Các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc gặp khó trước căng thẳng thương mại
Một số nhà sản xuất nước ngoài tại Trung Quốc vẫn đang phải trả thuế 125% để nhập khẩu linh kiện và sau đó là 145% để xuất khẩu sang Mỹ do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại.

Các công ty lớn của Mỹ như Apple và Tesla cùng nhiều nhà sản xuất nhỏ hơn chủ yếu dựa vào các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc. Những công ty này thường nhập khẩu nguyên liệu thô hoặc linh kiện từ Mỹ để lắp ráp thành các sản phẩm sau đó xuất khẩu.
Điều này khiến họ phải đối mặt với khả năng phải trả cả thuế quan của Mỹ và Trung Quốc đối với cùng một loại hàng hóa sau khi Tổng thống Trump tăng mạnh thuế đối với tất cả hàng xuất khẩu của Trung Quốc lên 145%.
Heiwai Tang, giám đốc Viện Toàn cầu Châu Á tại Đại học Hồng Kông cho biết: "Các công ty nước ngoài thực sự đang gặp khó tại thị trường Trung Quốc…Nếu họ nhập khẩu, họ phải trả thuế quan của Trung Quốc. Khi họ xuất khẩu trở lại Mỹ, họ phải trả thuế quan của Mỹ…Họ bị đánh thuế hai lần".
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc và các tính toán của Financial Times, các công ty do nước ngoài sở hữu hoàn toàn hoặc một phần trong nước chiếm 980 tỷ USD xuất khẩu của Trung Quốc vào năm ngoái (tương ứng với 1/4 tổng xuất khẩu) và 820 tỷ USD nhập khẩu (hơn 1/3 tổng nhập khẩu). Trung Quốc đã ghi nhận thặng dư thương mại kỷ lục gần 1.000 tỷ USD vào năm ngoái.
Thị trường xuất khẩu của Trung Quốc được xây dựng dựa trên các công ty nước ngoài sở hữu hoàn toàn và một phần, bao gồm các công ty từ Hồng Kông và Ma Cao, những công ty này tìm cách tận dụng thị trường lao động khổng lồ và chi phí thấp của Trung Quốc để sản xuất hàng hóa.
Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 55% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc vào năm 2008. Nhưng tỷ lệ này đã giảm trong những năm qua khi Trung Quốc phát triển chính sách tự chủ công nghiệp mạnh mẽ hơn. Theo số liệu của chính phủ, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 29,6% giá trị thương mại tính theo đồng đô la vào năm ngoái.
Tuy nhiên, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 16% thặng dư thương mại của Trung Quốc vào năm ngoái, vì lượng xuất khẩu của các công ty nước ngoài bị bù đắp bởi tỷ trọng lớn hơn trong tổng kim ngạch nhập khẩu.
Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Michael Hart cho biết: "Có một số công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc không phải là công ty của Mỹ nhưng lại phụ thuộc vào nguồn đầu vào của Mỹ và do đó họ cũng bị ảnh hưởng".
Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc đang xem xét miễn thuế đối với một số lĩnh vực.
Một nhóm đặc nhiệm của Bộ Thương mại Trung Quốc đang thu thập danh sách các mặt hàng có thể được miễn thuế và yêu cầu các công ty gửi đề xuất riêng.
"Ví dụ, chính phủ Trung Quốc đã hỏi các công ty của chúng tôi về những loại hàng hóa nào mà các chúng tôi đang nhập khẩu từ Mỹ và vào Trung Quốc mà không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác", Michael Hart, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết.
Bên cạnh đó, một số công ty do nhóm doanh nghiệp Mỹ đại diện đã báo cáo rằng họ đã nhập khẩu hàng hóa trong tuần qua mà không áp dụng mức thuế mới.
Hơn nữa, một số nhà sản xuất lớn hơn của Mỹ, bao gồm các nhà sản xuất điện thoại thông minh và một số nhà sản xuất đồ điện tử, cũng đã giành được quyền miễn trừ tạm thời từ Tổng thống Trump.
Nhưng với cuộc chiến thương mại, nhiều công ty nước ngoài vẫn có thể thấy việc xuất khẩu từ Trung Quốc là điều khó khăn, đặc biệt là các nhà sản xuất nhỏ hơn.
Jacob Rothman, giám đốc điều hành của Velong Enterprises - công ty sản xuất đồ dùng nhà bếp và sản phẩm gia dụng tại Trung Quốc được bán bởi các nhà bán lẻ Mỹ bao gồm Walmart cho biết họ nhập khẩu nhựa Tritan từ công ty Eastman có trụ sở tại Mỹ.
"Chúng tôi bị đánh thuế gấp đôi đối với các sản phẩm có vật liệu này…Một lần khi nhập khẩu vật liệu và một lần nữa khi xuất khẩu hàng hóa thành phẩm", ông cho biết.
Ông cho biết, Trung Quốc đã cấp miễn thuế nếu sản phẩm cuối cùng được xuất khẩu trở lại Mỹ trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng Trung Quốc không cấp miễn trừ nếu sản phẩm được xuất khẩu sang các quốc gia khác ngoài Mỹ.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng chiến tranh thương mại có thể khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc tiếp tục giảm sau khi đã giảm 27,1% vào năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tính theo đồng nhân dân tệ.
"Đối với những người vào Trung Quốc để phục vụ thị trường Trung Quốc, họ vẫn có thể đến. Nhưng nếu mục tiêu là phục vụ các thị trường khác, đặc biệt là Mỹ, thì bị tổn hại rất nhiều…Vì vậy, họ cần xem xét lại chiến lược toàn cầu của mình", Qiu Dongxiao, Trưởng khoa kinh tế tại Đại học Lingnan ở Hồng Kông cho biết.