Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hóa đa sắc
Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hóa dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: 'Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long'.
Nơi giao thoa, hội tụ văn hóa
Cà Mau dù chỉ hơn 300 năm mở đất, vẫn là một vùng đất giàu có về mặt tài nguyên văn hóa với hệ thống di sản văn hóa phong phú, đặc sắc. Chúng tôi chỉ gợi lên vài nét chấm phá trong số ấy để cùng nhau nhận diện một quê hương Cà Mau với những điều lý thú trong đời sống văn hóa tinh thần chờ đợi người về khám phá và trải nghiệm.
Cũng như bất cứ nơi đâu ở đất nước Việt Nam, các lễ hội dân gian biểu hiện sinh động niềm tin, sắc thái độc đáo và kết tinh hồn cốt văn hóa của cư dân Cà Mau. Ðây là những giá trị tinh thần được gìn giữ, kế tục, lan tỏa giá trị bất chấp những thử thách của thời gian và biến cố lịch sử.

Gác kèo ong rừng U Minh Hạ - Nghề Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: HUỲNH LÂM
“Con người có tổ, có tông/Như cây có cội, như sông có nguồn”, câu ca dao ấy dẫn chúng ta về Cà Mau, không phải là một chuyến rong chơi, mà là cuộc hành hương về nguồn cội. Có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên, nhưng ở đất Cà Mau, trong hành trình hơn 300 năm thì cư dân đã hương khói truyền đời các vị Vua Hùng ngót 200 năm. Từ cái miếu nhỏ bên đường “cái quan” mạn Bắc Cà Mau (nay thuộc ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình), những thế hệ tiền nhân đến Cà Mau đã dựng lập và phụng thờ các vị Vua Hùng có công dựng nước, khai mở lịch sử văn hiến, anh hùng của dân tộc trải suốt bốn ngàn năm.
Tấm lòng của người Cà Mau đã chiến thắng cả đạn bom chiến tranh, để ngày Giỗ Tổ Vua Hùng nơi đây là dịp quần tụ của người dân, cùng nhau hướng về nguồn cội, khơi sáng tình dân tộc, nghĩa đồng bào để kề vai sát cánh cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, cầu mong quốc thái, dân an, nhân thịnh, vật lạc. Theo lệ, cứ đến mùng 9 tháng 3 (theo lịch âm), người người tề tựu, sắm sửa, chuẩn bị lễ vật và đến mùng 10 tháng 3, trang trọng, thành kính dâng lên các vị Vua Hùng. Nét văn hóa ấy đến nay không chỉ được duy trì mà còn lan tỏa rộng khắp, trở thành điểm đến tâm linh thiêng liêng của mỗi người con Lạc, cháu Hồng khi về với Cà Mau.
Xuôi về miền biển, phía sông Ông Ðốc (thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời), một địa danh lâu đời của Cà Mau, những ngày Lễ hội Nghinh Ông làm náo nức lòng người. Qua trăm năm, Lễ hội Nghinh Ông đã trở thành lễ cầu an đầu năm của ngư dân để mỗi chuyến vươn khơi bình an, tàu ghe trở về đầy nặng cá tôm. Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức 3 ngày (14-16 tháng 2 âm lịch). Ông Trần Văn Quốc, Chánh chủ Ban Trị sự Lăng Ông Nam Hải tâm tình: “100 năm qua, người dân Sông Ðốc coi ngày Lễ hội Nghinh Ông là sự kiện quan trọng, linh thiêng trong đời sống tinh thần. Ðây là tục lệ đẹp được cha ông đi trước gầy dựng, trao truyền lại cho hậu thế gắn với nghề biển. Càng tự hào hơn khi tín ngưỡng thờ Cá Ông đã trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, từ đó Lễ hội Nghinh Ông ngày càng có đông đảo người về dự, sức lan tỏa ngày càng rộng khắp”.
Người Hoa ở Cà Mau có Lễ vía Bà Thiên Hậu rộn ràng, thành kính. Theo lệ, ngày 23 tháng 3 âm lịch hằng năm, đồng bào người Hoa Cà Mau tề tựu để sửa soạn lễ vật dâng Bà chu đáo, kính cẩn. Thường vật phẩm chính là heo trắng, bánh trái, hương hoa. Trong lễ vía, người Hoa tổ chức hát Quảng phục vụ người dân. Vào dịp này, người dân Cà Mau không kể dân tộc cũng rộn ràng trẩy hội vía Bà cầu tài lộc, bình an. Ðiều đó thể hiện sự tụ hội, giao thoa về văn hóa, cả tinh thần đại đoàn kết keo sơn của các dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất Cà Mau.
Ðồng bào Khmer Cà Mau với những nét văn hóa truyền thống độc đáo cũng góp phần làm cho bức tranh văn hóa tinh thần của con người Cà Mau thêm rực rỡ. Lối 14, 15, 16 tháng 4 dương lịch, đồng bào Khmer ăn Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây với những tập tục truyền thống hướng về tổ tiên, kính Phật và lan tỏa niềm vui với cộng đồng. Tết của người Khmer cũng gói bánh tét, người người chung vui trong không khí chan hòa, gắn bó, những lời chúc tốt đẹp trao nhau. Người Khmer còn có thêm lễ cúng trăng Ok Om Bok vào ngày rằm tháng 10 âm lịch; lễ cúng ông bà Sene Dolta từ 29/8 đến 1/9 âm lịch hằng năm. Ðồng bào Khmer góp cho vùng đất này một nghệ thuật Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, đó là Nghệ thuật Nhạc trống lớn.
Sự cố kết cộng đồng giữa 3 dân tộc anh em Kinh - Hoa - Khmer đã tạo nên bức tranh đa sắc, hết sức phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần của người Cà Mau. Chúng tôi chợt nhớ tới câu thơ của Nhà thơ Nguyễn Khoa Ðiềm trong Trường ca Mặt đường khát vọng: “Ôi Ðất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy/Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”...
Ở thấy thương, đi thấy nhớ
Một người bạn từ Sóc Trăng, khi về Cà Mau đã nói với chúng tôi như thế! Nói về Cà Mau, sẽ không đầy đủ khi thiếu đi những nét văn hóa mộc mạc, bình dị thôi nhưng đầy lưu luyến nhớ thương. Ðó là hương rừng, vị biển, nhịp sống sông nước, là truyện kể dân gian bác Ba Phi, là điệu đờn, tiếng ca tài tử sâu lắng hồn đất, tình người gọi người về Cà Mau để “nói với nhau mấy lời” thương mến.
Người Cà Mau hào sảng, đãi khách không chỉ món ngon mà còn bằng cả tấm lòng thơm thảo. Nói không quá, khi ẩm thực chính là chiếc cầu nối, “thỏi nam châm” để nắm níu du khách tìm tới, trở lại với Cà Mau. Phía biển là vô vàn món ngon từ nguồn lợi thủy hải sản với những đại diện trứ danh như tôm, cua, ba khía muối, cá thòi lòi, ốc len... Vào rừng, những món ngon bày sẵn với rắn, rùa, lươn, cá đồng... Và cách ăn, nết ăn của người Cà Mau cũng là một điều thú vị. Không cầu kỳ, kiểu cách, những món ăn được chế biến phóng khoáng, đơn giản, giữ trọn hương vị nguyên bản của nguyên liệu để thực khách không chỉ ăn mà là trải nghiệm cả hồn đất, tình người Cà Mau trong đó.
Nếu có một điệu cười riêng của Cà Mau, thì chúng tôi sẽ không do dự để nhắc đến bác Ba Phi. Tính cách lạc quan, vui tươi, khiếu hài hước thông minh trong truyện dân gian bác Ba Phi là một tài sản tinh thần quý báu của Cà Mau. Ẩn trong điệu cười hóm hĩnh, duyên dáng ấy là tấm lòng, là khí phách, là tâm hồn của người Cà Mau. Truyện kể bác Ba Phi đi vào lòng người dung dị, hồn hậu như cá tính của người Cà Mau. Ðó là cái cười sảng khoái, tự hào về vùng đất Cà Mau rừng vàng, biển bạc. Là điệu cười khanh khách sướng vui khi con người đương đầu và chế ngự được thiên nhiên hung dữ. Và còn có những nụ cười đằm thắm, sâu nặng tình làng, nghĩa xóm, máu thịt ruột rà. Thâm trầm, ý nhị với cái cười đả kích đối với cái xấu, cái ác... Chỉ vài chục mẩu chuyện còn lại với đời, nhưng nụ cười bác Ba Phi còn sống mãi với đất và người Cà Mau. Nếu ai để ý, sẽ thấy điệu cười ấy ẩn hiện thấp thoáng trong từng nụ cười của người Cà Mau hôm nay, và chắc chắn là của cả mai sau nữa.
Dấu xưa của tiền nhân vẫn còn hiện diện ở Cà Mau hiện tại, đó là điều có thật. Còn đó những nghề di sản của cha ông được vinh danh như muối ba khía, làm tôm khô, gác kèo ong trăm năm trao truyền, gìn giữ. Tự hào hơn, những thế hệ tiếp nối còn tựa vào tài sản ấy làm sinh kế, làm vốn liếng góp vào thế và lực của vùng đất Cà Mau trong hành trình phát triển. Câu chuyện này chúng tôi sẽ để cho phần sau của loạt bài viết, bởi đây cũng là một chủ đề vô cùng thú vị.
Còn biết bao nét duyên ở Cà Mau chờ người về khám phá. Cà Mau sông nước mênh mang, lòng người rộng mở, tình người đằm thắm. Cái nắng, cái gió, cái tươi mát của rừng đước, rừng tràm, của biển cả sẽ giúp người về đây dịu bớt nỗi nhọc nhằn, ưu phiền của đời sống bộn bề. Về Cà Mau nghe câu vọng cổ, để nhịp đất, hồn người hòa điệu trong những cung bậc thổn thức quê hương. Mỗi tên đất, tên làng nơi đây đều là dấu xưa gợi nhớ công đức cao dày của các thế hệ tiền nhân. Và mỗi nghĩ suy, ước vọng, hành động của con người Cà Mau hôm nay đều là trái ngọt được kết tụ từ vùng đất địa đầu thiêng liêng của cực Nam Tổ quốc.