Các kỳ Đại hội của Đảng và những dấu ấn lịch sử - Đại hội lần thứ VI: Khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước
Đầu thập niên 80 thế kỷ XX, cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội bắt đầu từ cuối thập niên 70 đã trở nên trầm trọng. Đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn, nhất là lực lượng vũ trang, công nhân viên chức và đối tượng chính sách xã hội. Đổi mới đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, tiếp tục quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã trở thành nhu cầu sống còn của đất nước và dân tộc.
Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật
Sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc, từ kinh nghiệm của các kỳ đại hội trước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng được thực hiện qua hai bước. Đại hội nội bộ, bắt đầu từ ngày 5 đến ngày 14-12-1986, với nhiệm vụ chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho đại hội chính thức.
Đại hội chính thức tiến hành tại hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội từ ngày 15 đến ngày 18-12-1986. Dự Đại hội có 1.129 đại biểu thay mặt cho gần 1,9 triệu đảng viên. Đến dự Đại hội có 32 đoàn đại biểu các đảng cộng sản và công nhân của các nước. Đại hội lần thứ VI của Đảng bầu Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 173 đồng chí trong đó có 124 ủy viên chính thức và 49 ủy viên dự khuyết. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa VI họp ngày 14-12-1986 bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên chính thức và 1 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V với tinh thần: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, khẳng định những thành tựu đạt được, đồng thời chỉ ra những khó khăn yếu kém trong quá trình thực hiện.
Đại hội khẳng định trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội những năm 1981 - 1985 đất nước “đã đạt được những thành tựu quan trọng”[1]. Đồng thời, Đại hội chỉ ra những khó khăn gay gắt về kinh tế - xã hội, mà thực chất là cuộc khủng hoảng đang ở mức nghiêm trọng về sản xuất, về đời sống, về tiêu cực xã hội với những biểu hiện rõ nét:
- Sản xuất tăng chậm, không tương xứng với khả năng và công sức bỏ ra, không đáp ứng được yêu cầu nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân.
- Nhiều chỉ tiêu của Kế hoạch 5 năm 1981 - 1985 không đạt đã ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động kinh tế và đời sống nhân dân.
- Hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp.
- Tài nguyên của đất nước chưa được khai thác tốt, bị sử dụng lãng phí, môi trường sinh thái bị phá hoại.
- Phân phối lưu thông rối ren, căng thẳng. Vật giá tăng nhanh, ngân sách thiếu hụt.
- Sự mất cân đối trong nền kinh tế chậm được thu hẹp, thậm chí lại có mặt gay gắt hơn trước.
- Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa chậm được củng cố, vai trò chủ đạo của nền kinh tế quốc doanh suy yếu.
- Đời sống nhân dân, nhất là công nhân viên chức và lực lượng vũ trang gặp nhiều khó khăn.
- Những hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát triển. Công bằng xã hội bị vi phạm. Pháp luật, kỷ cương không nghiêm. Những cán bộ tham nhũng lộng quyền, làm ăn phi pháp không bị trừng trị kịp thời, nghiêm khắc. Quần chúng giảm lòng tin đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước.
- Mục tiêu do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V đề ra là cơ bản ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân của nhân dân chưa thực hiện được.
Đại hội thể hiện rõ tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm khắc, trung thực, thẳng thắn, chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế nói trên là do Đảng mắc phải “những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”[2]. Khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những sai lầm ấy, đặc biệt là những sai lầm về chính sách kinh tế, là bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội, chạy theo nguyện vọng chủ quan. “Trong lĩnh vực tư tưởng, đã bộc lộ sự lạc hậu về nhận thức lý luận và vận dụng các quy luật đang hoạt động trong thời kỳ quá độ; đã mắc bệnh duy ý chí, giản đơn hóa, muốn thực hiện nhanh chóng nhiều mục tiêu của chủ nghĩa xã hội trong điều kiện nước ta mới ở chặng đường đầu tiên”[3]. Chủ trương và thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa khi chưa có đủ các tiền đề cần thiết. Đề ra những chỉ tiêu quá cao về xây dựng cơ bản, về sản xuất. Không thực sự coi trọng khôi phục kinh tế, ổn định đời sống là nhiệm vụ hàng đầu sau chiến tranh. Nông nghiệp chưa thực sự là mặt trận hàng đầu. Sản xuất hàng tiêu dùng bị coi nhẹ. Không kiên quyết đình hoãn những công trình chưa cấp bách và kém hiệu quả. Không tập trung sức giải quyết về căn bản vấn đề lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, muốn xóa bỏ ngay các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa trong vòng 5 năm, không thừa nhận cơ cấu kinh tế nhiều thành phần ở nước ta, muốn tổ chức ngay các hợp tác xã quy mô lớn, chưa nắm vững quy luật về sự thống nhất và phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất.
Từ thực tiễn cách mạng Đại hội VI tổng kết bốn bài học lớn:
Một là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động.
Hai là, Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật khách quan là điều kiện đảm bảo sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng.
Ba là, phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới.
Bốn là,phải xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ chính trị của một đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa[4].
Đại hội lần thứ VI của Đảng “Xác định nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát của những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo”[5].
Mục tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội cho những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là:
- Sản xuất đủ tiêu dùng và có tích lũy.
- Bước đầu tạo ra một cơ cấu kinh tế hợp lý nhằm phát triển sản xuất, hướng vào việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là lương thực, thực phẩm, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu.
- Xây dựng và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất mới phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
Làm cho thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa giữ vai trò chi phối trong nền kinh tế quốc dân. Sử dụng mọi khả năng của các thành phần kinh tế khác trong sự liên kết chặt chẽ và dưới sự chỉ đạo của thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa theo nguyên tắc bảo đảm phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người lao động.
Hình thành đồng bộ hệ thống mới về quản lý kinh tế, lấy kế hoạch hóa là trung tâm.
- Tạo ra sự chuyển biến tốt về mặt xã hội, việc làm, công bằng xã hội, chống tiêu cực, mở rộng dân chủ, giữ kỷ cương phép nước.
- Bảo đảm nhu cầu củng cố quốc phòng và an ninh, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.
Báo cáo chính trị khẳng định: “Cái mốc đánh dấu chặng đường đầu tiên kết thúc là đạt được năm mục tiêu nói trên”[6].
Tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội
Để đạt được những mục tiêu đã xác định, trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng đắn tình hình của đất nước, tự phê bình về những sai lầm, khuyết điểm, đổi mới tư duy lý luận, nhận thức rõ hơn về những quy luật khách quan của thời kỳ quá độ, kế thừa những thành tựu và kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và mười năm xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước, trải qua quá trình tìm tòi, khảo nghiệm từ thực tiễn, Đại hội đề ra đường lối đổi mới với những nội dung sau:
Thứ nhất, đổi mới cơ cấu kinh tế.
Thứ hai, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế.
Thứ ba, thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách xã hội.
Thứ tư, đổi mới chính sách đối ngoại, mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại.
Thứ năm, đổi mới nội dung và phong cách lãnh đạo của Đảng, tăng cường sức chiến đấu và năng lực tổ chức thực tiễn của Đảng.
Với tầm nhìn chiến lược, đổi mới tư duy khách quan, khoa học, chỉ rõ thực trạng đất nước, tổng kết được những kinh nghiệm từ thực tiễn thành công và thất bại, với ý thức trách nhiệm vì dân, dũng cảm thừa nhận sai lầm khuyết điểm, với tinh thần đoàn kết nhất trí cao, Đại hội VI đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng kéo dài hơn chục năm.
Đại hội VI của Đảng đã hoạch định đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để, thể hiện ở các vấn đề sau: Đại hội đã chấp nhận sản xuất hàng hóa, thừa nhận kinh tế thị trường; hình thành cơ chế quản lý hạch toán kinh tế xã hội chủ nghĩa; đổi mới chính sách xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và xây dựng Đảng...
Đường lối đổi mới đó là sự kết tinh trí tuệ của Đảng và toàn dân và cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Đảng trước lịch sử đất nước và dân tộc. Đường lối đổi mới của Đại hội cũng đánh dấu bước đổi mới trong nhận thức của Đảng, trước hết là Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị trước nhu cầu của thực tiễn. Đường lối do Đại hội đề ra thể hiện sự phát triển tư duy lý luận, khả năng tổng kết và tổ chức thực tiễn của Đảng mở ra thời kỳ mới của sự nghiệp cách mạng nước ta trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đại hội VI đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa cách mạng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tạo ra bước đột phá lớn và toàn diện, đem lại luồng sinh khí mới trong xã hội, làm xoay chuyển tình hình, đưa đất nước tiến lên.
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, tập 47, tr.347.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, tập 47, tr.360.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, tập 47, tr.361.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, Tập 47, tr.362 - 365.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, Tập 47, tr.376.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, Tập 47, tr.379.