Buôn lậu thuốc lá mới: Hệ lụy lan rộng, thiệt hại đa chiều

Buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây thất thoát ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm và tiêu tốn nguồn lực lớn cho các lực lượng chức năng kiểm soát, tiêu hủy. Tình trạng này ngày càng tinh vi, phức tạp, khi đối tượng buôn lậu chuyển từ bán công khai chuyển sang môi trường giao dịch ngầm, online, gây khó khăn cho quản lý và tạo ra nhiều hệ lụy xã hội, đe dọa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Buôn lậu thuốc lá mới: Từ thất thu ngân sách đến rủi ro nhân mạng

Dù ở giai đoạn chưa được quản lý, cho đến khi có lệnh cấm chính thức, vấn đề buôn lậu thuốc lá điện tử (TLĐT),thuốc lá nung nóng (TLNN) vẫn không suy giảm. Kéo theo đó, thiệt hại về kinh tế do buôn lậu những mặt hàng này đang ngày càng gia tăng theo cấp số nhân – bất chấp nỗ lực siết chặt quản lý và áp dụng mức phạt nặng theo quy định mới.

Theo thống kê, từ năm 2024 đến nay lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 240.000 sản phẩm TLĐT, TLNN cùng với gần 10 tấn phụ kiện, với trị giá hàng hóa vi phạm gần 29 tỷ đồng và tổng số tiền phạt hành chính vượt 6,6 tỷ đồng. Các vụ xử lý buôn lậu thuốc lá thế hệ mới tăng mạnh về số lượng và quy mô, vượt xa giai đoạn trước khi áp dụng lệnh cấm.

Cũng theo các cơ quan ban ngành, chi phí tổn thất không chỉ tiền thuế, bao gồm chi phí Công tác kiểm tra, kiểm soát, điều tra và xử lý buôn lậu thuốc lá mới tiêu tốn nhiều tỷ đồng mỗi năm, bao gồm chi phí vận hành, phương tiện, nhân lực và tiêu hủy tang vật. Nguy hiểm hơn, sự tổn thất còn có khi bao gồm cả tính mạng của lực lượng chức năng. Theo đó, các chiến sỹ phải đối mặt với rủi ro nghề nghiệp cao. Đã ghi nhận nhiều trường hợp cán bộ, chiến sĩ bị thương hoặc thậm chí tử vong khi truy bắt đối tượng buôn lậu TLĐT, TLNN và các sản phẩm liên quan.

Điều này cũng tương đồng với thực trạng tại Úc, nơi mà các sản phẩm TLĐT, TLNN bị cấm hoặc siết chặt quản lý, khiến nguồn cung hợp pháp không có nên hình thành các bang phái tranh giành thị trường, xung đột lẫn nhau.

Hơn 300 sản phẩm TLĐT lậu bị phát hiện tại Đà Nẵng hồi tháng 2/2025

Từ tháng 3/2023 đến đầu 2024, gần 30 cửa hàng thuốc lá tại tiểu bang Victoria bị các băng nhóm đốt phá, đe dọa bằng vũ lực hoặc tấn công giữa ban ngày. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn quyền kiểm soát địa bàn tiêu thụ thuốc lá lậu giữa các băng đảng tội phạm có tổ chức. Các băng nhóm này sử dụng bạo lực, đe dọa đốt xe, phá hoại cửa hàng không hợp tác hoặc từ chối tiêu thụ thuốc lá bất hợp pháp do chúng cung cấp.

Mới đây nhất, theo một bài viết mới được đăng tải trên Daily Mail, lệnh cấm TLĐT và TLNN do chính phủ Úc dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Anthony Albanese ban hành đang vấp phải làn sóng chỉ trích, khi các số liệu mới cho thấy mức độ sử dụng các sản phẩm này không những không giảm mà còn có xu hướng tăng. Khảo sát của Roy Morgan cho thấy, trong nhóm thanh niên từ 18 đến 24 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng từ 19% lên 20,5%, trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu cũng tăng mạnh từ 8,2% lên 11,1% chỉ trong vài tháng sau khi lệnh cấm có hiệu lực. Thay vì kiểm soát được thị trường, chính sách này dường như đã tạo điều kiện cho thị trường chợ đen phát triển mạnh mẽ, với nhiều điểm bán thuốc lá lậu xuất hiện tại các đô thị lớn như Sydney và Melbourne. Các chuyên gia nhận định, dù lệnh cấm nhằm ngăn giới trẻ tiếp cận TLĐT, nhưng hệ quả đáng lo là họ lại tiếp xúc với sản phẩm lậu độc hại – một rủi ro có lẽ chưa được các nhà làm chính sách lường trước.

Kiểm soát thuốc lá bằng phương pháp mềm dẻo?

Cùng mục đích chống buôn lậu thuốc lá, hiện nhiều quốc gia lại có chiến lược giảm nhu cầu dùng hàng lậu thông qua việc cung cấp đa dạng các sản phẩm thuốc lá hợp pháp, điển hình như Indonesia.

Indonesia là nước có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới, với 64,7% nam giới sử dụng thuốc lá. Hiện quốc gia này đang từng bước điều chỉnh chính sách quản lý thuốc lá nhằm kiểm soát mức tiêu thụ và giảm thiểu tác hại sức khỏe cộng đồng, trong bối cảnh thị trường trong nước ngày càng đa dạng với nhiều loại sản phẩm – từ thuốc lá điếu truyền thống, thuốc lá đinh hương (kretek) cho đến các lựa chọn thay thế như TLNN, thuốc lá ngậm và TLĐT.

Để cân bằng đa mục tiêu phòng chống buôn lậu, sức khỏe người dân, nguồn thu kinh tế quốc gia, cũng như văn hóa đặc trưng của dân tộc, chính phủ nước này yêu cầu sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn về hàm lượng nicotine, tar, kiểm tra chất lượng bằng công nghệ được phê duyệt, đăng ký thành phần và chịu sự giám sát trong toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối. Ngoài ra, chính phủ cũng siết chặt hoạt động quảng cáo, đặc biệt là trên nền tảng trực tuyến, đồng thời đặt ra nghĩa vụ tuân thủ rõ ràng với doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm TLM.

 Indonesia đưa quy định về hàm lượng Nicotine/ Tar cho phép trong từng nhóm sản phẩm TLM. Nguồn: Assegaf Hamzah & Partners Indonesia.

Indonesia đưa quy định về hàm lượng Nicotine/ Tar cho phép trong từng nhóm sản phẩm TLM. Nguồn: Assegaf Hamzah & Partners Indonesia.

Theo Liên minh Giảm tác hại khu vực Châu Á (Asia Harm Reduction – AsHRA) vào tháng 12/2024 chiến lược mà Indonesia đang theo đuổi được nhiều chuyên gia kỳ vọng có thể giúp bảo vệ khoảng 4,6 triệu người khỏi nguy cơ ung thư phổi trước năm 2060. Chiến lược cũng được đánh giá là đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm thay thế nicotine ít gây hại hơn, đồng thời góp phần giảm gánh nặng bệnh tật liên quan đến thuốc lá.

Tương tự, tại Mỹ, ở giai đoạn đầu với thủ tục phức tạp trong quy trình cấp phép kinh doanh các sản phẩm TLM – Pre Market Tobacco Authorization (PMTA) của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), chỉ có 34 sản phẩm được cấp phép trong hơn 26 triệu đơn đăng ký. Những rào cản này đã gián tiếp đẩy người dùng vào thị trường chợ đen – nơi 99% sản phẩm không khói lưu hành mà không được thông qua kiểm soát về chất lượng.

Do đó, vào tháng 02/2025, chính quyền Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ thúc đẩy tiến trình thẩm định khoa học đối với các sản phẩm TLĐT, TLNN nhằm củng cố chiến lược giảm tác hại thuốc lá, tiến tới mục tiêu không khói, đồng thời ngăn chặn sự phát triển thị trường chợ đen. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng như CDC, FDA Hoa Kỳ cũng thực thi toàn diện trong việc ngăn chặn tiếp cận giới trẻ tiếp cận các sản phẩm thuốc lá này.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/buon-lau-thuoc-la-moi-he-luy-lan-rong-thiet-hai-da-chieu-post1761314.tpo
Zalo