Các đô thị thế giới đẩy mạnh phát triển hệ thống đường sắt

Các đô thị trên thế giới đang phát triển hệ thống đường sắt theo hướng đáp ứng tối đa nhu cầu di chuyển hàng ngày của người dân, trong đó dồn trọng tâm cho những tuyến tàu điện ngầm hiện đại, di chuyển với tốc độ cao.

Melbourne nổi tiếng với hệ thống metro

Tại Melboune, Australia, phương tiện công cộng, đặc biệt là hệ thống tàu điện ngầm, từ lâu đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. TP này đang từng bước phát triển các loại tàu điện ngầm, bao gồm: tàu metro, tàu đường sắt nhẹ (tram).

Là hệ thống mạnh lưới đường sắt đô thị lớn nhất ở Australia, hệ thống metro bao gồm 17 tuyến và 221 nhà ga trên 405km đường sắt. Đây cùng là mạng lưới bận rộn thứ hai ở Australia, với lượng khách hàng là 99,5 triệu người tính đến năm 2021 - 2022.

Hệ thống metro là lựa chọn tuyệt vời cho việc di chuyển trong TP, với các ga dừng tại tất cả các địa điểm quan trọng và điểm thu hút du khách. Dù là chuyến đi đến Chợ Nữ hoàng Victoria nổi tiếng hay chuyến đi nhanh đến Công viên Luna, metro luôn là lựa chọn tiện lợi nhất.

Đặc biệt, Melbourne tự hào sở hữu mạng lưới tàu đường sắt nhẹ (tram) lớn nhất thế giới, với tổng chiều dài khoảng 250km, bao gồm 500 toa, 24 tuyến cố định và 1.763 trạm dừng (tính đến 2017). Một điểm đặc biệt là các tàu này sử dụng tuyến đường chung với ô tô và xe đạp. Rất dễ để bắt gặp hình ảnh ô tô đi cạnh tàu.

Ở khu vực đông dân cư, các tàu điện tốc độ chậm (tram) được bố trí nhiều trạm dừng để phù hợp với từng cá nhân. Ví dụ, tại phố Swanston trung tâm của Melbourne, một tuyến đường chỉ dài hơn 1km nhưng có đến 8 trạm dừng, các trạm được bố trí đơn giản và thông thoáng, giúp người dân dễ dàng lên xuống tàu.

Một chiếc tàu điện tốc độ chậm (tram) ở Melbourne, Australia. Ảnh: Getty

Một chiếc tàu điện tốc độ chậm (tram) ở Melbourne, Australia. Ảnh: Getty

Việc di chuyển bằng tram mang lại trải nghiệm thú vị, với các tuyến chạy khắp trung tâm và các vùng ngoại ô của Melbourne. Hành trình bằng tram thường nhanh chóng và thoải mái, mặc dù có nguy cơ quá tải vào giờ cao điểm.

Bộ trưởng Giao thông và Vận chuyển công cộng Gabrielle Williams cho biết, sẽ tăng cường hợp tác với các công ty công nghệ để cải thiện hệ thống tram trong TP, hướng đến nâng cao trải nghiệm, tạo cảm giác an toàn và tin tưởng cho du khách.

Chính quyền TP đang dành nhiều hỗ trợ cho các đối tượng khác nhau khi sử dụng hệ thống tàu tốc độ chậm, như: người già, trẻ em, học sinh, sinh viên quốc tế.

Theo ông Daniel Bowen - phát ngôn viên của Tổ chức Phương tiện công cộng bang Victoria, Chính phủ Australia cũng như chính quyền TP Melbourne vẫn đang nỗ lực nâng cao chất lượng và đồng thời giảm chi phí sử dụng của người dân.

Berlin phát triển hệ thống tàu điện ngầm hiện đại bậc nhất

Thủ đô Berlin, Đức, sở hữu hệ thống tàu điện phát triển bậc nhất với tàu điện ngầm (U-Bahn) và các tàu điện chạy trên đường phố (S-Bahn, Straßenbahn).

Trong đó, tàu điện ngầm (U-Bahn) là phương tiện được sử dụng nhiều nhất mỗi năm do tính tiện lợi cũng như có thể di chuyển với vận tốc nhanh do sở hữu tuyến đường riêng và không giao với các phương tiện giao thông khác. TP này đang sở hữu 10 tuyến tàu U-Bahn với tổng chiều dài lên đến 146km và 173 ga.

Một điểm đặc biệt của hệ thống tàu điện ngầm này là những chuyến tàu chạy trên mặt đất xen kẽ những chuyến chạy dưới lòng đất. Tàu U-Bahn thường được sơn màu vàng để dễ phân biệt với các loại hình tàu khác.

So với U-Bahn, tàu điện S-Bahn chạy với vận tốc nhỏ hơn, chủ yếu hoạt động bên ngoài TP và có trạm dừng tại nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng.

Chính quyền Berlin đặc biệt quan tâm hệ thống tàu này với việc thường xuyên đưa ra các kế hoạch tu bổ, sửa chữa và phát triển. Hiện nay, hệ thống S-Bahn bao gồm 15 tuyến đường sắt với tổng chiều dài đường ray 330km và gần 170 ga. Các trạm S-Bahn màu xanh có biểu tượng hình chữ S để dễ phân biệt.

Trong khi đó, Straßenbahn hoạt động chủ yếu bên trong TP và có tuyến đường chung với các phương tiện giao thông khác, các trạm dừng cách nhau không xa giống như xe buýt nhưng có sức chứa lớn hơn.

Hệ thống tàu điện ngầm Thượng Hải: biểu tượng của giao thông hiện đại

Hệ thống tàu điện ngầm Thượng Hải là phương tiện di chuyển nhanh chóng, an toàn, thoải mái và tiện lợi, phục vụ hiệu quả cho cư dân và du khách trong TP. Với khả năng kết nối các điểm tham quan chính, trung tâm giao thông và khu vực thương mại như: Bến Thượng Hải, đường Nam Kinh, đường Hoài Hải, Quảng trường Nhân Dân, Ga tàu Thượng Hải và Từ Gia Hối, hệ thống này đã trở thành lựa chọn hàng đầu cho việc di chuyển trong TP.

TP này tự hào sở hữu hệ thống tàu điện ngầm dài thứ hai thế giới với tổng chiều dài 826km và có số lượng nhà ga lớn thứ hai, lên đến 508 nhà ga trên 20 tuyến. Đây cũng là hệ thống tàu điện đứng đầu thế giới về số lượt hành khách vận chuyển hàng năm, với 3,88 tỷ lượt trong năm 2019. Sau đại dịch, số lượng hành khách vẫn duy trì ở mức trên 10 triệu lượt mỗi ngày, chiếm 73% số chuyến đi bằng phương tiện công cộng trong TP.

Chính phủ Thượng Hải đã phê duyệt kế hoạch xây dựng mạng lưới tàu điện ngầm từ năm 2018 đến 2023, bao gồm việc xây dựng năm tuyến tàu điện ngầm mới và hai phần mở rộng. Sau khi hoàn thành, mạng lưới sẽ bao phủ 1.154km, nâng cao khả năng kết nối và di chuyển cho người dân.

Với tầm nhìn dài hạn đến năm 2035, Thượng Hải hướng đến xây dựng một hệ thống giao thông toàn diện, tích hợp các phương thức giao thông đường sắt đa mô hình. Mục tiêu đến năm 2035, giao thông công cộng sẽ chiếm hơn 50% tổng số phương tiện giao thông, và 60% các ga đường sắt trong khu vực nội thành sẽ có diện tích phủ sóng 600m.

năm 1993, số lượng hành khách của hệ thống tàu điện ngầm Thượng Hải đã không ngừng tăng lên, đồng hành cùng sự phát triển của TP. Vào năm 2021, số lượng hành khách đã phục hồi gần như mức trước đại dịch, đạt 13,014 triệu lượt vào ngày 31/12.

Theo Ban quản lý đường sắt Thượng Hải, một điểm nhấn đặc biệt của hệ thống tàu điện ngầm Thượng Hải là các ga tàu được thiết kế đẹp mắt và nghệ thuật. Các bức tranh của Leonardo da Vinci, Vincent van Gogh và Oscar-Claude Monet là một phần của dự án văn hóa công cộng của Metro. Các tác phẩm nghệ thuật, cùng với các bức tranh tạo nên một khung cảnh ba chiều phản ánh những câu chuyện đằng sau các tác phẩm và các nghệ sĩ.

"Bằng việc triển lãm các tác phẩm nghệ thuật và hiện vật, chúng tôi mong muốn biến việc đi lại hàng ngày trở thành một cửa ngõ đến với nghệ thuật" - ông Jin Shenghua - đại diện của Ban Quản lý Đường sắt TP Thượng Hải cho biết.

Tùng Lâm - Hoàng Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cac-do-thi-the-gioi-day-manh-phat-trien-he-thong-duong-sat.html
Zalo