Các nền kinh tế vùng Vịnh tránh được mức thuế đối ứng của Mỹ

Các quốc gia trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã được miễn trừ khỏi các mức thuế đối ứng do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố vào ngày 2/4, nhưng giới phân tích cho rằng tác động từ các mức thuế mới của Mỹ có thể sẽ được cảm nhận trên toàn Trung Đông.

Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu ở tỉnh Wasit, Iraq. Ảnh: THX/TTXVN

Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu ở tỉnh Wasit, Iraq. Ảnh: THX/TTXVN

Mặc dù tránh được các mức thuế đối ứng khắc nghiệt hơn nhiều của Mỹ, các quốc gia GCC sẽ phải chịu mức thuế cơ bản 10% mà ông Trump công bố trong ngày 2/4. Nhiều quốc gia bị Mỹ đánh thuế đối ứng, nhưng không có quốc gia vùng Vịnh nào nằm trong danh sách này. Israel là quốc gia duy nhất ở Trung Đông bị ảnh hưởng khi bị áp mức thuế đối ứng 17%. Theo dự kiến, các mức thuế đối ứng của Mỹ sẽ có hiệu lực vào ngày 9/4.

Chuyên gia Rachel Ziemba, người sáng lập hãng nghiên cứu và phân tích kinh tế vĩ mô Ziemba Insights có trụ sở tại New York (Mỹ), nhận xét: "Xét trên bình diện toàn cầu, GCC có lẽ đã đạt được kết quả tốt nhất mà họ có thể có được trong quan hệ thương mại với Mỹ. Đây không phải là một kết quả tốt khi thuế quan phổ quát đang là một phần trong chính sách của Mỹ, nhưng các nhà lãnh đạo vùng Vịnh có thể coi đó là một thành công vì họ chỉ chịu áp mức thuế thấp nhất trong số các quốc gia thân thiện nhất của Mỹ".

Ông Trump nói rằng mức thâm hụt thương mại khổng lồ 1.200 tỷ USD trong năm 2024 của Mỹ là một phần nguyên nhân dẫn đến các mức thuế đối ứng. Tuy nhiên, Mỹ đã ghi nhận thặng dư thương mại với các quốc gia GCC trong năm 2024. Các thành viên GCC hiện áp mức thuế tương đối thấp 5% đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Và việc các quốc gia GCC luôn thiết lập tỷ giá ổn định giữa đồng nội tệ của họ với đồng USD cũng đã giúp họ tránh bị chỉ trích là "thao túng tiền tệ".

Với trao đổi thương mại song phương giữa Mỹ và các thành viên GCC đạt tương đối thấp, mức thuế cơ bản 10% có thể sẽ có "tác động thầm lặng". Chuyên gia Ziemba đánh giá: "Các mức thuế quan mới nhất của Mỹ sẽ có tác động gián tiếp đến nền kinh tế Mỹ và dòng chảy thương mại toàn cầu. Và đây không phải là một điều tốt đối với các quốc gia trong khu vực Trung Đông thông qua các thị trường năng lượng".

Thuế quan chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lạm phát và làm suy giảm tăng trưởng kinh tế. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới đây dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ chỉ tăng trưởng 1,7% trong năm 2025. Không giống như trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, các mức thuế quan mới nhất được chính quyền Mỹ công bố giữa lúc lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed.

Trong báo cáo công bố ngày 17/3, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,2% ghi nhận trong năm 2024 xuống 3,1% năm 2025 và 3,0% năm 2026, do tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan của ông Trump.

Nhà phân tích Justin Alexander, Giám đốc hãng tư vấn kinh tế Khalij Economics nhận định: "Cuộc chiến thương mại sẽ có tác động tiêu cực lớn hơn đến sức mạnh của nền kinh tế toàn cầu, do đó ảnh hưởng đến nhu cầu dầu khí của thế giới. Mối quan tâm lớn hiện nay là tác động gián tiếp của thuế quan đối với cách dòng chảy thương mại toàn cầu thay đổi, qua đó ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng toàn cầu".

Ngay sau thông báo của ông Trump về mức thuế đối ứng ngày 2/4, giá dầu Brent đã giảm 1,75% xuống còn 73,19 USD/thùng. Tuy vậy, ông Alexander cho rằng các nước GCC hiện có lợi thế tốt của một nền kinh tế mở, trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến các làn sóng bảo hộ.

Nguyễn Trường (PV TTXVN tại Cairo)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cac-nen-kinh-te-vung-vinh-tranh-duoc-muc-thue-doi-ung-cua-my-20250403081151545.htm
Zalo