Các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở

Nghị quyết số 28/2024/NQ-HĐND, ngày 09/12/2024 của HĐND tỉnh quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở thuộc phạm vi cấp tỉnh nêu rõ: kiên quyết xử lý những hành vi lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động và quyền làm chủ của Nhân dân, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị (Nghị quyết số 28).

Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa X xem xét, nhất trí thông qua Nghị quyết số 28 quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở thuộc phạm vi cấp tỉnh.

Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa X xem xét, nhất trí thông qua Nghị quyết số 28 quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở thuộc phạm vi cấp tỉnh.

Việc ban hành nghị quyết quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở thuộc phạm vi cấp tỉnh nhằm đảm bảo phù hợp, thống nhất các nguyên tắc thực hiện, biện pháp bảo đảm thực hiện và các quy định thực hiện dân chủ theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; đồng thời phù hợp với đặc điểm, tình hình và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cùng với đó, các quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở thuộc phạm vi cấp tỉnh được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Nâng cao ý thức, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị, tổ chức, CBCCVC và người lao động trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, kịp thời ngăn chặn và chống các hành vi quan liêu, phiền hà, sách nhiễu tổ chức, doanh nghiệp và người dân, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nghị quyết số 28 của HĐND tỉnh quy định 05 biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, gồm: Thứ nhất, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thứ hai, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thứ ba, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, vai trò nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên, CBCCVC, người lao động trong việc thực hiện dân chủ và bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, lấy mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở của cơ quan, đơn vị, tổ chức là một trong những căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ. Thứ tư, hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - kỹ thuật, trang bị phương tiện kỹ thuật và bảo đảm các điều kiện cần thiết khác cho việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số. Thứ năm, kịp thời biểu dương, khen thưởng các gương điển hình, có nhiều thành tích trong việc phát huy và tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Nghị quyết nêu rõ, bên cạnh việc quan tâm, tạo điều kiện, cử CBCCVC, người lao động tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ CBCCVC, người lao động vững về chuyên môn, nghiệp vụ, có tư duy triển khai thực hiện pháp luật, có kỹ năng thu thập và xử lý thông tin nhanh nhạy, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước trong thực hiện dân chủ cơ sở… CBCCVC, người lao động chủ động nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ trên nền tảng năng lực, trình độ và phẩm chất cần thiết để hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đổi mới phương thức quản lý và thường xuyên kiểm tra chất lượng CBCCVC thực hiện pháp luật.

Thường xuyên tuyên truyền, quán triệt các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác hiệu quả tiện ích của chính quyền số trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử thành phần của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoặc trên các thiết bị di động, tuyên truyền qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, trong đó, có Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh trong việc cung cấp thông tin, tham gia góp ý vào các dự thảo văn bản có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân trước khi triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật. Phát huy vai trò của UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện dân chủ ở sở theo quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả và chất lượng giám sát, phản biện xã hội của UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và của cộng đồng dân cư trong việc thực hiện pháp luật và thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Duy trì thực hiện hiệu quả các hình thức dân chủ trực tiếp để đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Mở rộng mô hình người dân trực tiếp đánh giá sự hài lòng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân. Nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong công tác vận động Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

Thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân. Quy định về việc cấp ủy, lãnh đạo MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tham dự sinh hoạt định kỳ và ngày sinh hoạt định kỳ ở các loại hình chi bộ, chi, tổ hội, phân hội. Định kỳ hàng quý, tháng, bí thư cấp ủy cấp trên giao ban đối thoại, làm việc với bí thư cấp ủy cấp dưới, đại diện chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Tăng cường đối thoại, trao đổi thông tin 02 chiều trong hệ thống chính trị với người dân, doanh nghiệp, quan tâm giải quyết hiệu quả đơn, thư, khiếu nại, tố cáo của công dân từ cơ sở, hướng dẫn công dân chấp hành tốt các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Nâng cao chất lượng hoạt động và phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Lựa chọn, bố trí những người có phẩm chất, năng lực, được tín nhiệm làm công tác thanh tra nhân dân. Hàng năm, xây dựng kế hoạch hoạt động; tổ chức hoạt động kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật; phát huy vai trò, trách nhiệm đại diện cho công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong thực hiện kiểm tra, giám sát tại cơ sở.

Tập trung chỉ đạo, cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Thực hiện công khai các hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động bằng nhiều hình thức khác nhau theo đúng quy định (trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước). Tổ chức hội nghị CBCCVC, người lao động hàng năm theo đúng quy định, định kỳ 06 tháng 01 lần tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết hội nghị.

Bố trí trang thiết bị đầy đủ, hiện đại, có kết nối mạng internet để phục vụ CBCCVC, người lao động bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trong việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quan tâm, tạo điều kiện, cử CBCCVC, người lao động tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao trình độ, khả năng tiếp cận, khai thác, sử dụng công nghệ thông tin về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, điều hành hoạt động của các cơ quan hành chính. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi cấp tỉnh. Thực hiện công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính của công dân, tổ chức theo quy định của pháp luật. Tăng cường mở rộng áp dụng các tiện ích hỗ trợ người dân trong việc thực hiện các dịch vụ công, đưa vào sử dụng các ứng dụng thông minh hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Hàng năm, cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng các mô hình điển hình về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo từng loại hình gắn với tiêu chuẩn công nhận các mô hình điển hình thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng cấp tỉnh tích cực, chủ động phối hợp với cơ quan tuyên giáo, thông tin và truyền thông, báo chí làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của các phong trào thi đua và tuyên truyền gương điển hình tiên tiến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phát hiện kịp thời biểu dương, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

UBND tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở hàng năm theo thẩm quyền, các cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện công tác tự kiểm tra thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là các cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến người dân, những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, việc thực hiện công khai, minh bạch các nội dung theo quy định của pháp luật, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Kiên quyết xử lý những hành vi lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của CBCCVC, người lao động và quyền làm chủ của Nhân dân, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Xử lý kịp thời những hành vi vi phạm quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở, điều chuyển, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều dư luận xấu, uy tín giảm sút, có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bài, ảnh: KIM LOAN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chinh-quyen/cac-bien-phap-bao-dam-thuc-hien-dan-chu-o-co-so-43705.html
Zalo