Các biện pháp phòng ngừa bệnh hô hấp sau bão lũ

Việc chăm sóc sức khỏe đúng cách và phát hiện sớm các triệu chứng bất thường sẽ giúp ngăn chặn bệnh tật phát sinh, đảm bảo an toàn trong thời gian sau bão lũ.

Theo bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, sau bão lũ, nước ngập kéo dài để lại bùn đất, rác rưởi tràn lan, cùng những hư hỏng của cơ sở hạ tầng khiến môi trường sống trở nên vô cùng khắc nghiệt.

Môi trường ẩm ướt và ô nhiễm, chất lượng không khí kém, sự phát triển của nấm mốc, điều kiện sống tạm bợ, thiếu thốn trong bão lũ khiến hệ miễn dịch suy giảm… chính là những điều kiện thuận lợi để các bệnh về đường hô hấp phát triển và lây lan.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để phòng ngừa bệnh hô hấp, bảo vệ sức khỏe sau bão lũ, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

Giữ vệ sinh môi trường sống

Sau khi nước lũ rút, người dân cần vệ sinh sạch sẽ khu vực sinh sống, loại bỏ rác thải, bùn đất và khử trùng những nơi bị ngập. Việc này giúp giảm thiểu sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc.

Đảm bảo thông thoáng không khí

Các ngôi nhà bị ngập cần được mở cửa sổ để thông gió, tránh để môi trường ẩm ướt kéo dài, tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển. Người dân có thể sử dụng quạt và máy hút ẩm để giúp giảm độ ẩm trong nhà.

Sử dụng khẩu trang khi dọn dẹp, làm vệ sinh

Trong quá trình dọn dẹp sau bão lũ, việc đeo khẩu trang là cần thiết để tránh hít phải bụi bẩn, nấm mốc và vi khuẩn có trong không khí. Khẩu trang cũng giúp ngăn chặn các tác nhân gây bệnh hô hấp khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.

Tăng cường dinh dưỡng

Hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp cơ thể chống lại bệnh tật, đặc biệt là bệnh hô hấp. Người dân nên ăn uống đầy đủ dưỡng chất, uống nhiều nước và bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C, E để tăng cường sức đề kháng.

Khám sức khỏe sau bão lũ

Sau bão lũ, nếu cảm thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về đường hô hấp như ho, khó thở, sốt, người dân nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Chăm sóc đặc biệt cho trẻ em và người cao tuổi

Đây là hai đối tượng dễ bị tổn thương và có nguy cơ mắc các bệnh hô hấp nhiều nhất sau bão lũ. Vì vậy, gia đình cần chú ý bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và người cao tuổi, tránh để họ tiếp xúc trực tiếp với môi trường ô nhiễm.

Bác sĩ khuyến cáo, để bảo vệ bản thân và gia đình, mỗi người cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa như giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm không khí trong lành, sử dụng khẩu trang và tăng cường dinh dưỡng.

Trong đó, việc chăm sóc sức khỏe đúng cách và phát hiện sớm các triệu chứng bất thường sẽ giúp ngăn chặn bệnh tật phát sinh, đảm bảo an toàn trong thời gian sau bão lũ.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ chỉ ra, một số bệnh lý đường hô hấp thường gặp sau bão lũ bao gồm:

- Cảm cúm: Thời tiết ẩm ướt, kết hợp với môi trường ô nhiễm, là điều kiện thuận lợi cho virus cúm lây lan.

- Viêm phế quản: Sự ô nhiễm không khí và việc hít phải bụi bẩn, vi khuẩn có thể làm tổn thương phế quản, dẫn đến viêm nhiễm.

- Viêm phổi: Khi cơ thể suy yếu và phải tiếp xúc với không khí ô nhiễm, người dân rất dễ mắc viêm phổi. Đây là căn bệnh nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

- Dị ứng hô hấp: Nấm mốc phát triển mạnh sau bão lũ là nguyên nhân gây dị ứng và các vấn đề về hô hấp như hen suyễn, viêm mũi dị ứng.

Xuân Quý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cac-bien-phap-phong-ngua-benh-ho-hap-sau-bao-lu-post390850.html
Zalo