Viện trợ đổ về Myanmar sau thảm họa động đất

Ngày 30/3, các đội cứu hộ và vật tư nước ngoài đã đến Myanmar để giúp đất nước này đối phó với trận động đất khiến 1.700 người thiệt mạng.

Lực lượng cứu hộ tại hiện trường một tòa nhà bị sập ở Mandalay, Myanmar.

Lực lượng cứu hộ tại hiện trường một tòa nhà bị sập ở Mandalay, Myanmar.

Theo chính quyền quân sự Myanmar, trận động đất mạnh 7,7 độ Richter xảy ra hôm 28/3, một trong những trận động đất mạnh nhất ở Myanmar trong một thế kỷ, đã làm rung chuyển Myanmar, khiến 1.700 người thiệt mạng, 3.408 người bị thương và 139 người mất tích.

Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan nằm trong số các nước láng giềng của Myanmar đã gửi vật tư và đội cứu trợ, cùng với đó là viện trợ và nhân sự từ Malaysia, Singapore và Nga.

Các cơ sở hạ tầng quan trọng như cầu, đường cao tốc, sân bay và đường sắt trên khắp đất nước 55 triệu dân này đã bị hư hại, làm chậm các nỗ lực nhân đạo.

"Cần phải khôi phục các tuyến đường giao thông càng sớm càng tốt. Cần phải sửa chữa đường sắt và mở lại các sân bay để các hoạt động cứu hộ hiệu quả hơn", truyền thông nhà nước dẫn lời người đứng đầu chính quyền quân sự, Tướng Min Aung Hlaing, cho biết.

Mô hình dự đoán của Cơ quan Địa chất Mỹ ước tính, số người chết ở Myanmar có thể lên tới 10.000 người và tổn thất có thể vượt quá sản lượng kinh tế hàng năm của đất nước.

Liên hợp quốc cảnh báo rằng, các hoạt động cứu hộ tại Myanmar đang bị cản trở nghiêm trọng do đường sá bị chặn và các tòa nhà bị sập. Việc thiếu vật tư y tế đang khiến công tác ứng phó với trận động đất trở nên khó khăn hơn nhiều so với bình thường.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết, các bệnh viện ở một số khu vực miền trung và tây bắc Myanmar, trong đó có thành phố lớn thứ hai Mandalay và thủ đô Naypyitaw, đang phải vật lộn để đối phó với dòng người bị thương.

Theo OCHA, tình trạng thiếu hụt vật tư y tế nghiêm trọng như: bộ dụng cụ chấn thương, túi máu, thuốc gây mê, thiết bị hỗ trợ, thuốc thiết yếu và lều cho nhân viên y tế, đang cản trở các nỗ lực ứng phó.

Ông Marcoluigi Corsi, thường trú nhân của Liên hợp quốc và điều phối viên nhân đạo cho Myanmar cho biết, Myanmar đã "vật lộn với một cuộc khủng hoảng nhân đạo đáng báo động, chủ yếu là do xung đột dai dẳng và thảm họa tái diễn. Vào thời điểm quan trọng này, người dân Myanmar đang rất cần sự "hỗ trợ vững chắc của cộng đồng quốc tế”.

Các trận động đất đã làm sập nhiều tòa nhà, làm sập cầu và làm cong đường, gây ra sự tàn phá hàng loạt tại Mandalay, thành phố có hơn 1,7 triệu dân và là thành phố lớn thứ hai của Myanmar.

Theo chính quyền Thái Lan, trận động đất hôm 28/3 cũng làm rung chuyển một số khu vực của nước này, làm sập một tòa nhà cao tầng đang được xây dựng và khiến 17 người thiệt mạng. Ít nhất 78 người vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của tòa nhà bị sập, nơi các hoạt động cứu hộ vẫn tiếp tục trong ngày thứ 3, sử dụng máy bay không người lái và chó nghiệp vụ để tìm kiếm những người sống sót.

Tại Bangkok, tại địa điểm tòa nhà 33 tầng bị sập, nhân viên cứu hộ được bao quanh bởi những đống bê tông vỡ vụn và kim loại cong vênh vẫn tiếp tục nỗ lực giải cứu hàng chục công nhân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Ông Teerasak Thongmo, chỉ huy cảnh sát Thái Lan cho biết, nhóm cảnh sát và chó cứu hộ của ông đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người sống sót, đang vật lộn để di chuyển xung quanh các mảnh vỡ kim loại và các cạnh sắc trên một cấu trúc không ổn định.

"Hiện tại, nhóm của chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm bất kỳ ai có thể vẫn còn sống. Trong vòng 72 giờ đầu tiên, chúng tôi phải cố gắng cứu những người vẫn còn sống", ông Thongmo nói.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/vien-tro-do-ve-myanmar-sau-tham-hoa-dong-dat-10302590.html
Zalo