Các địa phương tiếp tục xin phát triển điện mặt trời và điện rác
Ngày 31-12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để triển khai kế hoạch thực hiện và điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Hội nghị là bước cụ thể hóa các chỉ đạo từ Quyết định 262/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong bối cảnh nhu cầu phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam ngày càng tăng cao, đặc biệt là điện rác và điện mặt trời - hai lĩnh vực được kỳ vọng sẽ tạo nên sự bứt phá trong giai đoạn tới.
Tại hội nghị, các địa phương đã đề xuất hàng loạt giải pháp và kế hoạch phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Điển hình, tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh tiềm năng phát triển điện rác và điện mặt trời. Với diện tích bờ biển dài hơn 200km và nhiều diện tích nuôi tôm, tỉnh này đã đưa ra đề xuất xây dựng thêm 20MW điện rác và 1.000MW điện mặt trời trên các khu vực nuôi tôm, nhằm gia tăng hiệu quả sử dụng đất và đẩy mạnh kinh tế xanh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện cũng chia sẻ về việc phát triển điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp để phục vụ mục tiêu chuyển đổi xanh, trong khi tỉnh Lâm Đồng đề xuất mở rộng quy hoạch điện mặt trời trên các mặt hồ thủy điện.
Điện rác, một lĩnh vực còn mới mẻ tại Việt Nam, cũng là tâm điểm chú ý khi nhiều địa phương như Thái Nguyên, Lào Cai, Ninh Thuận… liên tục đề nghị bổ sung công suất.
Theo ông Nguyễn Tuyển Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch và Quy hoạch, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), điện rác trước đây chỉ đạt hơn 2.200MW trong Quy hoạch điện VIII, nhưng sẽ được điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình thực tế tại địa phương.
Đặc biệt, tinh thần chung của Bộ Công thương là mở tối đa cho các dự án điện rác, đồng thời đảm bảo đánh giá tác động của loại hình này lên lưới điện quốc gia. Về mặt chính sách, Bộ Công thương đang nghiên cứu và sớm ban hành nghị định mới để hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp và điện mặt trời trên mặt hồ sẽ được ưu tiên phát triển nhờ tính khả thi cao và tiềm năng lớn. Các địa phương có sẵn mặt hồ thủy điện cùng đường nối lưới sẽ được xem xét đưa vào quy hoạch ngay lập tức.
Đặc biệt, hội nghị lần này cũng đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ triển khai Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, sẽ trình Thủ tướng phê duyệt trước ngày 28-2-2025.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam tăng tốc chuyển đổi năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
Bộ Công thương cần sự phối hợp chặt chẽ từ các địa phương, doanh nghiệp và các bên liên quan để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Quy hoạch điện VIII.