Các dấu hiệu của xung đột Mỹ - Iran đang hiện hữu
Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran đã làm dấy lên nỗi lo về một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng. Các dấu hiệu cho thấy cả hai quốc gia đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với việc tăng cường quân sự, trừng phạt kinh tế, phô trương sức mạnh quân sự và đổ vỡ ngoại giao.

Người dân Iran tổ chức biểu tình phản đối Mỹ tại Tehran vào ngày 10/2/2025, trước kỷ niệm 46 năm cách mạng Iran. Ảnh: Kyodo.
Mỹ từ lâu đã lo ngại về tham vọng hạt nhân của Tehran, coi đây là mối đe dọa đối với an ninh khu vực và toàn cầu. Năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), thỏa thuận hạt nhân Iran, với lý do Tehran bị cáo buộc không tuân thủ. Điều này đã dẫn đến các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt đối với Iran. Bất chấp những áp lực này, Iran đã đẩy mạnh các hoạt động của mình, cho rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích dân sự. Tuy nhiên, khi các nỗ lực ngoại giao cho một thỏa thuận hạt nhân mới bị đình trệ, tình hình trở nên ngày càng bất ổn .
Trên lĩnh vực quân sự, Mỹ đã tăng cường đáng kể sự hiện diện quân sự của mình ở cả khu vực và Ấn Độ Dương, triển khai máy bay ném bom tàng hình B-2, máy bay chở hàng và máy bay tiếp nhiên liệu trên không, cùng với các tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Harry S. Truman .
Những động thái này báo hiệu sự chuẩn bị gia tăng của Mỹ. Để đáp trả, Iran đã tăng cường năng lực tên lửa, bố trí các hệ thống phòng không tiên tiến xung quanh Eo biển Hormuz, đồng thời tăng cường các hoạt động quân sự trong khu vực.
Mỹ và Israel đều đã leo thang các hoạt động quân sự trong khu vực. Tại Gaza, các cuộc không kích liên tục của Israel vào các mục tiêu của Hamas, lực lượng được cho là do Iran hậu thuẫn, làm tăng thêm sự phức tạp cho cuộc xung đột.
Sự hỗ trợ của Iran cho nhiều lực lượng ủy nhiệm khác nhau ở Trung Đông, bao gồm Hamas, Hezbollah và các nhóm dân quân ở Iraq và Syria, là một điểm gây tranh cãi liên tục. Mỹ gần đây đã tăng cường các cuộc tấn công vào Houthis có trụ sở tại Yemen, được Iran hậu thuẫn.
Các lệnh trừng phạt kinh tế đóng vai trò then chốt trong sự đối đầu giữa Mỹ và Iran. Sau khi rút khỏi JCPOA, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt đối với xuất khẩu dầu mỏ, hệ thống ngân hàng và ngành công nghiệp quân sự của Iran, nhằm mục đích làm tê liệt nền kinh tế của nước này và buộc Iran phải tuân thủ các hạn chế hạt nhân.
Những lệnh trừng phạt này đã dẫn đến suy thoái kinh tế nghiêm trọng ở Iran, nhưng không thể đưa Tehran vào bàn đàm phán. Thay vào đó, Iran vẫn tiếp tục các hoạt động hạt nhân của mình, bao gồm làm giàu uranium và phát triển tên lửa. Việc áp đặt lại chính sách “áp lực tối đa” của Donald Trump chỉ làm gia tăng căng thẳng, dẫn đến khả năng hành động quân sự ngày càng tăng nếu Iran không thay đổi lộ trình của mình.

Một máy bay cất cánh từ tàu sân bay USS Harry S. Truman của Mỹ trên Biển Đỏ trước cuộc không kích ở Sanaa, Yemen, ngày 15/3/2025. Ảnh: AP.
Bên cạnh đó, cả Mỹ và Iran đều tham gia vào các cuộc tập trận quân sự quan trọng. Mỹ đã thực hiện nhiều chuyến bay của máy bay ném bom B-52 gần Iran để thể hiện sức mạnh và báo hiệu hành động quân sự tiềm tàng. Ngoài ra, lực lượng Mỹ đã tham gia cùng Israel trong các cuộc tập trận quy mô lớn có sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược và máy bay chiến đấu.
Trong khi đó, Iran đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung với Nga và Trung Quốc tại vùng Vịnh, tiếp tục củng cố năng lực quân sự. Iran cũng phô trương sức mạnh tên lửa bằng cách công bố “các thành phố tên lửa”, nơi chứa kho vũ khí tên lửa tầm xa ngày càng lớn của mình, đồng thời tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa. Những màn phô trương quân sự này đóng vai trò như một lời cảnh báo đối với Mỹ và các đồng minh của nước này.
Trên lĩnh vực ngoại giao, mối quan hệ giữa Mỹ và Iran đã xấu đi kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018. Bất chấp một số nỗ lực đàm phán lại, Tehran đã bác bỏ các yêu cầu của Mỹ và chuyển sang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Moscow và Bắc Kinh .
Gần đây, Tổng thống Mỹ tiết lộ ông đã gửi một lá thư cho Tehran, yêu cầu một thỏa thuận hạt nhân mới trong vòng hai tháng hoặc phải đối mặt với hậu quả quân sự đáng kể. Với các cuộc đàm phán bị đình trệ và thời hạn đang đến gần, cánh cửa ngoại giao để giảm leo thang đang nhanh chóng khép lại, khiến hành động quân sự ngày càng có khả năng xảy ra.
Negar Mortazavi, Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Chính sách quốc tế và là người dẫn chương trình The Iran Podcast, cho biết: "Quỹ đạo hiện tại của mối quan hệ Mỹ và Iran đang dẫn đến khả năng xung đột nhưng không nhất thiết phải theo cách này. Cả hai bên dường như đều có ý định tham gia vào hoạt động ngoại giao. Tổng thống Mỹ đã thể hiện sự quan tâm đến các cuộc đàm phán và Iran cũng phản ứng với sự quan tâm tương tự. Nhưng chính sách “gây sức ép tối đa” của Mỹ về hòa bình thông qua sức mạnh sẽ không hiệu quả với Tehran. Người Iran đã cho thấy trong nhiệm kỳ đầu tiên của Donald Trump rằng “gây sức ép tối đa” sẽ dẫn đến sự kháng cự tối đa từ Iran. Cả hai bên cần hợp lý hóa cách tiếp cận của mình và cố gắng gặp nhau."
Khi lực lượng quân sự của cả hai bên ngày càng gia tăng và các lệnh trừng phạt vẫn tiếp tục có hiệu lực, nguy cơ xảy ra xung đột quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Iran ngày càng hiện hữu. Với các hoạt động quân sự của Israel đang diễn ra ở Gaza, sự tham gia của lực lượng ủy nhiệm Iran trong khu vực và thời hạn đàm phán ngoại giao đang đến gần, vài tháng tới sẽ rất quan trọng trong việc xác định liệu hai nước có thể tìm ra cách giải quyết những bất đồng của mình hay sẽ bị đẩy đến một cuộc xung đột toàn diện.