Bước tiến của ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản

Với doanh thu của các doanh nghiệp hàng đầu tăng 35%, ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP) Nhật Bản được đánh giá đang có bước tiến trong việc thể hiện năng lực của mình.

Trong một bài viết mới đây, tờ The Japan Times nêu rõ, năm 2023, tổng doanh thu bán vũ khí của 5 doanh nghiệp Nhật Bản gồm Mitsubishi Heavy Industries, Kawasaki Heavy Industries, Fujitsu, NEC và Mitsubishi Electric đạt 10 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2022. Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) nhấn mạnh, kể từ năm 2022, các đơn hàng quốc phòng trong nước của Nhật Bản đã gia tăng mạnh mẽ, trong số này, một số doanh nghiệp Nhật Bản ghi nhận giá trị các đơn hàng mới tăng hơn 300%.

Theo Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI), năm 2022 chính là thời điểm đánh dấu "bước chuyển chiến lược" trong chính sách an ninh hậu Chiến tranh Lạnh của Nhật Bản, cho thấy quyết tâm của Tokyo trong ứng phó với các thách thức an ninh khu vực và toàn cầu. Điều này được thể hiện qua việc Nhật Bản thông qua Chiến lược An ninh quốc gia (NSS) sửa đổi, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2027, chi tiêu quốc phòng sẽ đạt 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP)-vốn cũng là mức chi mà nhiều quốc gia phương Tây đang phấn đấu. Tờ The Japan Times cho biết trong tài khóa 2024 (từ ngày 1-4-2024 đến 31-3-2025), chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản dự kiến đạt 57 tỷ USD, chiếm 1,6% GDP. NSS sửa đổi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sản xuất quốc phòng, xem đây chính là "năng lực phòng thủ của đất nước".

Máy bay không người lái của Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries được trưng bày tại Triển lãm Hàng không vũ trụ quốc tế Nhật Bản 2024, tháng 10-2024. Ảnh: The Japan Times

Máy bay không người lái của Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries được trưng bày tại Triển lãm Hàng không vũ trụ quốc tế Nhật Bản 2024, tháng 10-2024. Ảnh: The Japan Times

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản thực hiện chính sách cấm xuất khẩu vũ khí theo Hiến pháp hòa bình vì lo ngại quyết định tham gia những hoạt động thương mại như vậy có nguy cơ khiến Tokyo rơi vào vòng xoáy xung đột quốc tế. Theo Tạp chí Responsible Statecraft, vào năm 2011, lệnh cấm bắt đầu được nới lỏng bằng việc cho phép Nhật Bản tham gia các chương trình phát triển vũ khí chung với các quốc gia có hợp tác về an ninh với Tokyo cũng như xuất khẩu các sản phẩm này sang những đối tác tham gia các chương trình nói trên.

Đến năm 2014, Nhật Bản đề ra “3 nguyên tắc chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng”. Nguyên tắc 1 đề cập tới những trường hợp bị cấm chuyển giao, đó là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vi phạm các thỏa thuận quốc tế mà Nhật Bản tham gia cũng như các quốc gia đang xảy ra xung đột. Nguyên tắc 2 đề cập tới những trường hợp có thể được phép chuyển giao, đó là phục vụ mục đích thúc đẩy hòa bình và hợp tác quốc tế, đóng góp cho an ninh của Nhật Bản. Nguyên tắc 3 đề cập tới việc kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt đối với những trường hợp có thể được phép chuyển giao. Đến cuối năm ngoái, 3 nguyên tắc này được nới lỏng khi Nhật Bản cho phép xuất khẩu các loại vũ khí sản xuất trong nước sang những quốc gia mà chúng được cấp phép sử dụng.

Đầu năm 2024, Nhật Bản một lần nữa nới lỏng “3 nguyên tắc chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng”, cho phép xuất khẩu máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo-vốn thuộc Chương trình không quân chiến đấu toàn cầu (GCAP) mà Nhật Bản hợp tác phát triển chung với Italy và Anh-sang các quốc gia có ký thỏa thuận với Tokyo về chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng.

Sự điều chỉnh chính sách của Nhật Bản thời gian qua được cho là để thích ứng với bối cảnh an ninh mới. Tờ The Japan Times cho biết các khách hàng và đối tác đều mong muốn hợp tác với Nhật Bản về CNQP. Các quan chức cấp cao của ngành CNQP châu Âu cho rằng có “tiềm năng rất lớn” để tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản được cho là đã bắt đầu xây dựng chiến lược củng cố ngành CNQP nội địa, thúc đẩy xuất khẩu quốc phòng với các mục tiêu trung hạn đến dài hạn, tập trung vào việc khuyến khích sự hợp tác giữa Chính phủ, các doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu trong nước.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định ngành CNQP Nhật Bản vẫn phải đối mặt với những trở ngại, trong đó phải kể đến "sự kỳ thị" của các cơ sở nghiên cứu trong nước đối với việc tham gia các dự án nghiên cứu, phát triển công nghệ quốc phòng-an ninh. Ngoài ra, theo RUSI, lợi nhuận trên các hợp đồng còn thấp và các rào cản xuất khẩu khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tham gia lĩnh vực CNQP không mấy mặn mà. Trên thực tế, tờ Nikkei Asia chỉ ra rằng doanh thu từ lĩnh vực CNQP đối với các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia lĩnh vực này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu. Tạp chí Responsible Statecraft lưu ý trong vòng 20 năm qua, đã có hơn 100 doanh nghiệp Nhật Bản rút khỏi lĩnh vực CNQP.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/buoc-tien-cua-nganh-cong-nghiep-quoc-phong-nhat-ban-806870
Zalo