Các đối tượng có dấu hiệu phạm 3 tội danh

Chuyên gia pháp lý nhận định, nếu cơ quan điều tra xác định 50 người tham gia cướp giật tài sản của một gia đình đi chùa là cùng một nhóm thì đây là vụ việc có quy mô lớn. Bởi lẽ, ngoài hành vi cướp giật tài sản, những kẻ này còn hành hung các nạn nhân.

Nhóm người dàn cảnh cướp giật tài sản của một gia đình ở tỉnh An Giang

Vụ dàn cảnh cướp giật tài sản, đánh đập nhóm người viếng chùa Kim Tiên vào ngày 3/2. Ảnh: cắt từ clip người dân cung cấp

Vụ dàn cảnh cướp giật tài sản, đánh đập nhóm người viếng chùa Kim Tiên vào ngày 3/2. Ảnh: cắt từ clip người dân cung cấp

Một gia đình bị hành hung, cướp giật tài sản

CA thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang cho biết, đơn vị này đang củng cố hồ sơ, làm việc với các đối tượng có liên quan trong vụ gây rối trật tự công cộng có dấu hiệu cướp giật tài sản và cố ý gây thương tích xảy ra tại chùa Kim Tiên thuộc khu vực tổ 13, khóm Phú Hòa, phường An Phú, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 9h20 ngày 3/2, ông N.P.C trú tại xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cùng gia đình gồm 10 người đến viếng chùa Kim Tiên. Khi gia đình của ông C. đến cửa chính thì bất ngờ bị một số đối tượng lạ mặt xông vào gây thương tích và cướp sợi dây chuyền trên cổ ông C. Lúc này, ông C hô hoán và cùng gia đình chống trả thì bị nhóm này khoảng 10 đối tượng (có cả nam và nữ) bao vây, giải vây cho đồng bọn và gây thương tích cho 5 thành viên đi cùng trong gia đình ông C.

Tại CQCA, các bị hại trình báo ngoài tài sản là sợi dây chuyền loại si màu vàng của ông C mua trên mạng xã hội trị giá 3,6 triệu đồng bị mất thì người thân là bà N.T.X.T đi cùng cũng bị nhóm đối tượng gây thương tích và làm mất số tiền mặt là 12 triệu đồng. Sau khi tiếp nhận tin báo, CA thị xã Tịnh Biên phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ CA tỉnh An Giang đã xác minh 10 đối tượng và đã bắt giữ một số đối tượng để điều tra làm rõ. Đồng thời, CQCA kêu gọi các đối tượng còn lại ra đầu thú, để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Các đối tượng đối mặt nhiều tội danh

Theo dõi vụ việc trên, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trong vụ việc trên, số người tham gia thực hiện hành vi phạm tội là rất lớn, thể hiện sự liều lĩnh, manh động, coi thường pháp luật nên nhóm đối tượng trên sẽ đối diện với hình phạt tù chứ không đơn thuần chỉ xử phạt hành chính. Phía cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra, xác minh, lấy lời khai của các nạn nhân và người chứng kiến vụ việc, xác định danh tính các đối tượng có liên quan để xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Dưới góc nhìn pháp lý, hành vi dàn cảnh cướp giật, đánh đập lên người các nạn nhân của các đối tượng đã có dấu hiệu phạm 3 tội danh tương ứng gồm: tội “Cố ý gây thương tích”; tội “Cướp giật tài sản và tội “Gây rối trật tự công cộng”. Tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 134, Điều 171 và Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo đó, gia đình nạn nhân có quyền gửi đơn đến CQCA để yêu cầu xem xét xử lý nhóm đối tượng trên về hành vi cố ý gây thương tích. Trong trường hợp các nạn nhân được giám định có thương tích từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015 thì nhóm người trên có thể sẽ bị xử lý về tội “Cố ý gây thương tích”.

Với hành vi cướp giật tài sản, trong trường hợp nhiều người cùng cấu kết, dàn cảnh để cướp tài sản của người khác thì được xem là đồng phạm. Tuy nhiên, hành vi này có được xem là phạm tội có tổ chức hay không thì còn phụ thuộc vào tình tiết, mức độ, hậu quả, vai trò của từng đối tượng trong vụ việc. Bởi vậy, các đối tượng có thể đối diện với mức phạt tù thấp nhất là 1 năm và cao nhất là tù chung thân.

Cũng theo luật sư Thái, nếu phía cơ quan chức năng và phía chính quyền địa phương xác định hành vi gây rối trật tự công cộng của nhóm người trên gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự của địa phương thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Trường hợp hành vi được xác định là có tổ chức, có phá phách hoặc xúi giục người khác gây rối sẽ bị xử phạt từ 2 năm đến 7 năm tù.

Liên quan đến vụ việc trên, một số bạn đọc thắc mắc, trường hợp xác định đây là vụ dàn cảnh cướp giật mà số lượng đối tượng tham gia nhiều như trên thì xử lý như thế nào? Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết, theo Điều 17, Bộ Luật Hình sự năm 2015, đồng phạm là trường hợp có 2 người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

Đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Trong đó, người thực hành là trực tiếp thực hiện tội phạm; người tổ chức là chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm; người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm; người giúp sức là tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Như vậy, theo quy định, trong trường hợp 2 người cùng cấu kết, dàn cảnh để cướp tài sản người khác thì được xem là đồng phạm. Tuy nhiên, hành vi này có được xem là phạm tội có tổ chức hay không thì còn phụ thuộc vào tình tiết, mức độ, quy mô của vụ việc.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/cac-doi-tuong-co-dau-hieu-pham-3-toi-danh-408907.html
Zalo