Các cuộc trao đổi tù nhân Nga - phương Tây nổi tiếng nhất

Cuộc trao đổi tù nhân giữa Nga và phương Tây diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 1-8-2024 gợi nhớ đến thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đó là các cuộc trao đổi tù nhân trên cầu Glienicker Brücke. Ngoài các điệp viên, tù nhân chính trị cũng đã được trao đổi...

Nhà cộng sản Chile Luis Corvalan

Nhà cộng sản Chile Luis Corvalan

“Cầu gián điệp”

Cuộc trao đổi tù nhân nổi tiếng nhất đã diễn ra vào ngày 10-2-1962. Khi đó, Liên Xô đồng ý trao trả viên phi công Gary Powers. Đổi lại, phía Mỹ thả Rudolf Abel, nhân viên tình báo huyền thoại của Liên Xô bị Mỹ phát hiện vào năm 1957. Khi ấy, Rudolf Abel đã thẳng thừng từ chối hợp tác với tình báo Mỹ và phải nhận mức án 32 năm tù. Còn Gary Powers lái chiếc máy bay trinh sát U-2 bay qua lãnh thổ Liên Xô ở độ cao mà người Mỹ tin rằng ngoài tầm với của lực lượng phòng không Liên Xô. Tuy nhiên, chiếc U-2 này đã bị bắn rơi vào ngày 1-5-1960 trên địa bàn tỉnh Sverdlovsk khi đó thuộc Liên Xô. Phi công Gary Powers sống sót, sau đó đã bị kết án 10 năm tù. Rudolf Abel và Gary Powers được trao đổi trên cây cầu Glienicker Brücke ở Potsdam. Vào thời điểm đó, cầu Glienicker Brücke nối giữa Cộng hòa Dân chủ Đức và Cộng hòa Liên bang Đức.

Vào năm 2015, Steven Spielberg - đạo diễn, nhà biên kịch kiêm nhà sản xuất điện ảnh người Mỹ đã thực hiện bộ phim “Bridge of Spies” (Cầu gián điệp) dựa trên bối cảnh cuộc trao đổi trên. Bộ phim của Steven Spielberg cho thấy chính quyền Liên Xô gần như muốn bắn Rudolf Abel vì thất bại của ông, trong khi người Mỹ lại tôn vinh Gary Powers. Thực tế, mọi thứ diễn ra ngược lại. Abel đã trở thành huyền thoại của tình báo Liên Xô, được nhận nhiều giải thưởng và làm việc ở cơ quan đầu não của lực lượng tình báo. Còn Powers được đón tiếp lạnh lùng ở Mỹ và bị buộc tội không phá hủy máy bay, thiết bị bí mật, đồng thời còn bị bắt sống. Tòa án tuyên trắng án cho phi công nhưng sự nghiệp của Powers bị hủy hoại.

Trên cây cầu Glieniker-Brücke, nhiều cuộc trao đổi tù nhân giữa Liên Xô và Mỹ còn tiếp tục diễn ra sau đó. Do những người được trao đổi chủ yếu là gián điệp của hai bên, Glieniker-Brücke đã đi vào lịch sử với tên gọi “cầu gián điệp”.

Sĩ quan tình báo Liên Xô Alexei Kozlov

Sĩ quan tình báo Liên Xô Alexei Kozlov

Đổi 11 lấy 1

Trong Chiến tranh Lạnh, ngoài điệp viên, nhiều tù nhân chính trị cũng được trao đổi. Ngày 18-12-1976, với sự trung gian của Mỹ, Chile đã trao nhà cộng sản Luis Corvalan cho Liên Xô. Đổi lại, nhà bất đồng chính kiến Vladimir Bukovsky, người đã bị kết án 7 năm tù vào năm 1971 về tội kích động chống Liên Xô, được đưa sang phương Tây. Cuộc trao đổi này diễn ra ở Zurich (Thụy Sĩ).

Ông Luis Corvalan khi đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Chile. Năm 1973, quân đội Chile do Tướng Augusto Pinochet lãnh đạo đã thực hiện đảo chính lật đổ Tổng thống Salvador Allende. Luis Corvalan đã bị bắt. Sau khi được trao đổi, ông được tị nạn chính trị ở Liên Xô. Năm 1983, Luis Corvalan trở về Chile chiến đấu chống lại chế độ Pinochet và là người cộng sản kiên định cho đến cuối đời.

Trong khi đó, cuộc trao đổi tù nhân bất bình đẳng nhất diễn ra vào tháng 5-1982. Khi đó, để đổi lấy sĩ quan tình báo Liên Xô Alexei Kozlov, 10 sĩ quan tình báo CHLB Đức và một sĩ quan quân đội Nam Phi đã được trao trả cho các nước phương Tây. Trước đó, khi công tác ở Nam Phi, Alexei Kozlov phát hiện quốc gia này thử nghiệm bom nguyên tử. Trong chuyến công tác thứ 3, ông bị bắt và bị ép phải hợp tác. Tuy nhiên, Alexei Kozlov dứt khoát từ chối...

Còn cuộc trao đổi tù nhân có lẽ là nổi tiếng nhất thời hiện đại đã diễn ra vào tháng 7-2010. Để đổi lấy 10 sĩ quan tình báo bất hợp pháp, phía Nga phải trao cho Mỹ 4 điệp viên. Cuộc trao đổi diễn ra ở sân bay Vienna (Áo). 10 điệp viên bất hợp pháp, trong đó người nổi tiếng nhất là Anna Chapman, được trở về Nga. Họ bị bắt do Đại tá Alexander Poteyev của Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga phản bội. Trong số những người được Mỹ tiếp nhận, cựu nhân viên Cơ quan Tình báo quân đội Nga GRU Sergei Skripal sau này trở thành người nổi tiếng nhất.

Theo Argumenty i Fakty

Hoàng Tuất

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cac-cuoc-trao-doi-tu-nhan-nga-phuong-tay-noi-tieng-nhat-post586684.antd
Zalo