Cà Mau, Bạc Liêu chủ động ứng phó hạn mặn

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đánh giá sự xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025 ở vùng ĐBSCL sẽ lên cao từ cuối tháng 2 - 4.2025, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng ven biển. Trước diễn biến phức tạp của tình trạng xâm nhập mặn, các địa phương ven biển đã đưa ra nhiều phương án để ứng phó.

Ngày 18.2, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau cho biết, từ ngày 11 - 20.2, tình hình xâm nhập mặn khu vực tỉnh Cà Mau ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2024 (ranh mặn 4‰).

Chiều sâu ranh mặn là 4‰ tại các cửa sông chính như phạm vi xâm nhập mặn trên sông Gành Hào khoảng 60 - 70km, trên sông Ông Đốc khoảng 60 - 65km, trên kênh xáng Chắc Băng khoảng 65 - 70km. Trong thời gian tới, độ mặn tại các điểm đo có xu hướng tăng dần và có khả năng xâm nhập sâu hơn vào vùng ngọt hóa của địa phương.

Để chủ động ứng phó với hạn mặn, các địa phương vùng ĐBSCL tăng cường những biện pháp cung cấp nước sinh hoạt cho người dân

Để chủ động ứng phó với hạn mặn, các địa phương vùng ĐBSCL tăng cường những biện pháp cung cấp nước sinh hoạt cho người dân

Để chủ động ứng phó từ sớm, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn.

Theo chỉ đạo, Sở NN-PTNT tỉnh này có trách nhiệm xác định từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng, để tham mưu đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, khu vực.

Ưu tiên nhiệm vụ cấp nước, tuyệt đối không để người dân thiếu nước sinh hoạt, không để xâm nhập mặn vào vùng ngọt hóa, đảm bảo nguồn nước để phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, cần hướng dẫn các địa phương điều chỉnh lịch mùa vụ phù hợp với tình hình thực tế, tổ chức sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, độ mặn tăng cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị UBND các huyện và TP.Cà Mau phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, đơn vị có liên quan kịp thời chỉ đạo triển khai các công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương; xác định nhiệm vụ phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

So với mùa khô năm 2024 từng khiến kênh rạch ở vùng ngọt Cà Mau khô trơ đáy (ảnh), mùa khô năm 2025 trên các tuyến kênh nước vẫn còn cao - Ảnh tư liệu 2024

So với mùa khô năm 2024 từng khiến kênh rạch ở vùng ngọt Cà Mau khô trơ đáy (ảnh), mùa khô năm 2025 trên các tuyến kênh nước vẫn còn cao - Ảnh tư liệu 2024

Ông Huỳnh Minh Nhân, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bạc Liêu cho hay, xâm nhập mặn ở ĐBSCL nói chung và khu vực tỉnh Bạc Liêu nói riêng ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm, thấp hơn hoặc xấp xỉ năm 2023-2024 và không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020.

Độ mặn cao nhất tại các trạm đo trong tỉnh xuất hiện khoảng trong tháng 4, sang đầu tháng 5 độ mặn có xu hướng giảm dần do mùa mưa bắt đầu. Tại trạm thủy văn Gành Hào độ mặn cao nhất khoảng 29 - 31‰; tại trạm thủy văn Phước Long độ mặn cao nhất khoảng 30 - 32‰.

Ông Nhân khuyến nghị, để chủ động đề phòng thời điểm triều cường cao trùng với thời kỳ gió mùa đông bắc hoạt động mạnh sẽ làm gia tăng nguy cơ ngập lụt vùng trũng thấp, sạt lở vùng ven sông, ven biển, vùng ngoài đê bao... làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động của tàu, thuyền và công trình biển. Đồng thời, cần chủ động đề phòng xâm nhập mặn vùng cửa sông, vùng phân ranh mặn-ngọt; đề phòng thiếu nước ngọt cục bộ phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt; sạt lở đất, sụt lún do mực nước sông xuống thấp trong những tháng mùa khô.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, nếu xâm nhập mặn xảy ra sớm hơn dự báo thì việc nuôi trồng thủy sản ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn nước ngọt bổ sung trong tháng 3.2025. Vùng nam quốc lộ 1A còn chịu thêm tác động của các đợt triều cường diễn ra trong tháng 2 - 3.2025. Mực nước các đợt triều cường này dự báo vượt mức báo động 3 (báo động 3: +2,20m ở Trạm thủy văn Gành Hào), có thể gây khó khăn cho diện tích tôm nuôi sẽ bắt đầu từ giữa tháng 3 và dự báo có nguy cơ làm 2.000ha nuôi tôm bị thiệt hại.

Một điểm cấp nước uống miễn phí ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh (Cà Mau) - Ảnh tư liệu 2024

Một điểm cấp nước uống miễn phí ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh (Cà Mau) - Ảnh tư liệu 2024

Để chủ động phòng tránh từ sớm, Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Sở TN-MT, Công ty cổ phần Cấp nước Bạc Liêu phối hợp với các sở ban ngành, các huyện, thị xã, thành phố đề xuất và triển khai những biện pháp đảm bảo cung cấp nước sạch và bảo vệ môi trường. Đồng thời, sở chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tăng cường thông tin chi tiết về diễn biến khí tượng - thủy văn, lịch điều tiết nước và diễn biến nguồn nước toàn tỉnh... trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Phải tập trung gia cố bờ bao để giữ nước, tích cực bơm trữ nước ngọt lên ruộng cho vụ lúa trên đất tôm; tiến hành đóng các hệ thống cống nội đồng để ngăn mặn và giữ ngọt. Đồng thời, cần theo dõi diễn biến mặn trên đồng ruộng và kênh rạch để áp dụng các biện pháp thay nước nhằm giảm mặn, phèn trong ruộng. Bón phân hợp lý cho lúa theo từng thời kỳ sinh trưởng và sử dụng các chế phẩm sinh học giúp cây lúa chống chịu được điều kiện khắc nghiệt.

Trần Khải

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ca-mau-bac-lieu-chu-dong-ung-pho-han-man-229428.html
Zalo