Các công ty trên toàn thế giới đang phát tín hiệu báo động chưa từng thấy kể từ năm 2009

Theo S&P Global, các công ty trên toàn thế giới đang cho thấy dấu hiệu khó khăn trong quá trình giải quyết gánh nặng nợ.

Cụ thể, số lượng các vụ xử lý nợ khó đòi (distressed exchange - hình thức tái cấu trúc nợ diễn ra bên ngoài tòa án phá sản, trong đó bên phát hành cung cấp cho các chủ nợ một khoản nợ mới hoặc đã tái cấu trúc, hoặc chứng khoán, tiền mặt hoặc tài sản mới tương đương với nghĩa vụ tài chính giảm so với nghĩa vụ ban đầu) chiếm 2/3 tổng số vụ vỡ nợ toàn cầu vào tháng 7 và hơn 1/2 tổng số vụ vỡ nợ toàn cầu được ghi nhận từ đầu năm đến nay.

Các nhà phân tích cho biết đây là tỷ lệ cao nhất của các vụ xử lý nợ khó đòi so với tổng số vụ vỡ nợ kể từ cuộc Đại khủng hoảng tài chính.

Các nhà phân tích S&P Global cho biết: "Số lượng các vụ xử lý nợ khó đòi dẫn đầu các vụ vỡ nợ vào tháng 7… Sự gia tăng của điều này một phần là do số lượng các công ty vỡ nợ nhiều lần ngày càng tăng, tức là các công ty đã vỡ nợ một lần trước đó".

Theo dữ liệu của S&P Global, tổng số vụ vỡ nợ của công ty trên toàn thế giới là 87 vụ vào cuối tháng 7, trong đó có 52 vụ xảy ra tại Mỹ. Con số này thấp hơn một chút so với số vụ vỡ nợ được ghi nhận tại Mỹ trong cùng kỳ năm ngoái, với 60 vụ vỡ nợ doanh nghiệp được ghi nhận vào cuối tháng 7.

Phố Wall đã theo dõi chặt chẽ mức nợ doanh nghiệp tại Mỹ sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3/2022 để kiểm soát lạm phát. Giá đã hạ nhiệt so với mức đỉnh điểm cách đây vài năm, nhưng lãi suất trong nền kinh tế vẫn ở mức cao nhất kể từ năm 2001. Theo dữ liệu của Moody's, lợi suất trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng AAA dao động quanh mức 5% vào tháng 7.

Fitch Ratings cho biết trong một dự báo vào đầu năm nay rằng, tình trạng vỡ nợ của doanh nghiệp tại Mỹ có thể tiếp tục gia tăng, đặc biệt là đối với các khoản nợ rủi ro hơn, có mức độ đầu cơ. Theo dữ liệu của Fed, các khoản thanh toán trễ - chỉ báo về khả năng vỡ nợ - đã tích tụ tại các ngân hàng thương mại, với tỷ lệ nợ quá hạn đối với các khoản vay kinh doanh tăng lên 1,13% kể từ quý I.

Ngành truyền thông và giải trí ghi nhận nhiều vụ vỡ nợ nhất trong năm tính đến nay, tổng cộng là 16 vụ, trong đó 62,5% là do các vụ xử lý nợ khó đòi. Nhiều công ty phát hành trái phiếu có xếp hạng đầu cơ trong lĩnh vực này và các lĩnh vực khác vẫn dễ bị tổn thương, chủ yếu là do đòn bẩy cao, dòng tiền tự do âm hoặc nhu cầu tái cấp vốn sắp xảy ra trong 12-18 tháng tới, điều này có khả năng gây ra nhiều vụ vỡ nợ hơn.

Tuy nhiên, ngành sản phẩm tiêu dùng chiếm 1/3 số vụ vỡ nợ vào tháng 7. Các công ty phát hành được xếp hạng thấp hơn trong ngành này tiếp tục chịu ảnh hưởng từ lãi suất cao hơn, người tiêu dùng thu nhập thấp giảm chi tiêu, tác động tích lũy của lạm phát kể từ giữa năm 2023 và chi tiêu khuyến mại cao hơn trong quá trình phục hồi biên lợi nhuận.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/cac-cong-ty-tren-toan-the-gioi-dang-phat-tin-hieu-bao-dong-chua-tung-thay-ke-tu-nam-2009-post351813.html
Zalo