Cà Mau đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt 'đường Hồ Chí Minh trên biển'
Bến Vàm Lũng (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) là bến tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam, thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Tối 24/4, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển được cấp cho các địa phương: TP Hải Phòng (xuất bến) và các tỉnh Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau (mở bến).

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển (Bến Vàm Lũng - tỉnh Cà Mau) của Thủ tướng Chính Phủ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong những phát kiến xuất sắc của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
“Đường Hồ Chí Minh trên biển” là tên gọi của tuyến đường vận tải quân sự do Hải quân Nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật trên Biển Đông trong chiến tranh, để vận chuyển vũ khí, cán bộ từ miền Bắc vào chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam, trong kháng chiến chống Mỹ.
Ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn Vận tải quân sự 759 (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay), mở tuyến đường vận tải chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển.
Trong suốt 14 năm (1961-1975), cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” đã lập nên những kỳ tích anh hùng trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, ác liệt.
Tại Cà Mau, “Đoàn tàu không số” gắn liện với Bến Vàm Lũng (huyện Ngọc Hiển). Ngày 11/10/1962, chiếc tàu gỗ không số đầu tiên mang tên Phương Đông 1, do thuyền trưởng Lê Văn Một và Chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy đã rời Bến K-15 tại Đồ Sơn (Hải Phòng), đem theo 30 tấn vũ khí.
Sau 6 ngày lênh đênh vượt sóng gió trên biển, tàu đã cập bến Vàm Lũng, tỉnh Cà Mau an toàn, khơi thông tuyến đường huyền thoại trên biển, hàng loạt chuyến tàu hướng vào Nam, nhiều bến khác được mở, góp phần quan trọng đi đến Đại thắng mùa Xuân 1975.
Từ năm 1962 đến năm 1970, cụm bến Vàm Lũng tiếp nhận 75 tàu, với trên 4.400 tấn vũ khí, trang thiết bị cho chiến trường miền Nam.
Ngày 10/11/2010, bến Vàm Lũng được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
>>> Dưới đây là một số hình ảnh tại khu Di tích Bến Vàm Lũng tại Cà Mau:

Theo Bảo tàng tỉnh Cà Mau, Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng (thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển), cách trung tâm thành phố Cà Mau gần 100 km theo hướng quốc lộ 1 về phía Nam (thuộc khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển).

Nhà trưng bày Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng.

Tháng 2/1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho các tỉnh Nam Bộ chuẩn bị bến bãi, tổ chức lực lượng tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chi viện cho miền Nam.

Sau một năm tiến hành trinh sát, chuẩn bị và báo cáo Trung ương, ngày 11/10/1962, chuyến tàu đầu tiên của "Đoàn tàu không số" mang phiên hiệu "Phương Đông 1" chở 30 tấn vũ khí từ bến Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng mở đường vào Nam.

Ngày 16/10/1962, tàu Phương Đông I đã cập Bến Vàm Lũng. Đây là chuyến tàu của "Đoàn tàu không số" khai thông tuyến đường vận tải chiến lược trên biển Đông - đường Hồ Chí Minh trên biển.

Nhờ địa hình hiểm trở, cùng với mạng lưới kênh rạch chằng chịt, bên trên là những cánh rừng đước, rừng mắm che phủ tạo điều kiện lý tưởng cho các chiến sĩ cách mạng dễ dàng vận chuyển và cất giấu vũ khí.

Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng cũng gắn liền với sự kiện ra đời của đơn vị quân đội mang phiên hiệu "Ðoàn 962".

Ðoàn 962, sau này là Trung đoàn 962 đã hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân".

Để ghi nhớ, vinh danh những chiến công vang dội, bất tử của Đoàn tàu không số, Tượng đài chiến thắng Đường Hồ Chí Minh trên biển được xây dựng.

Tượng đài chính cao 10,62m, hai phù điêu hình con tàu đang vượt sóng; thể hiện các thủy thủ đang tập trung cao độ, vững tay lái và sẵn sàng chiến đấu…

Ngày 26/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển được cấp cho các địa phương: TP Hải Phòng (xuất bến) và các tỉnh Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau (mở bến).