Các 'đại gia' ngành thép không lo ngại về thuế nhập khẩu Mỹ
Các doanh nghiệp đầu ngành như Nam Kim và Hòa Phát giữ thái độ bình tĩnh, cho rằng tác động từ chính sách thuế quan Mỹ là không đáng kể. Các doanh nghiệp chủ động điều chỉnh chiến lược xuất khẩu và tận dụng cơ hội từ giá thép tăng, cho thấy kiểm soát tốt rủi ro và duy trì hiệu quả kinh doanh.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của CTCP Thép Nam Kim tổ chức sáng nay 25/4, ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch HĐQT khẳng định công ty không bị ảnh hưởng đáng kể hoạt động kinh doanh về vấn đề thuế nhập khẩu Mỹ.
"Tháng 9/2024, Mỹ khởi xướng điều tra chống bán phá giá. Nam Kim đã chủ động ngừng xuất khẩu sang thị trường này từ tháng 10/2024 đến nay”, ông Quang nói.
Thị trường xuất khẩu Mỹ trước đó chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng của công ty.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của CTCP Thép Nam Kim.
Mức độ ảnh hưởng của thuế nhập khẩu Mỹ đối với Nam Kim được đánh giá là không lớn. Kết thúc năm 2024, Nam Kim báo cáo lợi nhuận trước thuế đạt 558 tỷ đồng, tăng gần 215% so với cùng kỳ.
Tương tự, bên lề Đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn Hòa Phát diễn ra tuần trước, lãnh đạo tập đoàn cũng đánh giá tác động trực tiếp chính sách thuế Mỹ với mảng thép không quá lớn vì tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này không cao.
Thậm chí, thép Việt Nam sang Mỹ đang được hưởng lợi hơn vì mức thuế giữa các nước được “cào bằng”, không còn tình trạng một số nước được hưởng mức thuế riêng như trước.
Bên cạnh đó, giá thép HRC tại Mỹ tăng vọt ngay sau khi ông Trump tuyên bố mức thuế thép, khiến Hòa Phát phải “tranh thủ” xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ.
“Chúng tôi vẫn đang tranh thủ xuất khẩu HRC sang Mỹ bởi sau khi ông Trump áp thuế, giá loại thép này tăng mạnh lên trên 900 USD/tấn. Với mức giá này chúng tôi bắt đầu có lãi. Trước thời điểm áp thuế, giá chỉ khoảng 750 - 760 USD/tấn thì khó có lợi nhuận”, theo ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát.
Tuy nhiên, ông Thắng đánh giá thị trường nội địa sẽ nhiều biến số liên quan tới sắc lệnh thuế đối ứng của Mỹ. Khả năng tiêu thụ thép nội địa phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của thuế quan đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nếu tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại, nhu cầu thép trong nước giảm đi, việc bán hàng của doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn.
Từ đầu tháng 2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký các tuyên bố để tăng thuế đối với nhập khẩu thép và nhôm lên mức cố định 25% và loại bỏ tất cả các miễn trừ trước đây cho một số quốc gia như Canada, Mexico, Brazil, Hàn Quốc và Vương quốc Anh.
Đến tháng 4, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố quyết định sơ bộ trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam. Theo đó, Công ty TNHH Tôn Hòa Phát - thành viên của Tập đoàn Hòa Phát, Thép Nam Kim cùng chịu mức thuế 49,42%. Tập đoàn Hoa Sen nhận mức thuế 59%. Tôn Đông Á nhận mức thuế 39,84%. Các doanh nghiệp không được nêu cụ thể trong quyết định kể trên sẽ chịu thuế tới 88,12%.
Sau quyết định sơ bộ này, phía Mỹ sẽ ra phán quyết cuối cùng vào tháng 8 tới, trước khi Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) đưa ra kết luận cuối cùng vào tháng 10.
Quý I/2025, sản xuất thép thành phẩm của Việt Nam đạt 7,464 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2024. Bán hàng thép thành phẩm đạt 7,501 triệu tấn, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,414 triệu tấn, giảm 37,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, quý I là một giai đoạn đầy thách thức đối với ngành thép Việt, với sự đối lập giữa tăng trưởng nội địa và những khó khăn từ thị trường xuất khẩu do các chính sách thương mại bảo hộ như: Tuyên bố mở rộng Đạo luật 232 và thuế đối ứng của Hoa Kỳ; EU cập nhật thay đổi chính sách phòng vệ thương mại trong tháng 3, áp dụng từ 1/4. Cũng trong tháng 3, Ấn Độ công bố chính sách mới với thép nhập khẩu… Đây đều là các thị trường xuất khẩu thép hàng đầu của Việt Nam những năm qua, phụ thuộc vào từng mặt hàng. Vì thế, lượng và giá trị xuất khẩu của các mặt hàng thép (HRC, tôn mạ, ống thép,..) đã biến động trái chiều.