Cà Mau: Siết chặt an toàn đường thủy tại lễ hội Nghinh Ông năm 2025

Chi cục đường thủy nội địa khu vực III vừa có đề nghị về việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tại lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc.

Ngày 21/2, theo thông tin từ Chi cục Đường thủy nội địa khu vực III, đơn vị này vừa có đề nghị UBND huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa tại lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc.

Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên đường bộ và đường thủy tại lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc được đặc biệt quan tâm.

Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên đường bộ và đường thủy tại lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc được đặc biệt quan tâm.

Siết chặt giao thông thủy

Lễ hội được diễn ra vào ngày 14/3 (nhằm ngày 15/2 âm lịch) tại khu vực cửa sông Ông Đốc (thị trấn Sông Đốc).

Để đảm bảo ATGT đường thủy nội địa, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực III đề nghị UBND huyện Trần Văn Thời và Ban tổ chức lễ hội Nghinh Ông xây dựng phương án đảm bảo ATGT đường thủy nội địa.

Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa cho nhân dân trên địa bàn nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về ATGT đường thủy.

"Kiên quyết không để phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn theo quy định, phải là phương tiện chở khách; phải có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa còn hiệu lực; thuyền viên, người lái phương tiện phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn.

Ngoài ra, trên phương tiện phải được trang bị đầy đủ trang thiết bị dụng cụ cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy, dụng cụ neo đậu, dụng cụ liên kết phương tiện theo quy định; thuyền viên, người lái phải phát phao áo, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân cho hành khách, không chở quá số người quy định trước khi phương tiện rời bến", văn bản nêu.

Nhất là việc siết chặt kiểm tra điều kiện an toàn tại các bến xuất phát, sắp xếp số lượng người trên phương tiện tham gia lễ hội, kiểm soát tốc độ của phương tiện tham gia lễ hội, bảo đảm an ninh, an toàn tại nơi diễn ra lễ hội.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau cho biết, Ban sẽ phối hợp với Phòng An toàn đường thủy số 4, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV, Công ty CP quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 14 và địa phương kiểm tra, đề nghị các chủ phương tiện tàu tham gia lễ hội, không chen lấn, xô đẩy trên tàu.

"Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện nay, cầu bắc qua sông Ông Đốc đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng, dự báo năm nay lễ hội sẽ thu hút rất đông du khách từ các địa phương khác đến tham dự lễ hội, nên công tác đảm bảo trật tự ATGT trên đường bộ, đường thủy nội địa cần đặc biệt quan tâm, chuẩn bị chu đáo đảm bảo an toàn.

Do đó, chúng tôi khuyến cáo người dân và du khách đến với lễ hội phải tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của Ban tổ chức và lực lượng điều tiết tại hiện trường, nhằm chung tay vì một lễ hội vui tươi, lành mạnh, đảm bảo ATGT", ông Bằng nói.

Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc (tỉnh Cà Mau) là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc (tỉnh Cà Mau) là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc được tổ chức trong ba ngày (14-16/2 âm lịch hàng năm) tại cửa sông Ông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Trong đó, ngày 15 diễn ra nghi lễ chính do Chủ lễ cùng ban trị sự lăng thỉnh lư hương lên kiệu (long đình), được 8 học trò lễ khiêng và theo hầu.

Bên cạnh đó, các đội trống lân, cờ ngũ sắc, đội binh khí: kích, kiếm, bát xà mâu... ăn mặc lễ phục xếp thành hai hàng dài từ chánh điện ra tới ngoài sân.

Trong khi đó, hàng trăm chiếc tàu đánh cá của ngư dân được trang trí cờ, hoa neo đậu dưới bến sông. Tàu chủ là chiếc tàu lớn (hoặc 3 chiếc) được bầu chọn đi Nghinh Ông.

Thường đoàn tàu Nghinh Ông sẽ ra tới vùng nước xanh xa bờ, trung bình từ 5 - 7km. Về đến Vạn Lăng Ông sẽ tổ chức nghi thức tế lễ chính và thỉnh Ông vào chánh điện an vị.

Sau đó, người dân địa phương cùng du khách thập phương dâng cúng phẩm vật cho đến tận khuya.

Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc là lễ hội cầu ngư của cư dân miền biển, cầu cho biển lặng, gió hòa, quốc thái dân an, ngư dân ra khơi may mắn, đánh bắt được nhiều cá tôm.

Theo lưu truyền trong dân gian và với người dân miền biển, "Cá Ông" - một linh vật hết sức linh thiêng, là vị thần hộ mệnh cho thuyền bè đi biển. Khi sóng to gió lớn, tàu bè gặp nạn thì "Ngài" sẽ hiện lên hộ tống đưa tàu vào chỗ cạn, an toàn.

Ngược lại, khi "Cá Ông" gặp nạn, xác trôi dạt vào bờ được ngư dân tổ chức an táng và thờ cúng trang trọng.

Theo ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, đây là dịp để ngư dân miền biển cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, ngư dân ra khơi đánh bắt được trúng mùa. Những ngày diễn ra lễ hội, xung quanh khu vực lăng được trang hoàng đẹp mắt với nhiều cờ phướn.

Năm 2021, lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chứng nhận đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Gia Minh

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/ca-mau-siet-chat-an-toan-duong-thuy-tai-le-hoi-nghinh-ong-nam-2025-192250221161628111.htm
Zalo