Ca sĩ Cẩm Ly: 30 năm tự tình với quê hương

Nổi lên từ những ca khúc nhạc trẻ khi song ca cùng ca sĩ Đan Trường, Cẩm Ly dần chuyển hướng và làm nên dấu ấn với dòng nhạc dân ca, trữ tình quê hương. 30 năm qua, dẫu cuộc sống lúc thăng lúc trầm, giọng ca ấy vẫn ngân nga câu hò điệu lý, ngọt ngào và bình dị như chính cái tên 'chị Tư' mà người hâm mộ mến gọi.

Liveshow "Tự tình quê hương 6" đã khép lại vào đầu tháng 8 tại Nhà hát Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh. Từ năm 2009, chuỗi liveshow "Tự tình quê hương" đã trở thành thương hiệu gắn liền với hành trình âm nhạc của Cẩm Ly. Cứ vài ba năm, liveshow lại được tổ chức một lần. Nhưng kể từ khi "Tự tình quê hương 5" khép lại vào năm 2015, phải chờ đến 9 năm sau, Cẩm Ly mới có cơ hội tái ngộ khán giả với "Tự tình quê hương 6".

Ngoài lý do dịch bệnh, điều kiện kinh tế thì thông tin nữ ca sĩ mắc bệnh viêm đa xoang khiến người hâm mộ lo lắng. Nhiều năm qua, căn bệnh quái ác khiến Cẩm Ly mất giọng. Rời ánh đèn màu, chị nhớ sân khấu, nhớ khán giả biết chừng nào. Có lúc đứng giữa phòng thu, chị Tư bật khóc vì không thể cất tiếng. Năm nay, thấy sức khỏe hồi phục, lại đúng dịp kỷ niệm 30 năm sự nghiệp ca hát, chị Tư biết mình không thể chần chừ được nữa.

Cẩm Ly trình diễn một ca khúc về miền Tây. (Ảnh: Lý Võ Phú Hưng)

Cẩm Ly trình diễn một ca khúc về miền Tây. (Ảnh: Lý Võ Phú Hưng)

Lên sân khấu, đóa hoa ly như được tưới tắm cơn mưa mùa hạ, nở bừng khoe sắc, khoe hương. Cũng như đặc trưng của chuỗi liveshow trước, bộ ba dòng nhạc làm nên tên tuổi Cẩm Ly như nhạc trẻ, dân ca và trữ tình quê hương ca ngợi văn hóa vùng miền được dịp trưng trổ. Những ca khúc nhạc trẻ mà Cẩm Ly từng "làm mưa làm gió" một thời như "Người về cuối phố", "Tình lẻ bóng", "Tuổi mộng xứ đông"… được phối lại hoàn toàn mới mẻ. Nổi bật vẫn là giai điệu ngọt ngào, sâu lắng của khúc dân ca trữ tình như "Thím hai lúa", "Ngoại ơi con về", "Vọng cổ buồn", "Về miền Tây", "Lý cây bông"…

Dư âm mà "Tự tình quê hương 6" để lại cho khán giả chính là tinh thần tự hào dân tộc, yêu mến đất nước ngàn năm. Để làm được điều này, Cẩm Ly và ông xã - nhạc sĩ Minh Vy đã dàn dựng công phu nhạc cảnh "Oai hùng trời Nam" với hình tượng nữ tướng đứng lên chống giặc ngoại xâm hay nhạc cảnh "Biệt khúc" kể về mối tình bi kịch Mỵ Châu - Trọng Thủy. Bệnh viêm đa xoang đã dứt nhưng chị Tư thừa nhận căn bệnh khiến chất giọng của chị không còn trong trẻo như xưa. Thay vào đó, giọng hát trầm lắng hơn. Sự thay đổi ấy có hề gì khi những ca khúc chị thể hiện vẫn lay động tâm can người nghe.

Gửi gắm nhiều tác phẩm chứa đựng hồn dân tộc trong liveshow, Cẩm Ly tâm sự: "Suốt nhiều năm qua dù đi đâu, làm gì, âm nhạc quê hương vẫn luôn thấm đẫm trong lòng tôi". Đi lên từ nhạc trẻ, nhưng dòng nhạc chị thích nhất vẫn là âm nhạc mang âm hưởng dân ca. Cẩm Ly bảo chị tuy là người con đất võ Bình Định, chẳng được sinh ra từ vùng sông nước Cửu Long, nhưng tâm hồn nhanh chóng phải lòng câu hò, điệu lý xứ chín rồng. Chị hát như thể mình lớn lên từ hạt cát phù sa, bồi cho tâm hồn khách lạ đơm trái, trổ bông.

Tròn 20 năm về chung nhà, nhạc sĩ Minh Vy là chỗ dựa vững chắc của vợ trong sự nghiệp ca hát. Hầu hết ca khúc nhạc trẻ hay mang âm hưởng quê hương mà Cẩm Ly thể hiện đều do ông xã viết. Có thể kể đến "Chim trắng mồ côi", "Áng mây buồn", "Bìm bịp kêu chiều", "Cà phê miệt vườn", "Mưa rơi cuối tuần", "Phút biệt ly", "Nỗi buồn mẹ tôi", "Vọng cổ buồn", "Sao anh ra đi"… Ngoài sáng tác ca khúc cho vợ hát, nhạc sĩ Minh Vy cũng kiêm luôn vai trò đạo diễn, dàn dựng chuỗi liveshow "Tự tình quê hương" của bạn đời.

Thành công ở cả mảng nhạc trẻ, nhạc dân ca, trữ tình nên phân khúc khán giả của Cẩm Ly khá rộng, chinh phục khán giả mọi lứa tuổi. Nhưng chị thú thật, hai con của mình chỉ mới thích nghe nhạc của mẹ vài năm nay. Hai bé từ nhỏ chỉ thích nhạc K-pop. Nhưng càng lớn, âm nhạc của ba mẹ ngấm dần, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước khiến hai bé trở thành fan ruột của ba mẹ lúc nào không hay.

Làm nghề nhiều năm, gặt hái nhiều giải thưởng danh giá lẫn sự ưu ái của khán giả, nhưng Cẩm Ly không bao giờ ỷ lại mà luôn cố gắng làm mới mình. Tính chị hay lo. Lần trở lại này sau khoảng thời gian gián đoạn quá dài, chị sợ đủ thứ. Sợ khán giả quên mình, sợ mình đã lỗi thời. Vậy nên để chuẩn bị cho chương trình, chị và ông xã Minh Vy mất một thời gian dài cập nhật những thay đổi của xu hướng âm nhạc, thị hiếu khán giả, tham khảo cách xây dựng chương trình, ứng dụng công nghệ vào dàn dựng sân khấu…

Về mặt âm nhạc, để khán giả thấy được một Cẩm Ly tươi trẻ, ngoài ca khúc cũ được hòa âm mới mẻ thì hơn một nửa nhạc phẩm trong chương trình là sáng tác mới ra lò. "Giọng hát, phong cách của tôi không thay đổi. Tôi vẫn là tôi với con người đó, tính cách đó, dòng nhạc đó. Mình chỉ cố gắng dung hòa vài điểm để hòa hợp với khán giả hiện tại"- chị nói.

Sự tái ngộ của Cẩm Ly và Đan Trường trong "Biệt khúc" hay ca khúc "Hoa ly ly" mới đây khiến khán giả bồi hồi trở lại hồi ức thanh xuân. Đầu những năm 2000, cặp đôi Đan Trường - Cẩm Ly khuấy đảo làng nhạc với hàng loạt bản hit như "Tuyết hồng", "Ảo vọng tình yêu", "Khung trời ngày xưa", "Nếu phôi pha ngày mai", "Mưa buồn"… Sau này, khi Cẩm Ly chuyển sang mảng dân ca, trữ tình, Đan Trường cũng dấn bước và thành công không kém đồng nghiệp.

"Chim trắng mồ côi", "Đau xót lý con cua"… do bộ đôi thể hiện tiếp tục phủ sóng thị trường băng đĩa. Họ kết hợp ăn ý đến mức người hâm mộ tôn vinh là cặp đôi vàng của làng nhạc Việt. Cẩm Ly từng tâm sự: "Tôi và Trường rất hiểu nhau. Hai đứa ăn ý về mọi thứ, từ giọng hát, hình thể, chiều cao cho tới tính cách. Chúng tôi không bao giờ cãi cọ. Trường rất hiền và lành tính. Thường khi thảo luận về hát hò, Trường hay chiều ý tôi. Dù giờ không thường xuyên hát chung nữa nhưng hễ hai đứa gặp nhau là người hâm mộ lại dậy sóng".

Ca sĩ Cẩm Ly trong nhạc cảnh "Oai hùng trời Nam". (Ảnh: Lý Võ Phú Hưng)

Ca sĩ Cẩm Ly trong nhạc cảnh "Oai hùng trời Nam". (Ảnh: Lý Võ Phú Hưng)

Trong ba chị em, nếu Hà Phương, Minh Tuyết tỏ ra hoạt bát, mạnh dạn thì chị Tư luôn bị trêu là nhút nhát nhất nhà. Có khiếu ca hát nhưng vì tính cách "thỏ đế" nên Cẩm Ly chần chừ mãi không dám đi biểu diễn. Cứ tưởng tượng đến biển khán giả ngồi phía dưới là cô run như cầy sấy. Phải chờ đến khi cùng cô em Minh Tuyết đoạt giải nhất trong cuộc thi tuyển chọn ca sĩ của Nhà hát Hòa Bình, Cẩm Ly mới chính thức bước vào nghề. Nhưng cô chị đi hát thì cứ phải có cô em kè kè bên cạnh, làm thành cặp song ca Cẩm Ly - Minh Tuyết. Năm 1997, Minh Tuyết đi Mỹ, Cẩm Ly buộc phải "tự bơi" dù bệnh "nhát khán giả" vẫn chưa hết.

Nhớ hồi Cẩm Ly nhận lời ngồi ghế nóng gameshow "Giọng hát Việt nhí" 2014, người hâm mộ không khỏi lo lắng. Có khán giả hết sức can ngăn vì sợ Cẩm Ly quá hiền, không thích hợp với kiểu giành giật, chặt chém của chương trình truyền hình thực tế. Chương trình diễn ra rồi mới thấy người hâm mộ lo xa. Có lẽ chính nhờ sự hiền lành, chân thành mà Cẩm Ly miễn nhiễm với mọi đàm tiếu, thị phi.

Chị chia sẻ: "Tôi là tuýp người của gia đình, hướng nội nên rất ngại scandal. Vì vậy tôi ít xuất hiện trên báo để chia sẻ thông tin về đời sống cá nhân. Đôi khi mình lặng lẽ quá thì dễ bị công chúng quên lãng nhưng đó là bản chất con người tôi, biết làm sao được. Thôi thì được cái này thì mất cái khác. Tôi vẫn chạy show nhưng ít hơn và chỉ ở thành phố chứ không đi tỉnh để dành thời gian cho gia đình. Vài năm, tôi vẫn cố gắng ra sản phẩm mới hay tổ chức liveshow để giữ lửa nghề và tri ân khán giả".

Bây giờ, so với lứa ca sĩ "Làn sóng xanh" cùng thời, cô bé nhút nhát, rụt rè ngày nào đã có một sự nghiệp viên mãn, một gia đình ấm êm mà nhiều người mơ ước. Tất cả những gì chị gặt hái được đến từ tấm lòng thuần khiết rất đỗi dịu dàng và giản dị như chính câu dân ca chị hát.

Phan Thi Uyên

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/ca-si-cam-ly-30-nam-tu-tinh-voi-que-huong-i740684/
Zalo