Ca khúc nhạc Việt thảm họa khiến Hồ Ngọc Hà, Trúc Nhân 'lu mờ'
Bản nhạc Việt thảm họa đã chiếm sóng mạng xã hội Việt Nam suốt những ngày qua.
Những tháng cuối năm 2024, làng nhạc Việt vô cùng sôi động khi nhiều tên tuổi đình đám tái xuất, cho ra mắt loạt dự án chất lượng. Nổi bật trong đó có thể kể đến như Hồ Ngọc Hà với EP Nhắm mắt, bật nhạc, tắt phone, Trúc Nhân với MV Không ra gì, Phan Mạnh Quỳnh với album Cine Love,... Thế nhưng khi nhìn vào thực tế, các sản phẩm này dù có chất lượng khá tốt về cả mặt âm nhạc lẫn hình ảnh, nhưng lại không tạo được hiệu ứng quá lớn như kỳ vọng. Giữa bối cảnh phải cạnh tranh với nhiều chương trình, việc ra mắt sản phẩm âm nhạc không thành công như mong đợi là điều không quá khó hiểu.
Thế nhưng những ngày qua, một nam ca sĩ đã trở thành hiện tượng của làng nhạc Việt nhờ một ca khúc... thảm họa. Cái tên được nhắc đến ở đây chính là Đỗ Phú Quý - Nam ca sĩ hoạt động khá lâu trong showbiz nhưng chưa để lại dấu ấn, cho đến khi "thảm họa" âm nhạc mang tên Pickleball ra đời.
Cần dành lời khen ngợi cho sự nhạy bén trong việc bắt trend của Đỗ Phú Quý. Bởi bộ môn thể thao Pickleball là từ khóa gây bão mạng xã hội suốt thời gian vừa qua, thế nên khi ra mắt ca khúc về chủ đề này thì nam ca sĩ đã nhận được kha khá sự quan tâm.
Tuy nhiên sau khi ra mắt, ca khúc Pickleball đã nhanh chóng bị cư dân mạng phong ngay danh hiệu "thảm họa nhạc Việt 2024". Sở dĩ ca khúc bị chê thảm họa vì nó mang khá nhiều yếu tố tạo nên cảm giác cringe (rùng mình, ngượng ngùng) cho người nghe.
Nếu như phần melody (giai điệu) của ca khúc khá bắt tai thì phần lời lại sáo rỗng đến mức gây khó chịu. "Anh hẹn em Pickleball/Ta vờn nhau Pickleball/Tay vợt bên dưới hông/Anh đập banh, đập banh/Đến em mạnh vào/Ta chỉ chơi Pickleball/Không nên vượt mức Pickleball...". Nội dung ca khúc khiến người nghe ngán ngẩm vì mang lại cảm giác mời gọi, vờn nhau của một cặp đôi.
Nghe ca khúc từ đầu đến cuối, khán giả cũng không hề đọng lại được bất kỳ điều gì ngoài những câu hát mô tả lại một buổi chơi Pickleball đầy sự khiên cưỡng.
Trong khi rất nhiều nghệ sĩ trẻ của Việt Nam hiện nay như: tlinh, Wren Evans, Low G,... được đánh giá rất cao về khả năng sáng tác lẫn viết lời, thì một ca khúc như Pickleball của Đỗ Phú Quý dĩ nhiên sẽ bị công kích là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, cách hát thều thào, lả lơi của Đỗ Phú Quý cũng là một trong những điểm khiến cho người nghe không mấy thiện cảm với sản phẩm âm nhạc này.
Mặc dù được gắn mác là một sản phẩm thảm họa, thế nhưng Pickleball lại bất ngờ viral một cách khủng khiếp sau thời gian ra mắt. Ca khúc trở thành một trào lưu parody trên mạng xã hội, hay những bản remix cũng được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Có một sự thật cần phải công nhận rằng, độ viral của Pickleball hoàn toàn lấn át các nghệ sĩ lớn trong thời điểm này như Hồ Ngọc Hà, Trúc Nhân, Phan Mạnh Quỳnh,...
Tuy nhiên, sự viral ở ca khúc Pickleball lại đến từ một phương diện vô cùng tiêu cực. Đa số những người tham gia trào lưu Pickleball trên mạng xã hội đều mang đến những nội dung chế giễu, làm lố về ca khúc này.
Có thể Đỗ Phú Quý đã rất thành công việc khiến sản phẩm âm nhạc của mình trở thành một trào lưu trên mạng xã hội. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở hai chữ "trào lưu" với hàng loạt sự cười cợt, chế giễu thay vì đánh giá tích cực về thực lực của một nghệ sĩ trẻ.
Cơn sốt Pickleball chắc chắn sẽ sớm hạ nhiệt, và khi đó những gì người ta nhớ về Đỗ Phú Quý vẫn chỉ là chủ nhân của ca khúc thảm họa đó. Trong khi những nghệ sĩ trẻ đình đám hiện nay đa phần được khán giả yêu mến nhờ thực lực và giá trị âm nhạc mà họ mang lại.
Không phải tự nhiên tlinh dù thường xuyên gây tranh cãi về đời tư nhưng vẫn được đông đảo khán giả yêu mến vì tài năng âm nhạc của nữ nghệ sĩ này là điều khó có thể phủ nhận. Hay MONO cũng không mất quá nhiều thời gian để xóa nhòa đi cái mác "em trai Sơn Tùng", bởi nam ca sĩ này đã chứng minh được cho khán giả thấy mình đến với âm nhạc bằng thực lực và đam mê.
Một người nghệ sĩ có những sản phẩm viral là điều rất đáng mừng, thế nhưng cần phải nhìn nhận về cách thức mà nó viral như thế nào. Trường hợp của Đỗ Phú Quý khá giống với loạt ca khúc thảm họa trước đó như: Oh My Chuối - Sĩ Thanh, Như cái lò - Huyền Sambi,... Dù nhận được sự quan tâm, bàn luận lớn từ khán giả nhưng cuối cùng cái mác "thảm họa" vẫn đeo bám dai dẳng đến sau này.
Dĩ nhiên, không thể ép buộc Đỗ Phú Quý đi theo phong cách âm nhạc như tlinh, MONO hay bất kỳ một ai khác, bởi mỗi người nghệ sĩ sẽ có một bản ngã âm nhạc khác nhau. Nhưng ở trong một bối cảnh mà khán giả ngày càng khắt khe và có sự hiểu biết khi thưởng thức nghệ thuật, thì những giá trị thật sự chất lượng vẫn là yếu tố tiên quyết để sống còn sau khi những trào lưu "mì ăn liền" đi qua.