Các chi nhánh Agribank phát triển thị trường tín dụng bán lẻ

Mở rộng thị trường bán lẻ phục vụ nhóm đối tượng là khách hàng cá nhân, hộ cá thể sản xuất, kinh doanh đang được các ngân hàng chú trọng triển khai bằng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi. Để giữ vững được thị phần, gia tăng lợi thế cạnh tranh phát triển thị trường bán lẻ, thời gian qua, các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường, đầu tư tín dụng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Người dân thị trấn Triệu Sơn đã tiếp cận và dần quen thuộc các dịch vụ điện tử tiện ích của Agribank.

Người dân thị trấn Triệu Sơn đã tiếp cận và dần quen thuộc các dịch vụ điện tử tiện ích của Agribank.

Chị Lương Thị Hải ở xã Thanh Sơn (thị xã Nghi Sơn), cho biết: "Gia đình tôi có cửa hàng kinh doanh tạp hóa và sửa chữa điện dân dụng nên nhu cầu về vốn là rất quan trọng. Có nhiều thời điểm cửa hàng phải nhập nhiều hàng nhưng nguồn vốn lưu động của gia đình còn hạn chế nên tôi phải vay mượn người thân, hàng xóm, đôi khi phải vay ngoài với lãi suất cao. Gần đây, được cán bộ Agribank Tĩnh Gia giới thiệu về chương trình vay vốn bằng thẻ thấu chi của Agribank nên tôi đã đăng ký thẻ với hạn mức vay 50 triệu đồng để mở rộng kinh doanh, nhất là vào những thời điểm khó khăn về vốn nhưng phải nhập hàng nhiều. Thẻ thấu chi còn giúp tôi thanh toán các khoản chi phí thiết yếu của gia đình như thanh toán tiền điện, điện thoại, nộp học phí cho con một cách thuận lợi... Tôi thấy thẻ thấu chi của Agribank rất thuận lợi vì với những hộ kinh doanh tại khu vực nông thôn như chúng tôi không phải lúc nào cũng sẵn có một khoản tiền lớn, hơn nữa lãi suất cho vay thấu chi cũng rất ưu đãi nên tôi rất yên tâm mở rộng kinh doanh thêm các loại mặt hàng phục vụ nhu cầu của người dân”.

Với sứ mệnh “Ngân hàng của nhà nông”, các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai các chủ trương, chính sách, các chương trình theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các ngân hàng đã tập trung hướng đến thị trường bán lẻ phục vụ đối tượng khách hàng cá nhân, hộ cá thể sản xuất, kinh doanh bằng việc tạo ra nhiều sản phẩm kích thích tăng trưởng tín dụng tiêu dùng cá nhân như cho vay mua nhà, xây dựng nhà ở, mua ô tô, mua sắm vật dụng sinh hoạt, kinh doanh, đầu tư phát triển kinh tế hộ... đối tượng khách hàng được ưu tiên nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nhờ vậy, hiện nay ở khu vực nông thôn, người dân đã tiếp cận và dần quen thuộc các dịch vụ điện tử tiện ích ngân hàng. Các loại hình ngân hàng bán lẻ đang được các ngân hàng tập trung mở rộng, như: Dịch vụ thanh toán tiền điện, nước, trả tiền hàng; hay dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch như thanh toán hóa đơn, chuyển khoản,... mọi lúc, mọi nơi, qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí của khách hàng.

Các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Nông dân, Hội LHPN hình thành hơn 4.300 tổ vay vốn với gần 142.000 thành viên. Thông qua các tổ vay vốn đã truyền tải, phổ biến và tuyên truyền nâng cao nhận thức của khách hàng tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa về các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng, về dịch vụ ngân hàng bán lẻ, như: thu hộ tiền điện, nước, điện thoại... qua tài khoản; gói tín dụng hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi trong hoạt động kinh doanh, mua nhà, tiêu dùng; miễn, giảm các phí dịch vụ; tặng tài khoản số đẹp... Qua đó, tăng cường hiểu biết và hình thành thói quen thanh toán điện tử khi thực hiện giao dịch phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến nay, các ngân hàng đã phát hành được hàng trăm nghìn thẻ thấu chi nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, nhằm đem đến nhiều trải nghiệm mới cho khách hàng, các chi nhánh đã triển khai hiệu quả phương thức định danh eKYC bằng công nghệ sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay) cho phép khách hàng đăng ký thông tin khách hàng trực tuyến, đăng ký mở tài khoản trực tuyến, sử dụng dịch vụ Agribank E-Mobile Banking thay vì phải ra quầy giao dịch, đến nay, đã có hơn 150.000 khách hàng mở tài khoản trực tuyến thành công tại các ngân hàng. Cùng với phát triển đa dạng sản phẩm, các ngân hàng cũng chú trọng phát triển các hệ thống ATM, CDM, EDC/POS, E-banking, Agribank Plus, Core Banking..., cải tiến quy trình nghiệp vụ thanh toán theo hướng đơn giản thủ tục hồ sơ, chứng từ giao dịch chuyển đổi theo hướng số hóa và tự động hóa. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện ích, phục vụ nhu cầu thanh toán của các giao dịch thương mại điện tử của khách hàng. Các tài khoản của khách hàng được bảo vệ, bảo mật thông tin khách hàng, bảo đảm an toàn, thực hiện nhanh chóng.

Các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm dịch vụ phù hợp với đa dạng đối tượng khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Qua đó, góp phần đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, ngân hàng điện tử, cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, vừa qua, hệ thống Agribank được Tập đoàn Dữ liệu quốc tế vinh danh là “Ngân hàng bán lẻ tiêu biểu”. Đây là sự ghi nhận cho những nỗ lực phát triển, đổi mới và sự tận tâm của Agribank nói chung, các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh nói riêng để mang tới những sản phẩm dịch vụ ngân hàng toàn diện, hiện đại, đa dạng tiện ích và đem lại giá trị cao nhất cho khách hàng.

Bài và ảnh: Minh Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/cac-chi-nhanh-agribank-phat-trien-thi-truong-tin-dung-ban-le-224903.htm
Zalo