Bước tiến chuyển đổi số ở Văn Yên

Sau 3 năm triển khai, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả các mặt, trụ cột của chuyển đổi số (CĐS), nổi bật nhất là các mô hình CĐS đặc trưng.

Kết quả đó đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương.

Đẩy mạnh CĐS, UBND huyện Văn Yên đã tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự tham gia của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS được đẩy mạnh và triển khai đa dạng các hình thức; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, mạng xã hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền; tổ chức tuyên truyền theo chuỗi sự kiện; tuyên truyền thông qua các hội nghị, cuộc thi… 100% số xã, thị trấn và 100% đơn vị trường học tổ chức "Ngày hội CĐS”, "Chiến dịch công dân số”, "Chiến dịch phổ cập nền tảng công nghệ số thiết yếu”... Các hoạt động tuyên truyền đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức, kiến thức CĐS, kỹ năng công nghệ số cho cán bộ, công chức, viên chức và đông đảo nhân dân.

Bên cạnh đó, huyện quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phối hợp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn công nghệ để trở thành lực lượng nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện và cơ sở về CĐS; tăng cường giáo dục và đào tạo nhằm tăng tỷ lệ nhân lực số. Ngoài ra, Văn Yên tập trung xây dựng, ứng dụng, phát triển hạ tầng kỹ thuật và các nền tảng phục vụ CĐS.

Đến nay, 100% mạng LAN, máy tính của các cơ quan, đơn vị, địa phương được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng; 100% xã, thị trấn có mạng Internet cáp quang, mạng di động 3G, 4G; 94,2% số nhà văn hóa thôn, tổ dân phố có wifi kết nối Internet; triển khai đầu tư máy tính bảng phục vụ hội họp không giấy tờ cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, đại biểu Hội đồng nhân dân huyện…

Theo ông Lê Thành Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện, Văn Yên tập trung các giải pháp CĐS trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đến nay, 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công tỉnh, Hệ thống thông tin "một cửa” điện tử huyện và cấp xã được xác thực điện tử; tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến của dịch vụ công trên tổng số hồ sơ đạt 70,87%; tỷ lệ hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa” các cấp được số hóa, lưu trữ và tái sử dụng tại cấp huyện đạt 88,11%; triển khai nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” đến 100% chi bộ; trên 70% cuộc họp cấp huyện được triển khai trực tuyến; 100% cuộc họp cấp huyện không sử dụng tài liệu giấy.

"Năm 2024, Văn Yên xác định phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm trong CĐS. Vì vậy, ngay từ đầu năm, huyện phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh hoạch định chiến lược phát triển kinh tế số phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, xây dựng mục tiêu phát triển” - ông Lê Thành Hùng cho biết thêm.

Đến nay, 100% sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện được đưa lên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội. Các hoạt động mua bán qua môi trường mạng phát triển mạnh, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử và qua môi trường mạng chiếm 50% trong tổng mức bán lẻ. Đồng thời, lĩnh vực xây dựng, phát triển xã hội số cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Huyện đã thu nhận 101.274 hồ sơ tài khoản định danh mức độ 2, đã kích hoạt định danh điện tử cho 78.958 người; cài đặt ứng dụng Công dân số (YenBai-S) cho trên 56.000 người; 25/25 xã, thị trấn được lắp đặt camera an ninh; 164/172 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố có lắp đặt và cung cấp wifi miễn phí…

Bước tiến CĐS của huyện Văn Yên đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền, cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện và cơ sở; nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững; cải thiện đáng kể mối quan hệ giữa chính quyền - người dân - doanh nghiệp và nâng cao sự hài lòng của nhân dân đối với chính quyền, nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân.

100% doanh nghiệp trên địa bàn huyện Văn Yên sử dụng hóa đơn điện tử, chữ ký số, đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế điện tử; 100% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, các nhà hàng, khách sạn đều sử dụng nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt, đều sử dụng quét mã QR-code của các ngân hàng để thanh toán điện tử; tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng nền tảng thanh toán điện tử đạt 87%.

Theo Hùng Cường (Báo Yên Bái)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/buoc-tien-chuyen-doi-so-o-van-yen-2359712.html
Zalo