Bước tiến mới của dịch vụ ngân hàng số

Hơn 87% người trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, nhiều ngân hàng đã có hơn 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số, hạ tầng công nghệ ngân hàng được nâng cấp thường xuyên...

Những kết quả này cho thấy, dịch vụ ngân hàng số đã, đang có bước tiến mới trong những năm gần đây nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng tự động LiveBank của Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng tự động LiveBank của Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong.

Tăng mạnh số lượng và giá trị giao dịch

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QRcode bình quân 5 năm gần đây đều đạt trên 100%/năm. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ đồng/ngày, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.

Còn theo số liệu của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2024, hệ thống NAPAS xử lý 9,56 tỷ giao dịch, tăng khoảng 30% về số lượng giao dịch và 14,4% về giá trị giao dịch so với năm 2023. Trong số đó, dịch vụ chuyển tiền nhanh NAPAS 247 tăng tương ứng 33,5% về số lượng giao dịch và 14,9% về giá trị giao dịch. Đối với giao dịch trên ATM, năm 2024, tiếp tục ghi nhận đà sụt giảm liên tiếp, với mức giảm 19,5% về số lượng và 19,1% về giá trị. Đến nay, tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 2,63% tổng giao dịch qua hệ thống NAPAS.

Về phía các ngân hàng, việc liên tục cập nhật hạ tầng công nghệ đã giúp ngân hàng có thêm nhiều dịch vụ đa dạng phục vụ khách hàng. Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) triển khai hệ thống chăm sóc khách hàng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và big data để cá nhân hóa trải nghiệm, cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ hiệu quả hơn. Nổi bật phải kể đến giải pháp Call API cho phép khách hàng gọi trực tiếp từ ứng dụng ngân hàng số VCB Digibank đến tổng đài của Vietcombank thông qua internet. Bên cạnh đó, khách hàng có thể đặt yêu cầu gọi lại khi đường dây đang bận hoặc chuyển hướng cuộc gọi đến chatbot. Công nghệ này dựa trên nền tảng WebRTC, tích hợp với hệ thống tổng đài VoIP hiện có của ngân hàng. Một trong những điểm nổi bật của giải pháp này là khả năng xác thực người dùng thông qua tài khoản và mật khẩu trên ứng dụng VCB Digibank. Vietcombank cũng đầu tư vào AI để phân tích dữ liệu khách hàng, tăng tỷ lệ phê duyệt tín dụng tự động.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) Nguyễn Hưng cho biết, TPBank đã áp dụng công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn và AI, trong đó, bước tiến quan trọng là kết hợp sử dụng công nghệ lưu trữ đám mây đa dạng, giúp hiện đại hóa cơ sở hạ tầng dữ liệu, nâng cao hiệu suất trên tất cả các kênh giao dịch và phát triển các mô hình học máy. Việc áp dụng các công nghệ hiện đại nhất giúp TPBank tiết kiệm thời gian phát triển và vận hành các mô hình mới xuống còn 40%.

Với Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), năm 2024, ngân hàng này thực hiện 6,5 tỷ giao dịch trên kênh số, trong đó có thời điểm ghi nhận 20 triệu giao dịch/ngày. Lượng khách hàng giao dịch trên kênh số của MB chiếm khoảng 96,7%, với tỷ lệ giao dịch thành công 99,96%. Đặc biệt, MB phát triển siêu ứng dụng bao gồm hơn 200 ứng dụng nhỏ (mini app) tích hợp trên ứng dụng ngân hàng, giúp khách hàng thực hiện nhiều giao dịch khác nhau cùng một thời điểm như: Vay trực tuyến, gửi tiết kiệm, thanh toán hóa đơn, đặt vé khách sạn, vé máy bay, viễn thông, mua sắm trực tuyến, thiện nguyện...

Bảo đảm an toàn giao dịch

Theo các chuyên gia, quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng vẫn đối mặt với nhiều thách thức như: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chi phí đầu tư vào hạ tầng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; bài toán cân bằng giữa đổi mới và quản lý rủi ro (an ninh mạng, bảo mật dữ liệu)...

Về phía các ngân hàng cũng chia sẻ, thách thức lớn với ngân hàng là hệ thống hạ tầng và giải pháp công nghệ đủ tốt để bảo đảm lợi thế cạnh tranh so với các ngân hàng khác, cũng như với các công ty fintech hay các nền tảng kinh doanh trực tuyến, khi mà khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng của các đối thủ cạnh tranh đều rất mạnh mẽ. Bên cạnh đó, việc duy trì và nâng cao sự nhất quán và đồng bộ trong trải nghiệm khách hàng trên tất cả các kênh giao dịch cũng như thay đổi chóng mặt về thói quen sử dụng của khách hàng đặt ra những thách thức không nhỏ.

Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, theo đại diện các ngân hàng, cần tiếp tục phát triển và nâng cấp các dịch vụ kỹ thuật số. Về phía cơ quan chức năng, cần ban hành quy định cụ thể về bảo mật dữ liệu ngân hàng, bảo đảm tiêu chuẩn an ninh mạng và quy trình quản lý rủi ro. Hệ thống pháp lý cũng phải yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao tính toàn vẹn và bảo mật. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế bảo vệ quyền lợi người dùng, thiết lập quy trình giải quyết tranh chấp và quy định về bảo vệ quyền riêng tư. Tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý và hợp tác quốc tế cũng là yếu tố quan trọng để đối phó với tội phạm công nghệ cao... Các cơ quan chức năng cũng cần triển khai hiệu quả hơn việc đối phó với các cách thức, thủ đoạn của tội phạm trong hoạt động ngân hàng điện tử, từ đó đề xuất giải pháp bảo đảm an ninh và bảo mật.

Hà Linh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/buoc-tien-moi-cua-dich-vu-ngan-hang-so-692282.html
Zalo