Các FTA giúp Việt Nam tạo ra cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường với mức ưu đãi cao

Các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới đã tạo ra cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường với mức ưu đãi cao, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Sáng nay 30/9, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị chuyên đề về công tác điều ước quốc tế và các hiệp định thương mại tự do (FTA) tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên do Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức.

Hội nghị chuyên đề về công tác điều ước quốc tế và các hiệp định thương mại tự do tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Hội nghị chuyên đề về công tác điều ước quốc tế và các hiệp định thương mại tự do tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế mở với việc ký kết, gia nhập nhiều điều ước quốc tế trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, đặc biệt là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế và tham gia các FTA đã đóng góp quan trọng vào việc mở rộng và đưa quan hệ của nước ta với các đối tác đi vào chiều sâu, tạo thế đan xen lợi ích, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Thực hiện có hiệu quả các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới đã tạo ra cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường với mức ưu đãi cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu; góp phần tích cực vào quá trình đổi mới đồng bộ và toàn diện, khơi dậy tiềm năng của đất nước và sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao trình độ phát triển, giảm dần tỉ trọng gia công lắp ráp của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại phát biểu tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại phát biểu tại Hội nghị.

Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai thực hiện các cam kết quốc tế mới cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp trong nước. Nhiều mặt hàng lợi thế của Việt Nam có tỷ lệ sử dụng C/O đạt từ 92%-100% trong các FTA như: ngô, lúa mì, giấy các loại, phân bón, ô tô tải, một số sản phẩm sắt thép, các sản phẩm giày dép, dệt may… nhưng giá trị xuất khẩu chưa cao. Trong khi đó, hàng năm, Việt Nam phải đối mặt với khá nhiều các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp. Mặt khác, không loại trừ rủi ro hàng hóa, sản phẩm của nước thứ ba “đội lốt” hàng xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các FTA nói chung hoặc lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của nước đối tác của Việt Nam.

Hiện nay, bối cảnh thế giới diễn ra nhiều xung đột, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục diễn biến phức tạp. Để tránh những tác động đa chiều tới sự phát triển kinh tế trong nước, hợp tác thương mại quốc tế, Việt Nam cần phải sớm thích ứng với xu thế điều chỉnh và căng thẳng thương mại hiện nay, bảo vệ nền kinh tế trong nước, đồng thời triển khai các chính sách thương mại linh hoạt và hiệu quả, đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết sâu rộng trong các FTA.

Quốc hội cũng đã ban hành Luật Điều ước quốc tế năm 2016 tạo cơ sở pháp lý cho việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế trong thời kỳ mới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các FTA thế hệ mới. Công tác giám sát việc thực hiện các điều ước quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội quan tâm thực hiện nhằm bảo đảm các cam kết quốc tế của Việt Nam được tuân thủ và thực thi trên thực tế.

“Thế giới thay đổi rất nhanh và rất nhiều, đến bây giờ thế giới đa cực đã hình thành rõ nét. Trước đây, rất nhiều hiệp định với các nước phương Tây, tiêu chuẩn, tiêu chí theo các nước phương Tây. Bây giờ đã hình thành một cực khác, có những tiêu chí, tiêu chuẩn khác. Vậy chúng ta ứng xử “ngoại giao cây tre” trong lĩnh vực kinh tế này như thế nào? Chúng ta ứng xử thế nào để đảm bảo lợi ích quốc gia là cao nhất", ông Nguyễn Mạnh Tiến nhấn mạnh và cho biết thêm, Hội nghị lần này nhằm đánh giá lại những kết quả thực hiện các điều ước quốc tế và các FTA tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Trong đó, khuyến khích phát huy những kết quả tích cực đã đạt được; trao đổi các giải pháp để điều chỉnh, khắc phục những tồn tại, đặc biệt là trao đổi về vấn đề nội địa hóa, phổ biến thông tin đến doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá về công tác tổ chức triển khai thực hiện các Điều ước quốc tế, các FTA; những lợi ích thực tế đem lại từ các FTA cho Việt Nam trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, lao động, hoàn thiện thể chế; công tác phối hợp trong tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương và vai trò, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc giám sát triển khai các điều ước quốc tế; đánh giá kết quả thực hiện và thông tin tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do; các vướng mắc, khó khăn, nguyên nhân, hướng khắc phục...

Bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho hay, 8 năm qua, từ khi Việt Nam tham gia và thực thi các FTA, xuất khẩu Việt Nam đã đi rất sâu vào thị trường các nước đối tác và cán cân thương mại Việt Nam duy trì đà xuất siêu. Nổi bật là khi ký kết và thực thi 3 FTA thế hệ mới là EVFTA, CPTPP, UKVFTA, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ. Đặc biệt là với CPTPP đã mở cửa cho hàng hóa Việt Nam vào các thị trường mới hoàn toàn đó là Canada, Mexico, Peru. Tăng trưởng đến các thị trường FTA của Việt Nam những năm qua đều duy trì 2 con số, kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường mới có FTA cũng rất ấn tượng.

Theo bà Phạm Quỳnh Mai, bên cạnh những kết quả ấn tượng, việc thực thi các FTA vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Điển hình, tỷ trọng các FTA thế hệ mới trong xuất khẩu chung còn khiêm tốn, các doanh nghiệp FDI còn chiếm tỷ trọng lớn, hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là dạng thô, chưa xây dựng nhiều thương hiệu tại thị trường FTA. Bên cạnh đó, việc phổ biến thông tin, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa đầy đủ, có nơi chưa tốt, nội dung phổ biến còn chung chung, chưa tập trung nội dung doanh nghiệp quan tâm; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp còn chung chung, dàn trải, chương trình kết nối doanh nghiệp và tổ chức tín dụng chưa phát huy hiệu quả; công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, nội luật hóa cam kết còn chưa chủ động, có lúc còn chậm.

Ngoài ra, cán bộ phụ trách thực thi FTA còn thiếu về lượng và yếu về chất, ngân lực chuyên trách FTA của doanh nghiệp còn hạn chế; vấn đề phát triển vền vững chưa được quan tâm đúng mức, tận dụng các FTA tại các địa phương còn thấp.

Bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương).

Bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương).

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào nhóm giải pháp tuyên truyền và giám sát thực thi các FTA. Trong nhóm giải pháp tuyên truyền, Bộ Công Thương sẽ đổi mới phương pháp phổ biến thông tin thông qua xây dựng các video tuyên truyền, hỗ trợ thực hiện các cam kết các FTA. Trong giám sát thực thi các FTA, Bộ Công Thương sẽ xây dựng bộ chỉ số giám sát thực thi các FTA (FTA Index). Ngoài ra, tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp về thể chế, hỗ trợ doanh nghiệp, nhân lực và các giải pháp khác.

Hạ Vĩ

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/cac-fta-giup-viet-nam-tao-ra-co-hoi-mo-rong--da-dang-hoa-thi-truong-voi-muc-uu-dai-cao-127396.htm
Zalo