Ca ghép tủy đồng loại Thalassemia thứ 7 xuất viện
Trưa 28/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức lễ ra viện cho ca ghép tủy đồng loại Thalassemia thứ 7 là bệnh nhi đến từ Quảng Ninh và ca ghép u nguyên bào thần kinh thứ 45 đến từ Lâm Đồng.

Các bác sĩ chia vui với hai bệnh nhi và gia đình tại lễ xuất viện. Ảnh: T. HIỂN
Ca ghép tủy đồng loại thứ 7 là bé D.Q.T. 29 tháng tuổi. Bé được phát hiện bệnh HbE/Beta-Thalassemia từ lúc 7 tháng tuổi, từ đó đến nay bệnh nhi phải truyền máu 12 lần. Sau khi xét nghiệm HLA (kháng nguyên bạch cầu người). Bé được xác nhận phù hợp hoàn toàn với chị ruột hơn 10 tuổi nên được ghép tủy vào ngày 4/4/2025. Sau ghép, tiểu cầu phục hồi vào ngày thứ 23, bạch cầu hạt phục hồi vào ngày thứ 16.
Ca ghép tế bào gốc tự thân thứ 45 là bệnh nhi Đ.P.N. 32 tháng tuổi. Bé N. được chẩn đoán mắc bệnh u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao cách đây 9 tháng. Trẻ được chuyển đến BVTW Huế sau khi điều trị hóa chất, phẫu thuật. Các y bác sĩ tiến hành ghép tế bào gốc tự thân cho bé ngày sau đó. Sau ghép, tiểu cầu và bạch cầu hạt của bệnh nhi phục hồi vào ngày thứ 30.
Anh Đoàn Nguyễn Đại Dương, cha bé N. chia sẻ: "Được Bệnh viện Nhi đồng 2 giới thiệu, gia đình đưa bé ra Huế. Chúng tôi được các y bác sĩ BVTW Huế tư vấn, điều trị nhiệt tình; kết nối nguồn quỹ hỗ trợ để bé được ghép tế bào gốc tự thân vì vợ chồng tôi chỉ là dân lao động, kinh tế không dư giả mấy. Sức khỏe con hiện đã khá hơn, chúng tôi được về nhà nghỉ ngơi. Tháng sau bé sẽ bước vào liệu trình xạ nhi tại BVTW Huế. Xin cảm ơn các y bác sĩ trao cho con tôi cơ hội được sống tiếp"!
Việc điều trị thành công ca ghép tủy đồng loại thứ 7 trên bệnh nhi mắc tan máu bẩm sinh, beta-thalassemia là bước tiến vượt bậc trong việc áp dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc đồng loại. Theo GS.TS.BS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế, ca bệnh D.Q.T. đánh dấu thành công quan trọng trong việc điều trị bệnh lý này, mở ra nhiều cơ hội cho các bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Từ đó, giúp trẻ không còn phải lệ thuộc vào truyền máu định kỳ mà có thể phát triển bình thường như bao đứa trẻ khỏe mạnh khác.
BVTW Huế là đơn vị đầu tiên ở khu vực Miền Trung-Tây Nguyên và là bệnh viện thứ 3 của Việt Nam thực hiện kỹ thuật ghép tủy đồng loại nói trên. Bên cạnh đó, BVTW Huế vẫn tiếp tục phát triển kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân điều trị cho các bệnh nhi bị u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao, giúp kéo dài sự sống cho trẻ.
Theo các chuyên gia y tế, tan máu bẩm sinh là một bệnh lý di truyền gây thiếu máu hồng cầu nhỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ. Các trường hợp nặng, trẻ phải lệ thuộc vào truyền máu thường xuyên, ứ sắt trong cơ thể, gây tích tụ sắt lên các tạng, dẫn đến nhiều khó khăn trong cuộc sống.