Kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc đạt kỷ lục

Lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm vượt mức 21.000 tỷ nhân dân tệ và được đánh giá là 'tăng trưởng vượt kỳ vọng'.

Hệ thống bốc xếp container tự động tại Cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Hệ thống bốc xếp container tự động tại Cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm lập kỷ lục

Theo số liệu Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của nước này đạt 21.170 tỷ nhân dân tệ, lần đầu tiên vượt mốc 21.000 tỷ nhân dân tệ, trong đó xuất khẩu đạt 12.130 tỷ nhân dân tệ, tăng 6,1% so cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu đạt 9.040 tỷ nhân dân tệ, tăng 5,2% so cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ điện của Trung Quốc đạt 7.140 tỷ nhân dân tệ, tăng 8,2% so cùng kỳ năm ngoái, chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, giá trị xuất khẩu của bảng mạch, ô-tô, thiết bị xử lý dữ liệu tự động và linh kiện lần lượt tăng 25,6%, 22,2% và 10,3%.

Thương mại là tiêu chí quan trọng để đánh giá kinh tế Trung Quốc. Bắt đầu từ quý 4 năm ngoái, xuất nhập khẩu thương mại của nước này tăng dần theo từng quý, quý 2 năm nay tăng 7,4% so cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 2,5% của quý 1 năm nay và 5,7% của quý 4 năm ngoái.

Theo truyền thông Trung Quốc, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá số liệu xuất nhập khẩu của Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2024 là “tăng trưởng vượt kỳ vọng”, đặc biệt trong bối cảnh động lực tăng trưởng kinh tế thế giới còn yếu, những nhân tố bất ổn ngày càng tăng, thì xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng ổn định, trong khi quy mô nhập khẩu tiếp tục được mở rộng, điều này đã tạo niềm tin và động lực cho kinh tế thế giới. Trong “Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới” vừa được công bố giữa tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2024 lên 5%, nguyên nhân bởi số liệu tiêu dùng và kết quả xuất khẩu khả quan trong quý 1 của Trung Quốc.

Giải mã nguyên nhân “tăng trưởng vượt kỳ vọng”

“Tăng trưởng vượt kỳ vọng” của thương mại Trung Quốc đến từ hiệu quả của việc tái cấu trúc ngành nghề, đổi mới công nghệ. Gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh cải cách toàn diện, thúc đẩy mở cửa ở mức cao, ban hành nhiều chính sách thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cấp ngành nghề và duy trì ổn định thương mại, do đó đã đẩy nhanh việc hình thành sức sản xuất chất lượng mới, nâng cao sức cạnh tranh cho các ngành chế tạo, cũng như củng cố ưu thế xuất khẩu các hàng hóa trọng điểm.

6 tháng đầu năm 2024, ASEAN vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, thương mại song phương đạt 3.360 tỷ nhân dân tệ, tăng 10,5% so cùng kỳ năm ngoái, chiếm 15,9% tổng giá trị thương mại của Trung Quốc.

Sự chủ động của các doanh nghiệp Trung Quốc ứng phó trước biến động của thị trường quốc tế, linh hoạt, sáng tạo trong mở rộng thị phần, đã giúp cho thương mại nước này tăng trưởng vượt kỳ vọng. Kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước đều tăng. Đặc biệt, khối doanh nghiệp tư nhân tiếp tục giữ vị trí số một trong hoạt động thương mại của Trung Quốc, khi 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của khối này đạt 11.640 tỷ nhân dân tệ, tăng 11,2% so cùng kỳ năm ngoái, chiếm 55% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc.

Ngoài ra, hợp tác kinh tế thương mại song phương giữa Trung Quốc và các đối tác phát huy hiệu quả, như Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Ecuador chính thức có hiệu lực từ 1/5/2024; đàm phán về Khu vực Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) phiên bản 3.0 đạt được những tiến triển khả quan. Quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa ASEAN-Trung Quốc cũng ngày càng chặt chẽ. 6 tháng đầu năm 2024, ASEAN vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, thương mại song phương đạt 3.360 tỷ nhân dân tệ, tăng 10,5% so cùng kỳ năm ngoái, chiếm 15,9% tổng giá trị thương mại của Trung Quốc. Điều này cũng giúp cho kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc 6 tháng đầu năm lần đầu vượt mức 21.000 tỷ nhân dân tệ.

Dự báo, thương mại Trung Quốc trong nửa cuối năm 2024 vẫn sẽ đối mặt với nhiều áp lực, thách thức do chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại toàn cầu cũng như đà suy giảm của các nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, với nội lực của nền kinh tế cũng như ưu thế thương mại, lợi thế chuỗi ngành, chuỗi cung ứng, hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng cuối năm của Trung Quốc sẽ vẫn duy trì đà tăng trưởng, bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển “nâng cao về chất và ổn định về lượng” của cả năm 2024.

HỒ QUÂN Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kim-ngach-xuat-nhap-khau-cua-trung-quoc-dat-ky-luc-post822190.html
Zalo