Buổi thứ hai bậc THCS, THPT dạy gì để tránh vi phạm quy định dạy thêm, học thêm?

Buổi học thứ 2 có thể dành cho các hoạt động ngoại khóa, STEM, nghệ thuật, thể thao giúp học sinh phát triển toàn diện về kỹ năng mềm.

Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông đang được các cơ sở giáo dục quan tâm. Nội dung chương trình, kinh phí triển khai, cơ sở vật chất là vấn đề được quan tâm nhiều nhất.

Buổi học thứ 2 cần giúp học sinh phát triển toàn diện về kỹ năng mềm

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Hữu Thanh, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Thuận Thành 1, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, đòi hỏi phương pháp dạy học tích cực, linh hoạt và thời lượng học tăng lên để học sinh có thời gian thực hành, trải nghiệm.

Hiện tại, theo đúng kế hoạch của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 việc bố trí dạy học diễn ra vào buổi sáng, với bình quân khoảng 29 tiết học mỗi tuần. Theo đó, học sinh vẫn học tập vào buổi sáng theo thời khóa biểu đã được xây dựng, nếu chuyển sang học hai buổi, các đơn vị sẽ phải sắp xếp lại thời khóa biểu theo một hướng mới nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy cũng như tạo sự cân bằng cho học sinh.

Về thuận lợi, việc phân chia thời gian học thành 2 buổi giúp học sinh có thời gian nghỉ ngơi, từ đó giảm căng thẳng, tăng hiệu quả tiếp thu kiến thức.

Một buổi dành cho môn chính khóa. Buổi học thứ hai có thể dành cho các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, dự án học tập liên môn, STEM, nghệ thuật, thể thao... Điều này giúp học sinh phát triển toàn diện về kỹ năng mềm (giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề), năng lực sáng tạo, thể chất và tinh thần.

Đồng thời, có thể tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, tư vấn tâm lý, giúp học sinh khám phá bản thân, hiểu rõ hơn về các ngành nghề và có sự chuẩn bị tốt hơn cho tương lai. Thông qua đó, học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức đã học trong chương trình chính khóa, đồng thời phát triển kỹ năng học tập, tham gia các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, rèn kỹ năng sống, thể chất, nghệ thuật…

Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất để dạy học 2 buổi/ngày. Vì vậy, việc triển khai dạy 2 buổi/ngày còn phải tùy theo điều kiện của mỗi cơ sở, nếu cơ sở nào đáp ứng cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên lẫn thời gian tổ chức thì sẽ rất tốt.

 Ảnh minh họa. Ngọc Mai

Ảnh minh họa. Ngọc Mai

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Trần An Khải, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám (Hưng Yên) chia sẻ, về điều kiện cơ sở vật chất, hiện tại nhà trường đang tổ chức dạy học một buổi sáng, mỗi lớp một phòng học riêng. Nếu triển khai dạy hai buổi một ngày, nhìn chung cũng khá thuận lợi vì cơ bản trường đều đảm bảo đủ mỗi lớp/phòng học; đủ đội ngũ giáo viên, các phòng chức năng...

Khi triển khai việc dạy 2 buổi/ngày sẽ mang lại thuận lợi cho học sinh cũng như phụ huynh. Trước tiên, với những phụ huynh, đặc biệt là những gia đình có con đang học lớp 6, lớp 7. Khi học sinh chỉ học một buổi, phần lớn thời gian còn lại các em ở nhà, điều này khiến phụ huynh gặp khó khăn trong việc quản lý, nhất là trong các gia đình mà cha mẹ đều đi làm cả ngày, không có người ở nhà giám sát con.

Vì vậy, khi tổ chức dạy học hai buổi, nhà trường không chỉ hỗ trợ phụ huynh trong việc quản lý con em mà còn tạo điều kiện để học sinh tham gia thêm các hoạt động giáo dục khác vào buổi chiều. Điều này giúp phụ huynh yên tâm hơn rất nhiều.

Đối với học sinh, các em cũng có nhiều thời gian để giao tiếp, rèn luyện kỹ năng trong môi trường giáo dục lành mạnh. Ngoài chương trình chính khóa, buổi học thứ 2, học sinh sẽ học thêm các tiết học về STEM, văn hóa đọc giúp các em trang bị các kỹ năng cần thiết như: kỹ năng tự học, kỹ năng thích ứng trong thời đại số, nghiên cứu khoa học, giáo dục STEM, giáo dục hướng nghiệp.

Nhìn chung, dạy học hai buổi một ngày nếu được tổ chức và triển khai hợp lý, bài bản sẽ mang lại thuận lợi cho học sinh và phụ huynh.

Cần đảm bảo đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên

Còn theo thầy Nông Thế Huân, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đồng Văn (Hà Giang), việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày, trong đó buổi học thứ hai nhà trường tập trung vào giảng dạy các môn STEM, AI, năng lực số, tiếng Anh, các hoạt động thể thao, năng khiếu và hoạt động trải nghiệm sáng tạo, làm việc nhóm, văn hóa đọc, hướng nghiệp sớm, kỹ năng tự học

Điều này sẽ giải quyết được cùng lúc nhiều mục tiêu như tận dụng cơ sở vật chất sẵn có, học sinh có điều kiện được phát triển toàn diện, phụ huynh học sinh cũng yên tâm hơn khi cho con học cả ngày ở trường. Việc chuyển sang học 2 buổi 1 ngày sẽ là điều kiện để học sinh có nhiều thời gian cho hoạt động giáo dục trải nghiệm, cũng như kết nối, chia sẻ, rèn các kỹ năng sống, kỹ năng của kỷ nguyên số hơn.

Nếu triển khai, tổ chức dạy 2 buổi/ngày các trường phải đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, với đặc thù ở vùng cao nên hầu hết các trường còn gặp thách thức lớn về đội ngũ giáo viên.

Vì vậy, rất cần có hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là căn cứ để các địa phương và nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ, học sinh.

Đồng quan điểm, theo thầy Nguyễn Hữu Thanh, để tổ chức tốt hoạt động dạy học 2 buổi/ngày, các cơ sở giáo dục cần có đầy đủ cơ sở vật chất, đủ sân chơi, bãi tập, các hoạt động giáo dục thể chất và các kỹ năng khác. Đồng thời, cần đủ số lượng giáo viên cũng như chương trình dạy học và tổ chức đủ các hoạt động trong 2 buổi, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.

Bên cạnh đó, để triển khai việc dạy 2 buổi/ngày có hiệu quả, tránh hiểu sai thành ép buộc hay là lách các quy định tại Thông tư 29. Thầy Thanh cho biết, đây là 2 việc khác nhau bởi không thể hiểu theo cách dạy học 2 buổi/ngày thì buổi thứ 2 vẫn xếp học sinh vào lớp để dạy các môn văn hóa. Do vậy, nếu tổ chức đúng thì học 2 buổi/ngày không thể vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.

Trong nhà trường có rất nhiều hoạt động giáo dục khác nhau. Nếu tổ chức dạy học buổi sáng, thời lượng chương trình chỉ khoảng 28 - 29 tiết/tuần. Buổi chiều có thời gian để tổ chức các hoạt động giáo dục khác cho học sinh như hoạt động trải nghiệm, đọc sách tại thư viện, hoạt động tự học, phát triển kỹ năng sống... Ngoài ra, còn có các hoạt động tại sân chơi, bãi tập, nhà đa năng với các trang thiết bị được đầu tư…

Vì vậy, thầy Thanh đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn cụ thể về thiết kế các hoạt động dạy học, giáo dục để phát huy thế mạnh của việc học 2 buổi. Đó là làm sao để học sinh có thêm nhiều hoạt động nhóm tự học ở trường, câu lạc bộ STEM,… qua đó giúp các em học tập tự chủ, tăng cường các kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm và ứng dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh cũng như các hướng dẫn phải theo linh hoạt để các trường có thể vận dụng phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ, đặc điểm kinh tế - xã hội của vùng.

Nhìn chung, việc dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh với các nội dung như kỹ năng mềm, trí tuệ nhân tạo, hướng nghiệp...

Thu Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/buoi-thu-hai-bac-thcs-thpt-day-gi-de-tranh-vi-pham-quy-dinh-day-them-hoc-them-post250536.gd
Zalo