng như tiếp tục triển khai chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp để hỗ trợ kinh tế hồi phục.

Cùng với đó, động lực tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2024 kỳ vọng được đóng góp nhiều hơn từ phân khúc khách hàng cá nhân, thị trường bất động sản tiếp tục đà hồi phục sau những nỗ lực tháo gỡ vấn đề pháp lý của Chính phủ.

Tuy nhiên, nhóm chuyên gia KBSV bày tỏ thận trọng với chất lượng tài sản của toàn ngành khi kinh tế vẫn cần thêm thời gian hồi phục, cũng như các chính sách cần thêm thời gian để phát huy hết vai trò.

Dù vậy, tình hình nợ xấu sẽ được cải thiện hơn so với năm 2023 nhờ Thông tư 02 dự kiến sẽ được gia hạn đến hết năm 2024, chính sách hỗ trợ của các ngân hàng thông qua lãi suất, tháo gỡ những vấn đề pháp lý để các doanh nghiệp tiếp tục triển khai mở rộng hoạt động kinh doanh - sản xuất.

Tuy nhiên, sau giai đoạn đẩy mạnh xử lý nợ xấu kể từ quý 3/2023 đến nay, KBSV nhận thấy bộ đệm dự phòng của toàn ngành đã suy giảm đáng kể. Trong thời gian tới, áp lực trích lập sẽ tăng lên nhằm củng cố lại bộ đệm, chuẩn bị cho công cuộc xử lý nợ giai đoạn 2025 - 2026.

Nhìn chung, tiềm ẩn nợ xấu vẫn còn hiện hữu khi mức độ hồi phục của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự như kỳ vọng, báo cáo phân tích nêu.

Về cổ phiếu ngành ngân hàng, đội ngũ phân tích KBSV cho rằng các cổ phiếu ngành này hầu như đã có 1 nhịp điều chỉnh sau khi tăng 15 - 20% trong những tháng đầu năm, đưa P/B toàn ngành quay trở lại vùng 1,4x - phản ánh mức chiết khấu của thị trường cho nợ xấu tiềm ẩn, ROE suy giảm.

Với triển vọng cho nửa sau năm 2024, KBSV kỳ vọng lợi nhuận của ngành sẽ được thúc đẩy bởi cầu tín dụng lĩnh vực bất động sản, sự hồi phục của các hoạt động sản xuất kinh doanh; qua đó hỗ trợ tái định giá P/B cho ngành ngân hàng về mức hợp lí hơn.

Trong ngắn hạn, KBSV nhận định các cổ phiếu có thể sẽ có nhịp điều chỉnh nếu kết quả kinh doanh quý 2 và quý 3 chưa thực sự khởi sắc, nhưng sẽ là thời điểm thích hợp để mua vào những cổ phiếu tiềm năng cho mục tiêu đầu tư dài hạn. Các cổ phiếu được KBSV khuyến nghị bao gồm: VCB, ACB, STB, TCB, VPB.

Mạnh Duy

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/cac-ngan-hang-but-toc-trong-cuoc-dua-tang-von-post553252.html
Zalo