Các cơ sở, doanh nghiệp tích cực hỗ trợ nông dân thu mua, sấy lúa ướt
Các cơ sở thu mua, sấy lúa sẵn sàng tinh thần cao nhất hỗ trợ bà con vớt vát những gì còn sót lại sau trận mưa lũ lớn vừa xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh.

Mưa lớn đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân Hà Tĩnh.
Từ chiều 24/5 và 25/5, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra mưa rất to, gây ngập lụt tại một số địa phương, ảnh hưởng lớn đến diện tích lúa vụ xuân ngoài đồng cũng như số lúa đã thu hoạch về nhà. Theo thống kê tới trưa 25/5, mưa lớn khiến cho 2.250 ha lúa xuân chưa thu hoạch của người dân bị ngập; 2.076 tấn lúa đã thu hoạch bị ướt.
Trước tình huống cấp bách, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đã thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh ký ban hành các công điện khẩn gửi các đơn vị, địa phương về việc tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ trên địa bàn.
Trong đó, yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương liên hệ với các chủ cơ sở sấy lúa để tổ chức sấy kịp thời số lúa đã bị ướt cho bà con nông dân, hướng dẫn bảo quản số lượng lúa đã thu hoạch chưa bị ướt nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường, chính quyền các địa phương đã tích cực cùng vào cuộc rà soát, liên hệ các hợp tác xã (HTX), cơ sở sấy lúa trên địa bàn hỗ trợ người dân.

Các lò sấy của HTX Thương mại dịch vụ chế biến nông sản Hạnh Cường (TP Hà Tĩnh) đang hoạt động hết công suất.
Gấp gáp, bận rộn, tất bật là không khí đang diễn ra ở HTX Thương mại dịch vụ chế biến nông sản Hạnh Cường (xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh). Thời điểm này, hệ thống sấy lúa với 4 lò sấy của HTX đang vận hành liên tục để sấy lúa ướt cho bà con. Trước đó, ngay trong cơn mưa tầm tã, các công nhân HTX đã xuống tận các hộ dân hỗ trợ thu mua lúa bị ngập cho người dân ở TP Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên…



Không khí tất bật, bận rộn tại HTX Thương mại dịch vụ chế biến nông sản Hạnh Cường ( TP Hà Tĩnh).
Bà Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc HTX cho biết: “Từ rạng sáng đến nay, HTX đã thu mua gần 60 tấn lúa bị ngập cho bà con. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung thu mua lúa cho vùng bị ngập nặng như ở các xã: Tân Lâm Hương, Thạch Đài, Cẩm Vịnh (TP Hà Tĩnh); Cẩm Duệ, Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Quan (Cẩm Xuyên)… Với 4 lò sấy hoạt động liên tục, mỗi ngày, chúng tôi sấy được 70 tấn lúa. Tuy nhiên, hầu hết lúa bị ngập nước, vì vậy thời gian sấy cũng lâu hơn bình thường, năng suất sấy giảm. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục cân đối kho, bãi để hỗ trợ thu mua và sấy lúa cho bà con nông dân”.

Hầu hết lúa bị ngập nước nên thời gian sấy cũng lâu hơn bình thường.
Tại xã Khánh Vĩnh Yên (huyện Can Lộc) hiện có một cơ sở sấy lúa đang hoạt động với công suất dao động từ 120 - 150 tấn/ngày. Đây là một trong những địa chỉ có thể hỗ trợ người dân trong việc làm khô lúa sau thu hoạch, nhất là trong điều kiện thời tiết nhiều ngày liên tiếp âm u, ít nắng, khiến lúa khó khô tự nhiên, tiềm ẩn nguy cơ nảy mầm, hư hỏng.

Cơ sở thu mua, sấy lúa tại xã Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc).
Ông Nguyễn Công Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên cho biết: “Nhằm giúp bà con kịp thời tìm được phương án xử lý lúa ướt, chính quyền xã đã chủ động thông báo, cung cấp thông tin liên hệ của chủ cơ sở đến các địa phương lân cận như xã Xuân Lộc, Sơn Lộc, Kim Song Trường và một số xã khác trong vùng. Qua đó, tạo điều kiện để người dân sắp xếp vận chuyển và đưa lúa đến cơ sở sấy sớm nhất có thể, giảm thiểu rủi ro sau thu hoạch và góp phần bảo toàn sản lượng vụ xuân năm nay”.
Không dừng lại ở đó, hai ngày vừa qua, khi dự báo thời tiết sẽ diễn biến bất lợi, các cơ sở thu mua, sấy lúa trên địa bàn đã tốc lực thu mua lúa để hạn chế thiệt hại cho bà con.

Nhà máy sấy thóc lúa Chương Hà ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân) đang hoạt động hết công suất để sấy lúa.
Anh Hoàng Văn Chương - chủ Nhà máy sấy thóc lúa Chương Hà ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân) chia sẻ: “Trong 2 ngày 23-24/5, cơ sở chúng tôi đã thu mua hơn 300 tấn lúa chạy lũ cho bà con với giá đảm bảo ổn định theo thị trường, không để xảy ra tình trạng ép giá, từ chối thu mua. Cơ sở hiện có 3 lò sấy với 10 công nhân đang hoạt động tích cực ngày đêm để kịp thời sấy số lúa đã thu mua. Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ bà con tối đa để sấy lúa, đặc biệt trong bối cảnh nhiều địa phương trong toàn tỉnh bị ngập lụt như hiện nay”.
Tinh thần sẵn sàng, trách nhiệm của Nhà máy sấy thóc lúa Chương Hà cũng là tinh thần chung của tất cả các cơ sở sấy lúa, HTX có dịch vụ sấy lúa trên địa bàn Hà Tĩnh.

Qua rà soát sơ bộ, toàn tỉnh có 15 cơ sở, công ty, HTX có dịch vụ sấy, tập trung ở các địa bàn Can Lộc, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh.
Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: “Qua rà soát sơ bộ, toàn tỉnh có 15 cơ sở, công ty, HTX có dịch vụ sấy, tập trung ở các địa bàn Can Lộc, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh. Tuy nhiên, có 5 cơ sở đang hoạt động hết công suất sấy số lúa trong kho vì vậy trong thời gian trước mắt chưa thể tiếp nhận thêm lúa. Đối với 10 cơ sở còn lại, chúng tôi đã liên hệ và đều nhận được sự đồng tình cao, sẵn sàng hỗ trợ người dân sấy lúa. Một số cơ sở như: Công ty CP Giống cây trồng và Thương mại Hà Tĩnh (Cẩm Xuyên), HTX Thương mại dịch vụ chế biến nông sản Hạnh Cường (TP Hà Tĩnh) đang tập trung thu mua, hỗ trợ sấy lúa cho bà con. Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát các cơ sở trên địa bàn để cung cấp thông tin cho bà con và các địa phương chủ động liên hệ sấy lúa”.