Các chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội cần phù hợp với hoàn cảnh thực tế và mục tiêu an sinh xã hội

Tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội vào sáng 21/5, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Long An - Lê Thị Song An cho rằng quy định điều kiện về nhà ở được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội cần được điều chỉnh để phù hợp hơn với hoàn cảnh thực tế và mục tiêu an sinh xã hội.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An - Lê Thị Song An đóng góp dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An - Lê Thị Song An đóng góp dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội

Đại biểu Lê Thị Song An cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, giá nhà ở thương mại vẫn vượt quá khả năng chi trả của phần lớn người lao động, nên việc Nhà nước chủ động có giải pháp đột phá, cơ chế, chính sách đặc thù là hết sức cần thiết, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, đặc biệt đối với người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, để các cơ chế, chính sách đặc thù đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, quy định lại một số nội dung cụ thể sau:

Thứ nhất, về Quỹ Nhà ở quốc gia tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết quy định về nguồn hình thành Quỹ Nhà ở quốc gia tuy bao quát nhiều kênh huy động, nhưng thực tiễn vẫn còn một số bất cập cần xem xét. Việc quy định nhiều nguồn thu như hỗ trợ tự nguyện hay đóng góp từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chưa có cơ chế kiểm soát minh bạch, dễ phát sinh rủi ro về pháp lý và tài chính; đồng thời, cũng chưa có quy định rõ ràng về đơn vị quản lý quỹ, nguyên tắc phân bổ và giám sát sử dụng quỹ, điều này sẽ dẫn đến nguy cơ thất thoát hoặc sử dụng sai mục đích. Ngoài ra, cách xác định “giá trị tương đương quỹ đất” và nguồn từ bán tài sản công nếu không được quy định cụ thể, có thể gây thất thu ngân sách nhà nước hoặc làm giảm nguồn lực nhà ở xã hội trong dài hạn. Đại biểu đề nghị cân nhắc, bổ sung quy định chặt chẽ hơn về cơ chế vận hành, cơ quan nào quản lý quỹ, công khai tài chính và giám sát độc lập để đảm bảo Quỹ Nhà ở quốc gia thực sự phát huy hiệu quả và đúng mục tiêu phục vụ an sinh xã hội.

Thứ hai, thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khoản 2 Điều 7 quy định việc lồng ghép thẩm định thiết kế phòng cháy, chữa cháy (PCCC) vào thủ tục cấp giấy phép xây dựng là một chủ trương đúng nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tuy nhiện, đại biểu Song An băn khoăn và đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung thêm cơ chế phối hợp giữa cơ quan xây dựng và cơ quan PCCC chưa rõ ràng, gây lúng túng và kéo dài thời gian xử lý hồ sơ. Thực tiễn tại một số địa phương vẫn thực hiện tách biệt, khiến doanh nghiệp phải nộp hai bộ hồ sơ, mất nhiều thời gian và chi phí (cơ quan chuyên môn về xây dựng là Sở Xây dựng; cơ quan quản lý về PCCC là Cảnh sát PCCC). Bên cạnh đó, năng lực chuyên môn về PCCC tại cơ quan xây dựng còn hạn chế, tiềm ẩn rủi ro nếu việc thẩm định không được thực hiện đầy đủ, đặc biệt với công trình có nguy cơ cao.

Ngoài ra, với các công trình được miễn giấy phép xây dựng như nhà ở xã hội dùng thiết kế mẫu tại khoản 3, hiện chưa có hướng dẫn rõ về quy trình thẩm định PCCC, tạo ra khoảng trống pháp lý, cần có hướng dẫn thống nhất liên ngành, làm rõ trách nhiệm phối hợp và bổ sung cơ chế hậu kiểm để đảm bảo an toàn PCCC trong thực tế.

Thứ ba, về điều kiện về nhà ở được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội tại Điều 9 dự thảo Nghị quyết quy định yêu cầu người lao động đã có nhà ở thuộc sở hữu thì chỉ được mua nhà ở xã hội gần nơi làm việc nếu khoảng cách từ nhà đến nơi làm việc từ 30 km trở lên là nhằm kiểm soát đúng đối tượng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và từ thực tiễn, tôi nhận thấy quy định này còn một số bất cập, cần được điều chỉnh để phù hợp hơn với hoàn cảnh thực tế và mục tiêu an sinh xã hội: (1) Quy định cứng nhắc khoảng cách 30 km là quá cao trong điều kiện hạ tầng giao thông và phương tiện đi lại của người lao động hiện nay, đặc biệt là công nhân, người làm việc theo ca tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Việc di chuyển mỗi ngày trên quãng đường 30 km trở lên là gánh nặng lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, an toàn giao thông và năng suất lao động; (2) Quy định chưa xét đến các yếu tố đặc thù như tính chất nghề nghiệp (người làm việc theo ca, lao động nữ, người làm việc ở vùng sâu, vùng xa…), điều kiện giao thông (kẹt xe, hạ tầng kém phát triển), hoặc hoàn cảnh thực tế (nhà ở tuy có sở hữu nhưng không sử dụng được do xa xôi, điều kiện không đảm bảo, đang cho người thân sử dụng, hoặc không thể chuyển đến sinh sống vì lý do gia đình,…). Những trường hợp này nếu áp dụng máy móc quy định 30 km sẽ khiến nhiều người thực sự có nhu cầu và phù hợp không được tiếp cận chính sách, làm giảm tính công bằng và hiệu quả của chương trình nhà ở xã hội; (3) Về mặt pháp lý, các điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cần bảo đảm đánh giá khách quan theo tình trạng cư trú thực tế và nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, việc quy định cứng một khoảng cách 30 km là chưa phản ánh đúng tinh thần này, cần được làm rõ, hoặc điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với thực tế từng địa phương, từng nhóm đối tượng.

Từ đó, đại biểu Song An đề nghị các quy định trong dự thảo Nghị quyết cần điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn, có thể đánh giá theo thời gian di chuyển thực tế, điều kiện hạ tầng và tính chất nghề nghiệp, để chính sách phát huy hiệu quả và hỗ trợ đúng người, đúng nhu cầu.

Thứ tư, về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội tại Điều 11 dự thảo: Đại biểu Song An thống nhất cao quy định tại khoản 1, giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài phạm vi dự án nhà ở xã hội. Đây là một chủ trương đúng đắn, thể hiện vai trò đồng hành của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, nhất là trong bối cảnh việc thu hút đầu tư vào phân khúc này đang gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu tư lớn và lợi nhuận bị khống chế.

Quang cảnh buổi thảo luận Tổ 11, gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, Sơn La, Bắc Cạn và Vĩnh Long

Quang cảnh buổi thảo luận Tổ 11, gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, Sơn La, Bắc Cạn và Vĩnh Long

Thực tiễn triển khai tại một số địa phương cho thấy hiệu quả tích cực bước đầu. Điển hình như tại tỉnh Long An, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 15/2024/NQ-HĐND, ngày 15/10/2024, thống nhất cơ chế Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật kết nối ngoài phạm vi dự án nhà ở xã hội. Đây là cách làm đáng khuyến khích, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng vẫn còn một số điểm chưa thống nhất, thiếu đồng bộ giữa quy định pháp luật và thực tế triển khai như: (1) Quy định hiện hành chưa xác định rõ tỷ lệ hoặc khung mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho từng phần việc. Ví dụ như bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án. Việc không có tiêu chí cụ thể khiến các địa phương lúng túng trong việc lập kế hoạch và phân bổ ngân sách; đồng thời, gây ra sự thiếu thống nhất giữa các tỉnh, dẫn đến chênh lệch về mức độ hỗ trợ và tính hấp dẫn giữa các dự án; (2) Nhiều địa phương có ngân sách hạn hẹp gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn kịp thời. Điều này làm chậm tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận nhà ở của người dân thu nhập thấp, trái với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội một cách bền vững, đồng bộ; (3) Việc phân tách quá rõ ràng giữa phần việc của Nhà nước (đầu tư hạ tầng kết nối) và phần việc của doanh nghiệp (xây dựng nhà ở) có thể gây thiếu đồng bộ trong triển khai. Trên thực tế, có nhiều trường hợp nhà ở đã xây xong nhưng hạ tầng đường, điện, nước bên ngoài vẫn chưa hoàn thiện do chậm giải ngân vốn đầu tư công. Hậu quả là người dân không thể vào ở, chủ đầu tư không thể bàn giao công trình đúng hạn, từ đó làm giảm hiệu quả đầu tư và niềm tin thị trường.

Từ những bất cập trên, đại biểu Song An cho rằng cần bổ sung cơ chế phân cấp, quy định khung về mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo từng loại hình, quy mô dự án để đảm bảo tính khả thi và công bằng giữa các địa phương (ví dụ: Hỗ trợ tối thiểu 50% chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và 100% chi phí đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào đối với các dự án nhà ở xã hội sử dụng đất do Nhà nước quản lý). Đồng thời, cho phép một số địa phương hoặc chủ đầu tư có năng lực được tạm ứng hoặc tham gia đầu tư hạ tầng ngoài dự án, để đảm bảo tiến độ và hiệu quả thực tế; tăng cường kiểm tra và công khai tiến độ thực hiện công tác hỗ trợ, bồi thường và đầu tư hạ tầng tại các địa phương để đảm bảo tính minh bạch, tránh tình trạng doanh nghiệp bị động, người dân chậm được thụ hưởng.

Ngoài ra, đại biểu Song An đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, kịp thời, bảo đảm Nghị quyết sớm đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả ngay sau khi được thông qua. Việc chậm trễ trong hướng dẫn thi hành có thể ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chính sách, làm giảm hiệu lực của Nghị quyết; đồng thời, cần có cơ chế tổng kết, đánh giá định kỳ trong quá trình thực hiện. Việc đánh giá phải khách quan, toàn diện và dựa trên hiệu quả thực tiễn. Từ đó, sớm phát hiện những mô hình hiệu quả, có tính khả thi cao để kiến nghị nhân rộng trên phạm vi cả nước, góp phần hoàn thiện thể chế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững./.

Kiến Quốc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/cac-chinh-sach-ho-tro-ve-nha-o-xa-hoi-can-phu-hop-voi-hoan-canh-thuc-te-va-muc-tieu-an-sinh-xa-hoi-a195707.html
Zalo