Câu hỏi thường gặp liên quan đến dị dạng mạch não

Dị dạng mạch não là một bệnh lý liên quan đến cấu trúc bất thường của các mạch máu trong não.

NỘI DUNG

1. Y học cổ truyền có điều trị được dị dạng mạch não?

2. Dị dạng mạch não có nguy hiểm không?

3. Dị dạng mạch não có dễ phát hiện không?

4. Dị dạng mạch não thường gặp ở lứa tuổi nào?

5. Dị dạng mạch não có chữa khỏi được không?

6. Chăm sóc bệnh nhân dị dạng mạch não tại nhà

7. Chi phí điều trị dị dạng mạch não

1. Y học cổ truyền có điều trị được dị dạng mạch não?

Dị dạng mạch não là một dị tật bẩm sinh hoặc phát triển, liên quan đến cấu trúc giải phẫu của mạch máu. Đây là một vấn đề nghiêm trọng đòi hỏi sự can thiệp của y học hiện đại.

Các phương pháp điều trị của y học cổ truyền chủ yếu tập trung vào việc điều chỉnh chức năng các cơ quan, cân bằng âm dương, khí huyết chứ không tác động trực tiếp vào cấu trúc giải phẫu bị biến đổi. Do đó y học cổ truyền khó chữa được dị dạng mạch máu não. Khi dị dạng mạch máu não vỡ, tình trạng bệnh nhân trở nên nguy kịch và đòi hỏi sự can thiệp y tế cấp cứu. Các phương pháp điều trị của y học cổ truyền thường có quá trình điều trị dài và không phù hợp với các trường hợp cấp cứu.

2. Dị dạng mạch não có nguy hiểm không?

Hiện các nhà khoa học chưa tìm ra được nguyên nhân chính gây dị dạng mạch não.

Hiện các nhà khoa học chưa tìm ra được nguyên nhân chính gây dị dạng mạch não.

Dị dạng mạch máu não là hiện tượng các mạch máu bất thường và rối loạn trong não. Các dị dạng này nối thông động mạch và tĩnh mạch não mà không đi qua các mao mạch nên không cung cấp máu cho nhu mô não. Ngoài ra, các dị dạng mạch máu dễ bị vỡ gây chảy máu não. Dị dạng mạch máu bẩm sinh rất nguy hiểm vì có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, phổ biến nhất là vỡ mạch dẫn đến đột quỵ do xuất huyết não hoặc gây áp suất tiếp giáp lên não dẫn đến động kinh co giật.

3. Dị dạng mạch não có dễ phát hiện không?

Dị dạng động tĩnh mạch não là một rối loạn của mạch máu liên kết giữa động mạch và tĩnh mạch não. Do không có triệu chứng hay dấu hiệu nhận biết nên bệnh thường ít được phát hiện sớm.

Theo TS.BS Nguyễn Vũ, Phó trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình, BV Đại học Y Hà Nội, dị dạng mạch não phát triển theo thời gian, tồn tại không triệu chứng trong nhiều năm và được phát hiện chủ yếu ở độ tuổi 10-40 tuổi. Các biểu hiện lâm sàng điển hình nằm ở một trong 4 nhóm sau: Chảy máu não (50-60%); Đau đầu, động kinh (40-45%); Tình cờ (5-10%); Dấu hiệu thần kinh khu trú.

Dị dạng mạch máu não có thể không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào cho đến khi mạch máu dị dạng bị vỡ dẫn đến xuất huyết não. Nhưng một số người bị dị dạng mạch máu não có thể gặp các dấu hiệu và triệu chứng khác ngoài chảy máu bao gồm: động kinh, nhức đầu hoặc đau ở một vùng đầu, yếu cơ hoặc tê ở một bộ phận của cơ thể. Dị dạng mạch não thường được tình cờ phát hiện sau khi quét não cho người bệnh đi khám sức khỏe vì vấn đề sức khỏe khác hoặc sau khi vỡ mạch máu và gây chảy máu trong não.

4. Dị dạng mạch não thường gặp ở lứa tuổi nào?

Nguyên nhân của dị dạng mạch máu não thường không rõ ràng và hiện nay vẫn chưa xác định được rõ. Hầu hết người bệnh mắc bẩm sinh nhưng đôi khi có thể hình thành trong cuộc sống sau này.

Theo dịch tễ học, có 3-5% dân số bị dị dạng mạch máu não, đây là một tỷ lệ không nhỏ. Nhưng hầu hết phình động mạch não không vỡ, không có triệu chứng hay dấu hiệu bệnh rõ ràng. Chính vì vậy nhiều người thường không biết hoặc bỏ qua, gây hậu quả nguy hiểm có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong.

Các triệu chứng có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi nhưng thường xuất hiện ở độ tuổi từ 10-40 tuổi. Tuy nhiên, khi đến tuổi trung niên, dị dạng mạch máu não có xu hướng duy trì ổn định và ít gây ra các triệu chứng. Một số bệnh nhân được phát hiện bệnh khá muộn (60-70 tuổi).

Đau đầu ở người trẻ có thể là một dấu hiệu cảnh báo dị dạng mạch não.

Đau đầu ở người trẻ có thể là một dấu hiệu cảnh báo dị dạng mạch não.

5. Dị dạng mạch não có chữa khỏi được không?

Trước đây dị dạng mạch não được coi là căn bệnh nan y. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y học, các chuyên gia y khoa đã tìm ra cách giúp điều trị các trường hợp dị dạng mạch máu an toàn và ít biến chứng hơn. Sau khi được chẩn đoán, dị dạng mạch não thường có thể được điều trị thành công. Dị dạng mạch não có thể điều trị được với mục tiêu loại bỏ khối dị dạng ra khỏi tuần hoàn não để ngăn ngừa các biến chứng như tổn thương não hoặc đột quỵ.

6. Chăm sóc bệnh nhân dị dạng mạch não tại nhà

Gia đình bệnh nhân nên tham khảo phương pháp điều trị và chăm sóc bệnh nhân dị dạng mạch máu não kết hợp với sự theo dõi của bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu.

- Xoa bóp chân tay, cơ của bệnh nhân thường xuyên để hạn chế tối đa tình trạng đau nhức, phục hồi chức năng vận động. Tham gia các bài tập phục hồi chức năng vận động và nhận thức, hỗ trợ bệnh nhân thực hiện các động tác vận động cơ bản, duỗi chân tay 2 lần/ngày.

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đảm bảo cơ thể luôn khô ráo trước khi nằm.

- Đưa bệnh nhân đến tái khám đúng hẹn để tham gia các bài tập vật lý trị liệu, giúp phục hồi nhanh chóng.

7. Chi phí điều trị dị dạng mạch não

Chi phí điều trị dị dạng mạch máu não rất khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Có nhiều phương pháp điều trị dị dạng mạch máu não như phẫu thuật, điều trị nội mạch, xạ phẫu. Mỗi phương pháp có chi phí khác nhau tùy thuộc vào độ phức tạp của dị dạng, vị trí, kích thước và cấu trúc của dị dạng sẽ ảnh hưởng đến độ khó của ca phẫu thuật và thời gian điều trị, từ đó ảnh hưởng đến chi phí.

Để có được thông tin chính xác về chi phí điều trị, người bệnh dị dạng mạch não nên liên hệ trực tiếp với các bệnh viện có chuyên khoa về thần kinh. Các bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể về tình trạng bệnh và đưa ra phương án điều trị thích hợp cùng với ước tính chi phí hợp lý.

Thiên Châu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cau-hoi-thuong-gap-lien-quan-den-di-dang-mach-nao-16924101223292432.htm
Zalo