Bứt phá phát triển, tạo đà cho nhiệm kỳ mới
Trong bối cảnh Quảng Ninh cùng cả nước quyết liệt xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong năm 2025 ở mức rất cao, những quyết nghị của HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 26 vừa diễn ra đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của cử tri, Nhân dân; từ nền tảng là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc kiến tạo không gian phát triển mới, cùng một số nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp điều hành được điều chỉnh, bổ sung, toàn tỉnh đang tập trung tăng tốc, bứt phá, tạo đà cho nhiệm kỳ mới.
Đáp ứng yêu cầu quản trị xã hội hiện đại
Bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, trong ½ ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, chất lượng, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã xem xét, thảo luận, quyết nghị, thông qua 9 nghị quyết quan trọng; trong đó, đáng chú ý là việc HĐND tỉnh đã bày tỏ tán thành đối với chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn.

Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: M. Tuân
Để nghị quyết nhận được sự thống nhất rất cao tại kỳ họp, trong thời gian rất nhanh chóng vừa qua, toàn tỉnh đã bám sát chỉ đạo, định hướng của Trung ương, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành và cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, tập quán, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên; phù hợp với các định hướng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp của tỉnh bảo đảm tiêu chuẩn tương ứng theo quy định; đặc biệt, đã được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thống nhất, đồng thuận, ủng hộ với tỷ lệ rất cao (đạt 99,31% so với tổng số cử tri, 99,53% so với tổng số phiếu phát ra).
Theo đó, trước khi sắp xếp, tỉnh Quảng Ninh có 171 đơn vị hành chính cấp xã (91 xã, 73 phường, 7 thị trấn). Sau sắp xếp, tỉnh dự kiến sẽ có 51 đơn vị; trong đó, có 27 phường, 21 xã, 3 đặc khu (trường hợp thành lập 2 đặc khu, toàn tỉnh sắp xếp thành 54 đơn vị, trong đó có 30 phường, 22 xã và 2 đặc khu). Như vậy, tỉnh giảm được 117 - 120 đơn vị hành chính cấp xã, đạt 68 - 70% theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Thị Minh Thanh, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn không chỉ là sự điều chỉnh về mặt địa giới hành chính và tổ chức bộ máy, mà còn là cơ hội để Quảng Ninh giải quyết những bất cập hiện tại, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc điều chỉnh không gian phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, tăng cường liên kết vùng và thu hút thêm nguồn lực cho sự phát triển. Đồng thời, cũng tạo điều kiện để tỉnh rà soát, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng chính quyền cấp xã thực sự gần dân, sát dân, phục vụ kịp thời lợi ích của người dân và doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững.
Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt
Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND tỉnh cũng đã thảo luận, thống nhất thông qua các nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; điều chỉnh, bổ sung, phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách cấp tỉnh; bổ sung một số nội dung trong cơ chế và biện pháp điều hành ngân sách địa phương năm 2025… Cùng với đó, là Nghị quyết quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản của các nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước và mua sắm hàng hóa, dịch vụ đối với nguồn kinh phí khoa học công nghệ thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.
Theo các đại biểu, với việc đặt mục tiêu tăng trưởng đạt 14% trở lên trong năm 2025, cần có các giải pháp cụ thể, đột phá, khả thi, tăng tốc để thực hiện kịch bản tăng trưởng trong các tháng, quý tiếp theo; đặc biệt, tỉnh cần triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phải xác định đầu tư công là một trong những trụ cột, động lực quan trọng hàng đầu.
Chỉ rõ thực tế, đến hết quý I vừa qua, tỷ lệ giải ngân trong toàn tỉnh mới chỉ đạt 11%, HĐND tỉnh đề nghị, toàn tỉnh phải tập trung quyết liệt hơn nữa cho công tác GPMB, tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn các công trình trọng điểm, các dự án quy mô lớn, dự án phải hoàn thành trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình của tỉnh… Đồng thời, tập trung rà soát tổng thể xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 - 2030 có trọng tâm, trọng điểm; tích cực và chủ động triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới, các dự án quan trọng, trọng điểm trong giai đoạn mới.
Diễn ra giữa những ngày tháng Tư lịch sử, toàn tỉnh sôi nổi tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9; 70 năm Ngày Giải phóng Khu Mỏ (25.4.1955 - 25.4.2025), Kỳ họp thứ 26, HĐND tỉnh Quảng Ninh Khóa XIV ghi nhận và đánh giá cao sự quyết tâm, chủ động, quyết liệt đổi mới của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh nhằm hoàn thành mục tiêu “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới”.
Với những kết quả quan trọng đã đạt được trong những tháng đầu năm và từ nền tảng là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc kiến tạo không gian phát triển mới, cùng một số nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp điều hành được điều chỉnh, bổ sung vừa được HĐND tỉnh thông qua, toàn tỉnh đang tập trung tăng tốc, bứt phá; phát huy vai trò là một trong những cực tăng trưởng của khu vực đồng bằng sông Hồng, tam giác tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, góp phần cùng đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.