Bước tiến mới về quản lý không gian mạng

Các nền tảng kỹ thuật số, trong đó có Facebook và TikTok, đã cam kết tăng cường nỗ lực kiểm soát thông tin sai lệch theo bộ quy tắc ứng xử của EU, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Bộ quy tắc này là một phần trong Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA), yêu cầu các công ty công nghệ phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ nội dung trực tuyến.

Quang cảnh một cuộc họp cấp cao của EU về an ninh mạng ở Brussels, Bỉ. (Ảnh EU Cyber Direct)

Quang cảnh một cuộc họp cấp cao của EU về an ninh mạng ở Brussels, Bỉ. (Ảnh EU Cyber Direct)

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách về chủ quyền công nghệ, an ninh và dân chủ, bà Henna Virkkunen khẳng định, người dân xứng đáng có một không gian trực tuyến an toàn, nơi họ có thể tiếp cận thông tin mà không bị thao túng. Quan chức này nhấn mạnh, bộ quy tắc nêu trên là cột mốc quan trọng giúp EU tăng cường cơ chế quản lý thông tin trên không gian mạng.

Trước đó, nhằm chống lại thông tin sai lệch, EC và Hội đồng Dịch vụ kỹ thuật số châu Âu chính thức tích hợp bộ quy tắc ứng xử có tên là Quy tắc thực hành tự nguyện về thông tin sai lệch (CPD) vào khuôn khổ DSA. Nếu như trước đây, quy tắc này chỉ mang tính tự nguyện, dựa trên cam kết của các hãng công nghệ lớn như Google, Meta, Microsoft… thì hiện giờ, các cam kết trở thành điều bắt buộc và có thể bị kiểm tra. Đây được coi là bước tiến quan trọng bảo vệ người dùng khỏi các mối đe dọa.

Sự chủ động thay đổi của các “ông lớn công nghệ” nhằm tuân thủ những quy định chặt chẽ hơn cũng được dư luận đánh giá là bước đi đúng hướng. Bên cạnh những lợi ích to lớn không thể phủ nhận, không gian mạng ngày càng trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho hàng loạt hành vi phạm tội, như tấn công mạng, khủng bố mạng, chiếm đoạt thông tin, thông tin sai lệch và bịa đặt, lừa đảo, kích động bạo lực… Các vấn đề trên không gian ảo có thể dẫn đến những hậu quả thật. Hồi cuối năm ngoái, kết quả cuộc điều tra của nhóm vận động Global Witness cho thấy, các mạng xã hội TikTok và Facebook đã duyệt những quảng cáo chứa tin sai, tin giả về cuộc bầu cử ở Mỹ, chỉ vài tuần trước khi cuộc bỏ phiếu chính thức bắt đầu.

Tuy nhiên, hiện vẫn có những ý kiến trái chiều về các biện pháp kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực công nghệ của EU. Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance gần đây nhận định, các quy định của Liên minh Cờ xanh, trong đó có DSA, có thể tạo ra gánh nặng quá lớn cho các công ty, nhất là các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, Phó Chủ tịch EC Henna Virkkunen vẫn nhấn mạnh quyết tâm xây dựng một môi trường trực tuyến công bằng và an toàn cho người dùng trong EU.

Phó Chủ tịch EC nêu rõ, bà đã nhận được thông tin cho rằng EU có thể đang trì hoãn điều tra đối với các công ty như Apple, Meta, Google. Những người chỉ trích cho rằng, EU dường như tránh hành động mạnh tay đối với các công ty công nghệ Mỹ, có thể vì lo ngại phản ứng từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, quan chức EC giải thích rằng, các cuộc điều tra đối với các công ty công nghệ vẫn đang ở giai đoạn kỹ thuật, nghĩa là giai đoạn trao đổi thông tin trước khi đưa ra quyết định chính thức.

Trong bối cảnh công cuộc chuyển đổi số được triển khai nhanh chóng, rộng khắp trên toàn cầu, bảo đảm an ninh mạng là một vấn đề cấp bách. Lâu nay, các quy định của EU thường là khuôn mẫu cho những khu vực khác. Thành công trong áp dụng các quy định quản lý công nghệ chặt chẽ của khối này sẽ khích lệ việc xây dựng những bộ luật tương tự trên toàn cầu, giúp môi trường mạng trở nên lành mạnh, an toàn hơn.

HẢI ĐĂNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/buoc-tien-moi-ve-quan-ly-khong-gian-mang-post860190.html
Zalo