Cả gia đình vượt hàng trăm km đến cổ vũ con thi ĐH Bách khoa Hà Nội
Để con yên tâm bước vào kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, anh Nguyễn Ngọc Vinh (Giao Thủy, Nam Định) cùng vợ và con trai út đều đến để động viên tinh thần cho con.
Sáng nay (10/6), hơn 7.300 thí sinh tại 9 cụm thi trên cả nước bước vào kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội. Đây là đợt thi đầu tiên trong 3 đợt, với hơn 19.000 lượt thi. Có 32 trường đại học, học viện sử dụng kết quả này để tuyển sinh.
Có mặt tại trường từ sáng sớm, anh Nguyễn Ngọc Vinh (Giao Thủy, Nam Định) cùng vợ ân cần động viên con trai lớn. Để chuẩn bị cho buổi thi, từ hôm qua, cả gia đình bắt xe từ Nam Định, ở nhờ nhà họ hàng để kịp giờ thi sáng nay.
“Mình từng là học sinh, đã trải qua không ít kỳ thi, thấu hiểu sự hồi hộp, lo lắng của con nên hai vợ chồng bàn nhau tạm gác lại công việc để cả gia đình cùng tới động viên tinh thần cho con”.
Nguyễn Đức Anh, con trai anh Vinh hiện đang học tại Trường THPT Giao Thủy B. Đức Anh có sức học khá. Vì mong muốn có cơ hội phát triển bản thân, Đức Anh chọn ngành Công nghệ thông tin ở ngôi trường tốp đầu. 2 đợt thi thử trước đó, Đức Anh đạt khoảng trên 70 điểm.
“Em cảm thấy khá may mắn khi có gia đình đồng hành. Điều đó tiếp thêm cho em động lực để hoàn thành tốt bài thi lần này”.
Giống như Đức Anh, trong kỳ thi này, Lương Quang Anh (học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên) cũng có bố mẹ đồng hành. Dù con trai không mấy lạ lẫm với Hà Nội, song bố mẹ Quang Anh vẫn quyết định nghỉ việc, từ Hưng Yên lên Hà Nội động viên tinh thần cho con.
“Em dự định thi vào ngành Kỹ thuật điện. Em cảm thấy mình có một số thế mạnh phù hợp với ngành. Áp lực và lo lắng luôn có trước mỗi kỳ thi, song em luôn cố gắng giảm những yếu tố ấy xuống mức thấp nhất có thể”.
Quang Anh cho biết, từ cấp tiểu học đến hiện tại, trước mỗi kỳ thi quan trọng, bố mẹ đều đồng hành cùng em. Đây giống như một hoạt động làm công tác tư tưởng khá truyền thống của cả gia đình.
“Em cảm thấy may mắn vì luôn có bố mẹ đồng hành trong mọi dấu mốc của mình. Em nghĩ không phải ai cũng có được niềm vui đầy đủ ấy”, Quang Anh nói.
PGS.TS. Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, sau 4 năm từ lần đầu tiên tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy, nhà trường đã có nhiều cải tiến theo hướng tiện lợi hơn cho thí sinh.
Thời lượng thi hiện đã được rút ngắn còn 150 phút; các thao tác thi cũng được thực hiện trên máy tính. Giám thị sẽ sử dụng phần mềm giám sát thi trong suốt thời gian thí sinh đăng nhập vào phần mềm thi và làm bài thi.
Trước khi thực hiện việc cải tiến, nhà trường cũng tham vấn đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước, tham khảo những kỳ thi như SAT, ACT… để ra phương án thi.
Ngoài ra, theo ông Điền, để tránh tình trạng thi hộ hay tráo người trong thi cử, năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội có phần mềm đối chiếu khuôn mặt thí sinh với căn cước công dân, đảm bảo xác thực được thông tin thí sinh trước khi bước vào phòng thi.
Năm 2023, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy vào các ngày 10/6, 17/6 và 8/7/2023 tại 9 cụm thi gồm: Hà Nội (10 trường đại học, học viện); Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Đà Nẵng.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ đai học chính quy là 7.985 sinh viên, trong đó 15-20% cho phương thức xét tuyển tài năng, 85-90% xét tuyển theo điểm thi (tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy).
Đến cuối tháng 5/2023, tổng số thí sinh đăng ký dự thi đánh giá tư duy là hơn 10.200 với hơn 19.000 lượt thi. Thí sinh sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có giá trị trong 2 năm để đăng ký xét tuyển vào 32 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.
Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội quyết định chuyển từ hình thức thi truyền thống (thi giấy, bài thi trắc nghiệm + tự luận) những năm trước bằng hình thức thi trực tuyến trên máy tính tại các phòng máy của cơ sở tổ chức thi.
Hình thức thi trắc nghiệm với nhiều loại hình câu hỏi: Chọn phương án đúng; Chọn câu trả lời đúng hoặc sai; Điền đáp án; Kéo/thả đáp án. Bài thi đánh giá tư duy đã được điều chỉnh gọn nhẹ (150 phút), với 3 phần thi: Tư duy toán học (60 phút), Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy khoa học/giải quyết vấn đề (60 phút).
Câu hỏi được thiết kế theo thang đo tư duy với 3 mức: Mức 1 – Tư duy tái hiện; Mức 2 – Tư duy suy luận; Mức 3 – Tư duy bậc cao.