Đưa tin sai sự thật về sáp nhập tỉnh, thành bị xử lý thế nào?

Theo luật sư, căn cứ vào tính chất, mức độ và hậu quả của việc thông tin sai sự thật về sáp nhập tỉnh, thành, các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan.

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về phương án cụ thể sáp nhập các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành. Thông tin này đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Trả lời báo chí, ông Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Nội vụ khẳng định các thông tin, hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội về sắp xếp, sáp nhập tỉnh, thành ở Việt Nam là không đúng.

Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: MXH

Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: MXH

Nhìn nhận ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là hành vi tạo dựng, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, là hành vi bị nghiêm cấm (điểm d, khoản 1, Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018) và hành vi này phải bị xử lý nghiêm minh.

Căn cứ vào tính chất, mức độ và hậu quả của việc đưa ra thông tin không đúng sự thật khách quan, tin giả, các đối tượng tung tin có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan.

Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 15/2020 (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 14/2022), hành vi đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội có thể bị xử phạt theo Điều 101 Nghị định 15/2020 (được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022).

Theo đó, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân…

Ngoài ra, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm còn phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Mức phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân bằng 1/2 lần mức xử phạt của tổ chức.

Về chế tài xử lý hình sự, theo luật sư Nguyễn Văn Nam, tùy theo khách thể (đối tượng bị tác động), hành vi tung tin sai sự thật trên mạng xã hội có thể bị xử lý về một trong các tội danh như: Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 117 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Vu khống theo Điều 156 Bộ luật hình sự 2015; Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo khoản 1, Điều 288 Bộ luật hình sự 2015...

Bên cạnh đó, trường hợp gây thiệt hại về danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm phải có trách nhiệm, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Phúc Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dua-tin-sai-su-that-ve-sap-nhap-tinh-thanh-bi-xu-ly-the-nao-169241128165018272.htm
Zalo