Bứt phá kinh tế 2025: Việt Nam hướng tới tăng trưởng 8%

Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 bằng các giải pháp đổi mới thể chế, ổn định vĩ mô, kích cầu và thu hút đầu tư.

Chiều 8/1, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ. Đây là buổi họp báo Chính phủ đầu tiên trong năm mới 2025 và trước thềm Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Dự họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan cùng đông đảo các cơ quan thông tấn, báo chí.

Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm đã trình bày chi tiết các giải pháp và định hướng nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% trong năm 2025. Đây là mục tiêu được xây dựng dựa trên nền tảng từ những thành tựu nổi bật năm 2024 và định hướng chiến lược của Chính phủ trong giai đoạn tới.

Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024. Ảnh: Huyền Trang

Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024. Ảnh: Huyền Trang

Cơ sở và mục tiêu tăng trưởng năm 2025

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, Chính phủ đã trình Quốc hội và được thông qua Nghị quyết số 158/2024/QH15 về tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2025, với mức mục tiêu tăng trưởng từ 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5%. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 140/CĐ-TTg vào cuối tháng 12/2024, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương xây dựng các kịch bản tăng trưởng để đạt mục tiêu tối thiểu 8%, đồng thời hướng tới khả năng tăng trưởng hai con số trong điều kiện thuận lợi.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ. Ảnh: Huyền Trang

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ. Ảnh: Huyền Trang

Các địa phương có vai trò “đầu tàu” như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh khác được kỳ vọng phải đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2024 để tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế. Đây là một thách thức lớn, song hoàn toàn khả thi, khi Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng GDP 7,09% trong năm 2024, vượt mục tiêu ban đầu là 6,5%, dù chịu ảnh hưởng từ thiên tai làm giảm tăng trưởng 0,8%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định hoàn thiện thể chế là động lực cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc đổi mới và cải cách thể chế sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực xã hội.

Bên cạnh đó, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát tiếp tục được coi là ưu tiên hàng đầu. Dù đặt mục tiêu tăng trưởng cao, các cân đối lớn của nền kinh tế phải được đảm bảo. Năm 2024, lạm phát cơ bản bình quân chỉ tăng 2,71%, thấp hơn CPI bình quân, phản ánh nỗ lực kiểm soát giá cả và ổn định thị trường trong bối cảnh tăng lương và điều chỉnh giá dịch vụ công.

Phát triển chính sách tài chính linh hoạt, tận dụng các FTA

Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách tài chính và tiền tệ chủ động, linh hoạt. Năm 2024, Chính phủ đã triển khai các biện pháp miễn, giảm, giãn, hoãn thuế với tổng giá trị khoảng 197 nghìn tỷ đồng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn. Tổng thu ngân sách đạt 337 nghìn tỷ đồng, chứng minh rằng việc hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ tạo động lực phục hồi mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Các chính sách này sẽ được tiếp tục triển khai đến tháng 6/2025, giúp doanh nghiệp và người dân tăng cường tiêu dùng, kích cầu trong nước.

Đầu tư công là động lực quan trọng cho tăng trưởng. Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu giải ngân khoảng 295.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, cộng với hơn 300.000 tỷ đồng vốn chuyển tiếp từ năm 2024. Việc giải ngân hiệu quả số vốn này sẽ thu hút thêm các nguồn lực từ khu vực tư nhân, tạo "vốn mồi" thúc đẩy tăng trưởng.

Song song đó, kích cầu tiêu dùng trong nước được xác định là nhiệm vụ chiến lược. Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 120-130 triệu lượt khách du lịch nội địa và 20 triệu lượt khách quốc tế, góp phần tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng.

Trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước. Năm 2025, Việt Nam tiếp tục tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đặc biệt chú trọng thị trường Halal - một lĩnh vực tiềm năng lớn. Xuất khẩu và nhập khẩu sẽ tiếp tục là điểm sáng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thúc đẩy khoa học công nghệ, hoàn thiện hạ tầng

Đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ sẽ đóng vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế năm 2025. Chính phủ đã ban hành Nghị định 182/2024/NĐ-CP về Quỹ hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực chip và bán dẫn. Đây là cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế trên bản đồ công nghệ thế giới, đồng thời thu hút các tập đoàn lớn như NVIDIA.

Ngoài ra, việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông cũng là ưu tiên quan trọng. Kế hoạch năm 2025 đặt mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc và 1.000 km đường ven biển, trong đó nhiều tuyến đường cao tốc sẽ được nâng cấp quy mô theo đúng quy hoạch. Việc xây dựng các trung tâm tài chính tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội thu hút nguồn lực lớn từ quốc tế, tạo động lực mới cho nền kinh tế. Đây không chỉ là bước đi chiến lược mà còn là cách để Việt Nam khẳng định vai trò trên bản đồ tài chính toàn cầu.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm khẳng định, với các giải pháp cụ thể, sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và nỗ lực của các địa phương, mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8% trong năm 2025 là hoàn toàn khả thi. Thành công này sẽ tiếp tục củng cố vị thế của Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định trên thế giới.

GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09%, thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trên thế giới. Cả 3 khu vực nông, lâm, thủy sản, công nghiệp, dịch vụ đều duy trì đà tăng trưởng tích cực; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 9,0% so với năm trước.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát. Bình quân năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71%, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung, trong bối cảnh thực hiện tăng lương từ ngày 01/7/2024 và điều chỉnh giá một số dịch vụ.

Xuất nhập khẩu là điểm sáng của năm 2024. Tính chung cả năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước; cả năm, xuất siêu 24,77 tỷ USD.

Huyền Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/but-pha-kinh-te-2025-viet-nam-huong-toi-tang-truong-8-368631.html
Zalo