Các bác sĩ tương lai được học và đào tạo như thế nào?

Từ những môn học đại cương, các môn chuyên ngành đến thực hành 2-3 năm liền ở bệnh viện… là câu chuyện đào tạo đối với các ngành đào tạo bác sĩ trong trường đại học.

Cũng học các môn đại cương đến chuyên ngành

Không chỉ điểm thi đầu vào luôn ở top đầu trong tất cả các ngành đào tạo đại học. Các bác sĩ tương lai còn có thời gian học kéo dài 5-6 năm, so với mức đào tạo 4 năm của hầu hết các ngành khác ở bậc đại học. Vậy trong 6 năm đào tạo, các bác sĩ tương lai được học những gì?

Chia sẻ chi tiết về quá trình đào tạo, PGS.TS.BS. Phạm Anh Vũ Thụy, Trưởng phòng Đào tạo Đại học, Sau đại học của Khoa Y (thuộc Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết đây là khối ngành đặc biệt. Chương trình đào tạo ngoài lý thuyết thì phần thực hành rất quan trọng, thời gian thực hành của sinh viên ở các bệnh viện nhiều hơn học ở trường.

Ở Khoa Y, các ngành đào tạo bác sĩ gồm Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền.

Sinh viên Khoa Y trong một giờ học thực hành kỹ năng y khoa

Sinh viên Khoa Y trong một giờ học thực hành kỹ năng y khoa

Trong đó, Y khoa là ngành học đào tạo lâu nhất với 6 năm đại học. Trong đó, ở 2 năm đầu tiên sinh viên sẽ được học các môn đại cương chung của chương trình đại học như Triết học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng…

Ngoài ra, các em cũng bắt đầu làm quen với ngành học của mình với một số môn cơ sở ngành như sinh hóa, sơ cấp cứu…

Đặc biệt, với sinh viên của ngành Y khoa, ngành Y học cổ truyền ngay từ năm đầu tiên sinh viên đã được trải nghiệm module Cuộc sống bệnh viện. Đây là chương trình học đặc biệt, giúp sinh viên có thời gian trải nghiệm thực tế ở bệnh viện, các em sẽ quan sát và hiểu rõ hơn môi trường làm việc thực tế.

"Đây cũng là cách để các em vừa sớm được tiếp cận bệnh viện, vừa có thể định hướng bản thân khi chọn theo học các ngành này", PGS.TS.BS. Phạm Anh Vũ Thụy nhấn mạnh.

Còn với ngành Răng - Hàm - Mặt, sinh viên cũng theo học chương trình tương tự ở năm 1 và năm 2. Các em được tiếp cận với module răng, hàm, mặt… ở bệnh viện.

Từ năm 3, sinh viên bắt đầu học thực hành ở các phòng kỹ năng và có 1-2 tuần thực hành thực tế ở bệnh viện.

Sinh viên Khoa Y trong giờ học giải phẫu tại Khu thực hành giải phẫu của Khoa Y (Đại học Quốc gia TPHCM)

Sinh viên Khoa Y trong giờ học giải phẫu tại Khu thực hành giải phẫu của Khoa Y (Đại học Quốc gia TPHCM)

Thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở trường

Với chương trình 6 năm đại học, thì 3 năm cuối, hầu hết thời gian của sinh viên y khoa được học và đào tạo trực tiếp tại các bệnh viện. Gọi là chương trình đào tạo thực hành. Riêng học kỳ 2, năm cuối sinh viên vất vả hơn khi vừa học vừa ôn tập thi tốt nghiệp.

Cụ thể, trong thời gian học lâm sàng sinh viên được học song song cả lý thuyết và thực hành. Tùy theo module của từng người dạy, có thể các em sẽ được học lý thuyết ngay trong thời gian đi thăm giường bệnh của bác sĩ đứng lớp, hoặc học qua việc trình bệnh án.

Trong năm học thứ 4 và 5, sinh viên bắt đầu chia môn chính, các em sẽ được học tất cả các chuyên khoa như: khoa nội, ngoại, sản, nhi, nhiễm… Đây là chương trình học bắt buộc đối với sinh viên y khoa, sau khi tốt nghiệp sẽ là bác sĩ y đa khoa. Tùy theo lựa chọn của các bác sĩ, sau khi hoàn thành chương trình đại học họ có thể về làm việc tại các bệnh viện hoặc học tiếp lên thạc sĩ; học lên bác sĩ chuyên khoa.

Cũng theo PGS.TS.BS. Phạm Anh Vũ Thụy, sinh viên ngành y hiện được thực hành tại nhiều bệnh viện đầu ngành tại TP.HCM như: Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện 115, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng…

Tương tự, ở các ngành học khác sinh viên cũng được học theo chương trình tương tự, chỉ khác nhau về đặc thù chuyên ngành.

Chia sẻ ở góc độ là người học, theo Trần Tuấn Anh, sinh viên ngành Y khoa (Trường Đại học Y dược TP.HCM) nhận định "học y rất vất vả".

Chương trình học song song giữa lý thuyết và thực hành với khối lượng kiến thức lớn, thi kết thúc môn liên tục là câu chuyện chung của tất cả sinh viên ngành y. "Ăn ở trường, ngủ ở bệnh viện" là câu cửa miệng được rất nhiều sinh viên nói với nhau khi hầu hết thời gian của sinh viên đều ở trường, bệnh viện hoặc thư viện.

Thường hàng ngày ngoài giờ học lý thuyết trên lớp ở năm nhất, năm 2, bắt đầu từ năm 3 sinh viên đã bắt đầu học thực hành ở các bệnh viện từ học lý thuyết, học lâm sàng, học thực hành, trực bệnh viện…

Mỗi tuần sinh viên sẽ có 2-3 buổi trực ở bệnh viện, tùy theo chương trình. Ca trực thường có 4-6 sinh viên và kéo dài nhiều giờ liền, có những ca trực xuyên đêm nên việc sinh viên trường y "ăn ngủ" ở bệnh viện là chuyện thường tình.

"Nói chung chương trình học nặng, thời gian thực hành đi bệnh viện nhiều, thi liên tục… nên đã vào học ở ngành Y khoa, hay các ngành liên quan khối ngành sức khỏe thì bọn em đã xác định trước", Tuấn Anh chia sẻ.

Dù vậy, Tuấn Anh cũng cho biết học những ngành này cũng có nhiều điểm thú vị. Ngoài những kiến thức chuyên môn, sinh viên được học trực tiếp với các giảng viên, bác sĩ đầu ngành luôn là niềm tự hào của các em.

Nguyễn Loan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-bac-si-tuong-lai-duoc-hoc-va-dao-tao-nhu-the-nao-169230710073932467.htm
Zalo