Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho rằng không có sự khác biệt vượt trội thì không thu hút được các nhà đầu tư. (Ảnh: quochoi.vn)

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho rằng không có sự khác biệt vượt trội thì không thu hút được các nhà đầu tư. (Ảnh: quochoi.vn)

Cần những điều kiện ràng buộc cụ thể

Cụ thể, dự thảo Nghị quyết quy định các chính sách đặc thù thuộc các nhóm như nhóm chính sách ngoại hối, hoạt động ngân hàng; nhóm chính sách tài chính, phát triển thị trường vốn; nhóm chính sách thuế; nhóm chính sách về xuất, nhập cảnh, cư trú, lao động đối với chuyên gia, nhà đầu tư và chính sách việc làm, an sinh xã hội; nhóm chính sách đất đai; nhóm chính sách về xây dựng, môi trường và phòng cháy, chữa cháy; nhóm chính sách thử nghiệm có kiểm soát cho Fintech và đổi mới sáng tạo; nhóm chính sách ưu đãi theo lĩnh vực và chính sách đối với nhà đầu tư chiến lược; nhóm chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; nhóm chính sách về xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối hàng hóa, dịch vụ; nhóm chính sách về phí, lệ phí và nhóm giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Theo Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì soạn thảo, đây là các nhóm chính sách cần thiết, bảo đảm yếu tố cạnh tranh, vượt trội để xây dựng và vận hành TTTCQT.

Các nhóm chính sách này đã nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH. Theo Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Lê Thị Nga, về chính sách công nghệ môi trường đối với dự án đầu tư tại TTTCQT, quy định tại khoản 1 Điều 24 của dự thảo Nghị quyết là dự án đầu tư tại TTTCQT không phải thực hiện thủ tục thẩm định công nghệ, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án tại các TTTC. Cơ bản nhất trí với quy định trên nhưng bà Nga đề nghị quy định tăng cường công tác hậu kiểm đối với các dự án này nhằm loại bỏ các công nghệ lạc hậu, công nghệ cũ gây ô nhiễm môi trường.

Nhấn mạnh đây là một nghị quyết rất đặc thù, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của QH Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cần phải có những cơ chế đặc biệt, đặc thù, vượt trội và khác quy định của luật hiện hành mới phát huy được vai trò và ý nghĩa của việc thành lập TTTCQT như kỳ vọng đề ra tại các nghị quyết, kết luận của cấp có thẩm quyền trong việc đặt vấn đề xây dựng TTTCQT tại Việt Nam, bảo đảm tính cạnh tranh trong bối cảnh chúng ta thành lập sau.

Ông Tùng nhận thấy, trong dự thảo Nghị quyết quy định rất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến đầu tư kinh doanh, liên quan đến thuế, liên quan đến lao động, liên quan đến chính sách xuất nhập cảnh, rất nhiều chính sách đặc thù, cơ chế đặc thù vượt trội và khác với quy định của luật hiện hành. Những cơ chế, chính sách đặc thù đó khi được quy định trong Nghị quyết này và QH ban hành đương nhiên thực hiện khác với các quy định trong các luật hiện hành. Nhưng những văn bản hướng dẫn bao gồm cả Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị quyết này mà xử lý các vấn đề phát sinh khác với luật, nghị quyết của QH thì có cho phép hay không?

Nêu vấn đề trên, ông Tùng cũng bày tỏ quan điểm, nếu chúng ta nói không thì rất khó để bảo đảm sự vận hành linh hoạt và nhanh nhạy của Chính phủ đối với các Trung tâm, hạn chế tính cạnh tranh và sức thu hút của các Trung tâm. Nhưng nếu quy định tuyệt đối là cho phép trong mọi trường hợp thì cũng lại không có cơ chế để kiểm soát. Cho nên, ông Tùng đề nghị phải đặt ra nguyên tắc, ví dụ những văn bản hướng dẫn hoặc những nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ để hướng dẫn những cơ chế, chính sách đặc thù đã được quy định trong Nghị quyết mà khác với quy định của luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ QH thì có lẽ vẫn phải nằm trong thẩm quyền mà Nghị quyết này cho phép. Đồng thời, việc xử lý trường hợp có quy định khác nhau giữa nghị quyết này và các luật, nghị quyết khác của QH cũng phải có ràng buộc trong những vấn đề nhất định như về an ninh quốc gia, phòng, chống rửa tiền, phòng, chống khủng bố.

Quan tâm đến tài sản số, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Thanh nhận định, dự thảo Nghị quyết đã rất kịp thời nắm bắt xu hướng của thời đại, của nền tài chính tiên tiến trên thế giới và đưa tài sản số là một trong những lĩnh vực được ưu đãi. Tuy nhiên, hiệu lực của nội dung này nên thống nhất với Luật Công nghiệp công nghệ số để bảo đảm tính liên thông, đồng bộ, thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật có cùng nội dung và cùng do QH ban hành.

Với các chính sách ưu đãi về thuế, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Thanh tán thành những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng nhằm thu hút các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động của TTTCQT. Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi thuế tương đối sâu và khá cao. Nếu không đi kèm theo những điều kiện ràng buộc cụ thể thì có thể tạo ra nguy cơ bất bình đẳng khá lớn giữa các nhóm doanh nghiệp.

“Khi một doanh nghiệp tại TTTC được ưu đãi quá lớn mà không có cam kết đóng góp tương xứng cho nền kinh tế, trong khi các doanh nghiệp trong nước vẫn đang phải tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ thuế, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh. Bên cạnh đó, một trong những vai trò quan trọng của thuế là nhằm góp phần điều tiết thu nhập, thực hiện công bằng xã hội, góp phần rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội”, bà Thanh phân tích. Từ đó, bà đề nghị rà soát thận trọng, cho dù cần có cơ chế vượt trội, song cần bảo đảm nguyên tắc áp dụng luật, tránh trùng lắp, tuân thủ các điều ước quốc tế và tránh xung đột pháp luật.

Các chính sách đề xuất phải đột phá, không rập khuôn, có chọn lọc

Phó Chủ tịch QH Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ 12 nhóm chính sách như tại dự thảo Nghị quyết đã đủ tiền đề, đủ cơ sở pháp lý để hình thành và vận hành TTTCQT chưa. Chúng ta hình thành nhưng vận hành phải thành công, phải thu hút được các nhà đầu tư vào đây. Hơn nữa, các quy định đã đủ bảo đảm tính cạnh tranh trong môi trường cạnh tranh chưa khi có hơn 100 TTTCQT chỉ có khoảng 10 Trung tâm thành công. Không những thế, phải làm rõ đâu là những chính sách đột phá, vượt trội, khác biệt, riêng có của Việt Nam.

Ông Thanh đề nghị Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện theo hướng các chính sách đề xuất cần phải đột phá, không rập khuôn, có chọn lọc, tận dụng lợi thế của quốc gia đi sau để vận dụng những kinh nghiệm tốt của quốc tế, khắc phục những hạn chế và tạo được sức cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, cần có cơ chế quản lý nhà nước, cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả, bảo đảm quản lý được rủi ro để bảo đảm an ninh, an toàn của hệ thống tài chính, ổn định chính trị, an toàn trật tự xã hội, quốc phòng, an ninh và hoạt động đối ngoại.

Còn đối với các chính sách cụ thể, theo ông Thanh, chính sách thuế cần phải có các ưu đãi vượt trội để hấp dẫn, thu hút đầu tư, bảo đảm tính cạnh tranh. Nhưng mặt khác cũng cần bảo đảm các chính sách về thuế phải khả thi và có cơ chế kiểm soát tránh lợi dụng gây thất thoát ngân sách, bảo đảm không vi phạm các cam kết quốc tế, đặc biệt là thực hiện đúng nguyên tắc từ thuế tối thiểu toàn cầu của OECD.

Hay về chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, ông Thanh đề nghị có cơ chế tạo nguồn lực nhưng cần tuân thủ theo Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương để bảo đảm ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đánh giá cụ thể tác động của chính sách này tới nguồn thu ngân sách trung ương trong thời gian sắp tới về việc cho phép 2 thành phố tăng thêm bội chi...

Làm rõ thêm về chính sách đầu tư hạ tầng của TTTC, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng - TP Đà Nẵng dẫn lại quy định khi làm khu thương mại tự do. Theo ông, ở thời điểm làm khu thương mại tự do theo Nghị quyết 136 của Quốc hội thì cách tiếp cận hiện nay của dự thảo Nghị quyết về TTTCQT tại Việt Nam còn tụt lùi hơn so với cách tiếp cận ở khu thương mại tự do của Hải Phòng. Hải Phòng có rất nhiều cơ chế mở, đặc biệt là việc thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào kết cấu hạ tầng và theo đó sẽ thu hút những nhà đầu tư thứ cấp vào các lĩnh vực này. Cho rằng cần phải có một cơ chế thông thoáng hơn từ việc giao đất, thu hồi đất, ông Quảng còn đề nghị việc giao đất, thu hồi đất phải vượt qua các quy định của pháp luật đất đai hiện hành.

Đà Nẵng đã có phương án dành quỹ đất xây trung tâm tài chính. (Ảnh minh họa: danang.gov.vn)

Đà Nẵng đã có phương án dành quỹ đất xây trung tâm tài chính. (Ảnh minh họa: danang.gov.vn)

Ngoài ra, các cơ chế về miễn, giảm tiền sử dụng đất cho nhà đầu tư, thủ tục để xác định thành viên cũng như thu hút thành viên vào Trung tâm, cơ chế luân chuyển vốn... đều là những vấn đề mà tất cả các nhà đầu tư đặt ra khi vào với Đà Nẵng. Ông Quảng mong cơ quan soạn thảo cũng như Ủy ban Thường vụ QH cho cơ chế để định hướng việc luân chuyển dòng vốn vào - ra thuận lợi nhất để giải quyết được câu chuyện thu hút nhà đầu tư...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình:

Không có sự khác biệt vượt trội thì các nhà đầu tư sẽ không “vào”

Xây dựng TTTCQT là vấn đề rất khó. Bộ Chính trị cũng xác định là rất khó, nhưng chúng ta buộc phải làm vì nó rất cần thiết cho giai đoạn bứt phá sắp tới. Tính ưu việt của TTTC lớn, cần thiết cho nền kinh tế của chúng ta, chúng ta lại đi sau mà không có sự khác biệt vượt trội thì các nhà đầu tư sẽ không “vào”.

Các đồng chí băn khoăn về chính sách ưu đãi thuế không công bằng, trả lương cao cho người lao động tại Trung tâm thì không công bằng với người bên ngoài. Chúng ta cần gì ở TTTC? Người ta mang vào đây nghìn tỷ USD để phục vụ cho nền kinh tế, chúng ta cần chỗ này hay cần thu thuế của những người làm việc ở Trung tâm. Ngoài ra, nếu trả lương cơ bản, người lao động cũng chả rời London, Paris về đây làm gì. Đây là những chính sách vượt trội, nếu chúng ta lấy khuôn khổ pháp lý và những quy định hiện hành của chúng ta để áp đặt thì chắc không bao giờ đủ sức hấp dẫn các nhà tài chính.

Thục Quyên

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cac-chinh-sach-dac-thu-cho-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tai-viet-nam-phai-du-manh-moi-du-suc-hap-dan-post546999.html
Zalo