Các con tôi tự học Tiếng Anh như thế nào?

Tôi xin chia sẻ hành trình đồng hành cùng con tự học, và phương pháp giúp con tự tin trong học tập để các gia đình có thể tham khảo, khuyến khích nuôi dưỡng những đứa trẻ lớn lên trong niềm vui học tập.

Bài dự thi cuộc thi viết Gia đình học tập của tác giả Bùi Thị Lệ Thủy

Gia đình đồng hành và phát hiện, khuyến khích trẻ tự học, trẻ sẽ đạt được thành tích cao trong học tập.

Gia đình đồng hành và phát hiện, khuyến khích trẻ tự học, trẻ sẽ đạt được thành tích cao trong học tập.

Tôi vừa hoàn thành việc giảng dạy ở trường về, con trai tôi – Phúc Hưng, 10 tuổi, đang học lớp 5 trường Tiểu học Yên Từ, xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình - đi vào, mặt còn đỏ bừng vì nắng nhưng hào hứng kể:

- Con vừa giới thiệu đình làng mình (đình làng Nộn Khê) cho một đoàn khách người Pháp mẹ ạ. Một chú tặng con một cái bút chì mẹ ạ.

Tôi hỏi thêm con các thông tin của đoàn khách rồi hai mẹ con vui vẻ vào nấu cơm trưa. Hoạt động này của Phúc Hưng đã trở nên thường xuyên làm khi các đoàn khách nước ngoài về thăm làng. Các chủ cơ sở dịch vụ mỗi khi đón khách nước ngoài thì giới thiệu với Phúc Hưng nếu đoàn khách có nhu cầu ở lại địa phương.

Nhìn vẻ hào hứng của con, tôi chợt có ý chia sẻ với mọi người quá trình con tiếp cận và học Tiếng Anh. Vì sao Phúc Hưng lại có thể tự tin giao tiếp với người nước ngoài như thế.

Phúc Hưng tham gia cuộc thi giao lưu tài năng Tiếng Anh tiểu học cấp tỉnh năm học 2024-2025.

Phúc Hưng tham gia cuộc thi giao lưu tài năng Tiếng Anh tiểu học cấp tỉnh năm học 2024-2025.

Năm 2014, tôi sinh Phúc Hưng thì Hiền Mai - con gái lớn của tôi đã 9 tuổi. Vậy là suốt 2 năm khi mẹ mang bầu em và sinh em mệt mỏi, bận rộn, Hiền Mai phải tự học. Kết quả Hiền Mai vẫn đạt học lực giỏi và vẫn tham gia các giải giao lưu học sinh giỏi làm tôi thấy yên tâm phần nào.

Hè năm 2015, Phúc Hưng đã cứng cáp một chút, khi tôi kiểm tra việc học Tiếng Anh của Hiền Mai, tôi vô cùng bất ngờ khi con không tự đọc nổi các đoạn hội thoại trong sách giáo khoa, không hiểu nghĩa từ Tiếng Anh.

Quá lo lắng, tôi vội vàng đi tìm các trung tâm, các lớp học thêm Tiếng Anh cho Hiền Mai vì tôi hiểu rất rõ sự cần thiết của Tiếng Anh trong thời đại hội nhập. Rồi quá trình đi học trung tâm với người nước ngoài cách nhà hơn 10km kéo dài hơn 1 năm của Hiền Mai cũng bị bỏ dở vì quá xa xôi, kết quả thu nhận không đáng là bao.

Hè năm 2016, khi Hiền Mai hết lớp 6, Phúc Hưng gần 2 tuổi là thời điểm tôi bắt đầu hành trình đồng hành cùng hai con học Tiếng Anh. Tôi cũng mày mò tìm hiểu trong các hội nhóm, học kinh nghiệm từ các mẹ đã có con tự học.

Và tôi quyết định Hiền Mai sẽ học đồng thời 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết mỗi ngày cùng mẹ từ nguồn học liệu trên mạng Internet. Còn Hưng sẽ tiếp cận Tiếng Anh như trình tự học Tiếng Việt.

Tôi copy các bài hát, các câu chuyện bằng Tiếng Anh vào loa và mở cho con nghe khoảng 1 giờ mỗi ngày. Đồng thời, tôi cho con tiếp xúc với Tiếng Anh bằng các thẻ Flashcard qua các trò chơi nhận diện con vật, đồ vật, màu sắc, hình khối, số đếm… kết hợp vận động.

Tôi giao tiếp các câu đơn giản bằng Tiếng Anh cùng con, đặc biệt cùng con đọc sách - những bộ sách Ehon đơn giản bằng cả Tiếng Việt và Tiếng Anh mỗi ngày.

Những hoạt động ấy vừa là trò chơi, vừa giúp bọn trẻ nhà tôi tiếp cận với ngôn ngữ một cách tự nhiên nên các con hào hứng hợp tác và vốn từ của con tăng lên mỗi ngày.

Tôi không sốt ruột, vì tôi hiểu, đó là quá trình bền bỉ, kiên trì, không được bỏ cuộc. Điều tôi hài lòng nhất là tôi đã tạo cho con thói quen đọc sách mỗi ngày, tình yêu sách lớn dần. Con biết giữ sách, biết nhận diện màu sắc, đồ vật, con vật, biết đặt các câu hỏi tìm hiểu các trang sách.

Khi Phúc Hưng 3,5 tuổi, tình cờ tôi phát hiện con có khả năng đọc được Tiếng Anh và Tiếng Việt bằng cách chụp chữ. Không muốn hạn chế trí tưởng tượng của con nên tôi tập trung rèn kỹ năng nói qua việc tăng cường việc nghe loa, xem phim bằng Tiếng Anh (khoảng 1 giờ mỗi ngày).

Lúc này, Hiền Mai đã bổ sung vốn từ và phản xạ nói nên mẹ tích cực động viên hai chị em tự nói chuyện hàng ngày bằng Tiếng Anh nên phản xạ nói của con được bật ra rất tự nhiên. Con thích nói, thích dùng Tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày dù chỉ với những câu đơn giản.

Khi Phúc Hưng 4,5 tuổi đến trước khi vào lớp 1, tôi bắt đầu cho con dùng Tiếng Anh để học Toán, Khoa học theo một số bộ sách tiền Tiểu học như: Let's Read and Find Out Science, Bridging K1, K2, K3… đồng thời đọc truyện kết hợp xem phim, nghe loa các bộ sách nổi tiếng: Peppa Pig, Gogo English, All Aboard Reading…

Đồng thời con luyện kỹ năng cầm bút, tô màu, vẽ tranh… Tôi không cho con đi luyện viết, học thêm trước khi vào lớp 1 vì muốn con được các cô dạy một cách bài bản về chữ viết và cũng không muốn con viết khi xương ngón tay chưa đủ cứng cáp.

Chính nhờ các con có sự chuẩn bị khá đầy đủ khi bắt đầu đi học, nên lớp 1, tôi không vất vả khi vào năm học. Riêng chữ viết, con đọc được trước khi học từng chữ cái nhưng chỉ 1 tuần, con cũng theo kịp các bạn về tốc độ, kỹ thuật viết.

Việc học Tiếng Anh của con được duy trì và tôi bắt đầu cho con tập thuyết trình, tập làm các sơ đồ tư duy (mindmap) đơn giản. Những ngày nghỉ, tôi thường cho con đến các khu du lịch có khách nước ngoài để con rèn thêm kĩ năng giao tiếp, học hỏi thêm kiến thứ thực tế.

Con tham gia trước tuổi, vượt lớp các cuộc thi Tiếng Anh do trường, Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục tổ chức và đều đạt kết quả tốt. Trong suốt quá trình đồng hành cùng con, tôi luôn quan sát và điều chỉnh kiến thức cho phù hợp với tuổi, sở thích của con.

Đặc biệt, cả 2 con tôi không đi học thêm trong suốt quá trình học.

Năm học 2023-2024, kết quả của hai chị em Hiền Mai, Phúc Hưng như sau. Hiền Mai đoạt giải Ba cấp tỉnh môn Lịch sử; giải Ba cấp tỉnh Tổ hợp khối C00; đủ điều kiện vào học khoa Ngôn ngữ Anh trường Đại học Hà Nội nhờ kết quả xét tuyển học sinh có giải cấp tỉnh.

Phúc Hưng đoạt Huy chương Vàng cuộc thi IOE khối 4, Huy chương Đồng cuộc thi IOE khối 5 cấp Quốc gia; Giải Khuyến khích cuộc thi Violympic Toán Tiếng Anh cấp Quốc gia; Giải Nhất cuộc thi Trạng nguyên Tiếng Việt cấp tỉnh; Đoạt giải Nhì Hội thi Hùng biện Tiếng Anh trong Liên hoan các nhà thiếu nhi và thiếu nhi, đoạt giải A Liên hoan đàn phím điện các nhà thiếu nhi và thiếu nhi trên địa bàn dân cư tỉnh Ninh Bình năm 2024 do Tỉnh Đoàn và Trung tâm Thanh thiếu nhi tổ chức. Phúc Hưng là Liên đội trưởng trường Tiểu học Yên Từ.

Năm học 2024-2025: Hiền Mai hoàn thành các học phần trong năm nhất đạt loại Khá, tham gia Ban Chấp hành Khoa và tham gia câu lạc bộ học thuật Tiếng Anh của trường.

Phúc Hưng đoạt Huy chương Vàng cuộc thi Toán Tiếng Anh TIMO cấp Quốc gia; Huy chương Bạc cuộc thi IOE khối 5 cấp Quốc gia; Huy chương Bạc cuộc thi Toán Tiếng Anh (Violympic) khối 5 cấp Quốc gia; Giải Nhì cuộc thi Trạng nguyên Tiếng Việt cấp tỉnh; Đoạt giải Nhất cuộc thi "Tài năng Tiếng Anh" cấp tỉnh; Đoạt giải B Liên hoan đàn phím điện năm 2025 do Tỉnh Đoàn và Trung tâm Thanh thiếu nhi tổ chức. Phúc Hưng là Liên đội trưởng trường Tiểu học Yên Từ; đoạt danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ cấp huyện, cấp tỉnh năm 2025.

Kinh nghiệm của người mẹ đồng hành cùng con tự học

Qua hành trình đồng hành cùng hai con tự học Tiếng Anh, tôi rút ra một số kinh nghiệm quý báu mà các gia đình có thể tham khảo:

Xây dựng môi trường học tập tự nhiên và vui vẻ

- Tận dụng các tài liệu trực quan như sách Ehon, thẻ Flashcard, bài hát, và phim hoạt hình bằng Tiếng Anh để trẻ tiếp cận ngôn ngữ như một phần của cuộc sống hàng ngày.

- Kết hợp học với chơi, ví dụ: chơi trò nhận diện đồ vật, màu sắc bằng Tiếng Anh để trẻ không cảm thấy áp lực.

- Tạo thói quen đọc sách mỗi ngày để trẻ yêu thích việc học và khám phá kiến thức.

Phát triển đồng thời bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết

- Với trẻ lớn hơn cần luyện tập cả bốn kỹ năng mỗi ngày thông qua các nguồn học liệu trực tuyến miễn phí như video, bài nghe, và sách giáo khoa.

- Với trẻ nhỏ, bắt đầu bằng việc nghe thụ động (bài hát, truyện kể) và giao tiếp đơn giản để xây dựng phản xạ ngôn ngữ.

Kiên trì và không gây áp lực

- Học ngôn ngữ là một quá trình dài, cần sự bền bỉ. Không nên sốt ruột khi trẻ chưa nói hoặc hiểu ngay.

- Khuyến khích trẻ sử dụng Tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày, dù chỉ là những câu đơn giản, để xây dựng sự tự tin.

Tích hợp Tiếng Anh vào các môn học khác

- Sử dụng Tiếng Anh để học Toán, Khoa học hoặc các môn khác thông qua sách giáo khoa quốc tế hoặc tài liệu song ngữ. Điều này giúp trẻ áp dụng ngôn ngữ vào thực tế và mở rộng vốn từ.

- Khuyến khích trẻ làm mindmap hoặc thuyết trình bằng Tiếng Anh để rèn kỹ năng tư duy và trình bày.

Tạo cơ hội thực hành thực tế

- Khuyến khích trẻ tham gia các cuộc thi Tiếng Anh, hoạt động giao lưu với người nước ngoài để áp dụng kiến thức vào thực tế.

- Tận dụng các cơ hội trong cộng đồng, như giao tiếp với khách du lịch, để trẻ tự tin sử dụng ngôn ngữ.

Đồng hành và động viên

- Cha mẹ không cần phải giỏi Tiếng Anh nhưng cần đồng hành, tìm hiểu tài liệu và phương pháp phù hợp với độ tuổi của con.

- Luôn động viên, khen ngợi nỗ lực của con, dù là những tiến bộ nhỏ, để trẻ có động lực học tập.

Lựa chọn thời điểm và phương pháp phù hợp với độ tuổi

- Với trẻ nhỏ, ưu tiên các hoạt động nghe và chơi để xây dựng nền tảng.

- Với trẻ lớn hơn, tập trung vào việc rèn luyện kỹ năng học thuật như đọc hiểu, viết luận, và thuyết trình.

- Tránh ép trẻ học quá sớm (ví dụ: luyện viết khi xương tay chưa cứng cáp) để không ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất.

Những kinh nghiệm này không chỉ giúp hai con tôi đạt được thành tích đáng tự hào mà còn xây dựng tình yêu với việc học tập, sự tự tin và khả năng tự học – những kỹ năng quan trọng cho tương lai. Tôi hy vọng những chia sẻ này sẽ truyền cảm hứng cho các gia đình khác trong hành trình xây dựng "gia đình học tập" đặc biệt các gia đình ở nông thôn khi điều kiện kinh tế còn hạn chế.

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/cac-con-toi-tu-hoc-tieng-anh-nhu-the-nao-179250521155224719.htm
Zalo