Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng kiện đòi 15 triệu USD của bạn thân bên Mỹ: 'Vụ kiện hay về pháp lý'

Theo Luật sư, đây là một vụ kiện hay về pháp lý, mở ra về quyền khởi kiện của khách hàng khi sử dụng sản phẩm mà không được hướng dẫn kỹ hoặc chú ý về sản phẩm. Câu chuyện ở đây là Đàm Vĩnh Hưng cho rằng chủ nhà không cảnh báo nguy hiểm của bồn phun nước khiến anh nhảy lên và gặp tai nạn.

Mới đây, dư luận xôn xao vụ việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng (tên thật Huỳnh Minh Hưng) khởi kiện gia đình ông Gerard Williams - chồng ca sĩ hải ngoại Bích Tuyền, đang sống tại Mỹ. Đáng chú ý, Mr Đàm và gia đình ông Gerard là từng là bạn thân thiết.

Vụ việc xảy ra hồi tháng 2/2024, thời điểm đó Đàm Vĩnh Hưng được gia đình ông Gerard mời đến nhà tại Mỹ dự tiệc nhân dịp Tết Giáp Thìn. Trong quá trình biểu diễn tại buổi tiệc, nam ca sĩ nhảy lên bồn phun nước nên bị té, dẫn đến bị thương. Sau đó giọng ca “Say tình” được gia đình bạn thân đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Vụ kiện của Đàm Vĩnh Hưng với gia đình bạn thân đang gây sự chú ý với dư luận.

Vụ kiện của Đàm Vĩnh Hưng với gia đình bạn thân đang gây sự chú ý với dư luận.

Sau 9 tháng từ tai nạn này, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng làm đơn khởi kiện, yêu cầu gia đình ông Gerard bồi thường thiệt hại 15 triệu USD. Theo đơn kiện được phía Đàm Vĩnh Hưng gửi lên tòa, ông Gerard đã sử dụng một đài phun nước bằng bê tông sai mục đích, đó là làm sân khấu và bàn để các loại đồ uống trong bữa tiệc. Điều này khiến bồn phun nước bị đổ, rơi trúng nam ca sĩ, hậu quả khiến Mr Đàm phải cắt bỏ 1 ngón chân. Hiện vụ kiện đã được Tòa án thụ lý và sẽ đưa ra giải quyết vào năm 2025.

Liên quan đến vụ việc này, dư luận cho rằng vụ kiện này là hết sức vô lý và khả năng Mr Đàm thắng kiện rất thấp.

Đây là vụ kiện bồi thường ngoài hợp đồng?

Tuy nhiên, dưới góc nhìn chuyên gia pháp lý, Luật sư Trần Minh Hùng – Trưởng phòng Luật sư Gia đình (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại có góc nhìn khách quan hơn về vụ kiện này.

Luật sư Hùng cho biết, trên thế giới, những vụ kiện tương tự về quan hệ pháp luật giống trường hợp của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng không phải ít. Hầu hết nguyên nhân xuất phát từ chủ các sản phẩm, chủ sở hữu, nhãn hiệu, các công ty sản xuất… không ghi chú cảnh báo, ghi chú khi sử dụng sản phẩm cụ thể, dẫn gây thiệt hại về sức khỏe, tinh thần… cho người sử dụng, người tiêu dùng.

Luật sư Trần Minh Hùng – Trưởng phòng Luật sư Gia đình (Đoàn Luật sư TP.HCM).

Luật sư Trần Minh Hùng – Trưởng phòng Luật sư Gia đình (Đoàn Luật sư TP.HCM).

Theo Bộ luật Dân sự thì đây quan hệ bồi thường ngoài Hợp đồng! Nhiều vụ như xe hơi không ghi chú bị kiện đó là trường hợp một hãng xe hơi bị kiện vì hệ thống khởi động không dùng chìa khóa. Hãng ô tô Toyota trước đây cũng dính đến vụ kiện làm chết người do ngộ độc carbon monoxide sau khi một người phụ nữ vô tình để lại chiếc Lexus vẫn nổ máy”, Luật sư Hùng chia sẻ.

Cũng theo Luật sư, ngoài ra, đầu năm 2015, hãng xe GM triệu hồi 64.186 chiếc Chevrolet Volt sản xuất từ 2011-2013 vì chủ xe không tắt máy làm hai người bị thương. Sau đó, GM ra bản phần mềm mới cập nhật giới hạn thời gian tắt máy khi xe chạy không tải.

Tương tự, vụ kiện 2,9 triệu USD từ cốc cà phê nóng. Hay vụ gia đình gã trộm đòi chủ nhà bồi thường 660.000 nhân dân tệ (2,3 tỷ đồng) vì khi tên trộm vào nhà bị chó của chủ nhà này cắn chết tại Trung Quốc.

Vụ án Australia thắng kiện tại WTO về Luật đưa ảnh trên vỏ bao thuốc lá và rất nhiều vụ kiện tương tự khác trên thế giới khi không ghi chú chi tiết cụ thể khi sử dụng sản phẩm.

“Một vụ kiện hay về pháp lý”

Luật sư Hùng cho rằng, đối với vụ kiện của Mr Đàm, có thể luật sư của nam ca sĩ cho rằng chủ nhà không hướng dẫn cảnh báo, không ghi chú, khi anh ta chuẩn bị leo lên nhưng không cản. Ở một số nước, khi khách bị thiệt hại gì thì chủ nhà cũng phải liên lụy trong vấn đề bồi thường.

Tôi nghĩ đây là lý do chính Mr Đàm khởi kiện và có lẽ luật sư tư vấn kiện là luật sư hành nghề tại Mỹ, có thể không phải luật sư hành nghề tại Việt Nam. Vì tại Việt Nam, các vụ kiện tương tự như vậy không nhiều và cũng ít người đi kiện như vậy”, Luật sư Hùng cho hay.

Tuy nhiên, việc bồi thường còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như pháp luật, chủ thể,... như đơn vị bảo hiểm bồi thường hoặc đơn vị tổ chức sự kiện bị kiện trong vụ việc.

Cá nhân tôi thấy đây là 1 vụ kiện hay về pháp lý, mở ra cho quyền khởi kiện, quyền lợi của khách hàng khi sử dụng sản phẩm mà không được hướng dẫn kỹ hoặc chú ý về sản phẩm,… gây tổn thất sức khỏe, tinh thần, tính mạng cho người tiêu dùng”, Luật sư Hùng phân tích và cho biết đây có thể luật Mỹ sẽ áp dụng Án lệ trong trường hợp này.

Theo vị Luật sư, Án lệ là một hình thức của pháp luật. Theo đó Nhà nước thừa nhận những bản án và quyết định giải quyết vụ việc của Tòa án làm khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc hoặc trường hợp có tình tiết hay vấn đề tương tự sau đó.

Ngoài ra, Tiền lệ pháp còn là quá trình làm luật của Tòa án trong việc công nhận và áp dụng các nguyên tắc mới. Đây là một hình thức pháp luật chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật Anh–Mỹ. Do vậy, những vụ kiện này thường xảy ở các nước theo hình thức pháp luật Anh–Mỹ.

Tôi không biết kết quả vụ kiện thế nào nhưng dưới góc nhìn người hành nghề liên quan đến luật pháp, tôi ủng hộ những vụ kiện tương tự như trên”, Luật sư Hùng chia sẻ thêm.

Tứ Quý

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/giai-tri/ca-si-dam-vinh-hung-kien-doi-15-trieu-usd-cua-ban-than-ben-my-vu-kien-hay-ve-phap-ly-c3a86863.html
Zalo