Đề xuất chỉ một cơ quan có thẩm quyền cấp phép bay UAV

Trước sự xuất hiện ngày càng phổ biến và nguy hại của UAV đối với an ninh quốc gia, đại biểu đề xuất nên thống nhất quy định chỉ một cơ quan là Bộ Quốc phòng có thẩm quyền cấp phép bay UAV.

Sáng 12-9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Phòng không nhân dân.

Góp ý tại hội thảo, Đại tá Nguyễn Văn Vi (đại diện Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự), cho rằng quy định cấp phép bay UAV (tàu bay không người lái, phương tiện bay) tại Điều 29 của dự thảo Luật chưa có sự tập trung và thống nhất về thẩm quyền cấp phép bay.

 Đại tá Nguyễn Văn Vi nêu ý kiến góp ý tại hội thảo. Ảnh: HT

Đại tá Nguyễn Văn Vi nêu ý kiến góp ý tại hội thảo. Ảnh: HT

Theo Đại tá Vi, có đến 3 cơ quan có thẩm quyền cấp phép bay UAV trong một số trường hợp là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải.

Để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý điều hành, tránh chống lấn về thẩm quyền và quy trách nhiệm khi có sự cố xảy ra, đại diện Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự đề nghị cần quy định việc cấp phép bay UAV chỉ do 1 cơ quan là Bộ Quốc phòng đảm nhiệm.

“Việc quy định thẩm quyền cấp phép bay UAV thuộc về Bộ Quốc phòng bởi vì Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ biên giới quốc gia nói chung và biên giới trên không nói riêng. Mặt khác thì đa số các vật thể bay này được xem như những vũ khí nguy hiểm có khả năng đe dọa an ninh biên giới” - Đại tá Vi nêu ý kiến.

Tại Khoản 1 Điều 5 quy định về nhiệm vụ phòng không nhân dân là sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không và tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 m.

 Toàn cảnh hội thảo sáng 12-9. Ảnh: HT

Toàn cảnh hội thảo sáng 12-9. Ảnh: HT

“Vậy nếu có vật thể bay trên 5.000 m xâm phạm biên giới lãnh thổ quốc gia thì cơ quan nào chịu trách nhiệm?” - Đại tá Nguyễn Văn Vi đặt vấn đề và đề nghị cần quy định cụ thể trường hợp vật thể bay trên 5.000 m thì cơ quan Phòng không Không quân chịu trách nhiệm.

Đồng thời, quy định thêm trường hợp vật thể bay lúc thấp, lúc cao hơn 5.000 m do tốc độ bay và chuyển độ cao của các vật thể bay là rất nhanh.

Cho ý kiến về Điều 41 quy định về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay (UAV), Đại tá Vi đánh giá một số quy định tại Điều 41 còn chung chung, chưa chi tiết và vi phạm Điều 33 của Hiến Pháp năm 2013 về quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Theo đó, một số nội dung tại Điều 41 quy định về cấp phép nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm, kinh doanh… UAV. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư năm 2020 hay Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định những ngành nghề cấm kinh doanh như ma túy, mại dâm, bộ phận cơ thể người..., không có UAV.

Do đó, Đại tá Vi kiến nghị một số nội dung tại Điều 41 cần được quy định cụ thể hơn để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp đồng thời đảm bảo an ninh quốc gia...

HỒNG THẮM

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-chi-mot-co-quan-co-tham-quyen-cap-phep-bay-uav-post809823.html
Zalo