Bước ra vùng sáng

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 10/2025 về việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa.

Chỉ thị nêu rõ cần ưu tiên nguồn lực hỗ trợ phát triển đội ngũ DN nước ta.

Để đạt con số tăng thêm 1 triệu DN, nâng tổng số DN đến năm 2030 lên ít nhất 2 triệu như mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại chỉ thị này, chúng ta cần có cơ chế, chính sách đột phá, thúc đẩy hơn 5 triệu hộ kinh doanh hiện nay chuyển lên DN.

Trước đây, Chính phủ có chủ trương phấn đấu đến năm 2020 đạt 1 triệu DN, giao chỉ tiêu cho từng địa phương về việc chuyển đổi hộ kinh doanh. Sau đó, mỗi địa phương có chính sách hỗ trợ nhất định, từ việc hỗ trợ đăng ký chuyển đổi; hoãn, giãn thuế, phí trong những năm đầu tiên đến hỗ trợ về công tác kế toán…

Song rất tiếc, mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 đã không hoàn thành. Một trong những nguyên nhân là nhiều hộ kinh doanh chưa sẵn sàng bước ra vùng sáng, vươn lên một cách chính quy do lo ngại những rào cản về thuế, phí, thủ tục hành chính…

Ví dụ, việc áp dụng các chính sách thuế dựa trên thỏa thuận - bản chất là thuế khoán theo mô hình hộ kinh doanh, song khi chuyển sang DN thì phải thực hiện thuế thu nhập DN. Trong khi đó, giai đoạn trước đây, cơ quan quản lý chưa thực sự áp dụng biện pháp quản lý điện tử, nhất là lĩnh vực tài chính; chưa yêu cầu minh bạch đầu vào, đầu ra của hộ kinh doanh, như bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử, kết nối thanh toán… Điều này khó tạo nên sự minh bạch, bảo đảm hộ kinh doanh làm đúng, làm chuẩn, kê khai đúng, nhất là với nhóm hộ không muốn minh bạch, trục lợi chính sách.

Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội từng có đề án về giải pháp chính thức hóa hoạt động hộ kinh doanh lên DN. Theo đó, phân loại hộ kinh doanh theo quy mô, đặc thù loại hình, khả năng áp dụng công nghệ mới, minh bạch hóa, tạo sức ép từ cộng đồng người tiêu dùng với hoạt động kinh doanh dịch vụ bán buôn, bán lẻ…

Những giải pháp trên vẫn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, để hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN, cần sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực. Cần yêu cầu hộ kinh doanh minh bạch hóa đầu vào, đầu ra thì mới đáp ứng tham gia hoạt động; hoặc phải minh bạch tài chính để đấu thầu thực hiện dự án. Việc này nếu thực hiện đồng bộ thì mới là sức ép, thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi lên thành DN.

Hiện nay, nhiều hộ kinh doanh vẫn còn cảm nhận khi chuyển lên DN thì "mất nhiều hơn được". Cơ chế, chính sách hiện hành cũng chưa khuyến khích hộ kinh doanh lên DN. Đáng chú ý, nhiều trường hợp DN quá nhỏ, không tiếp cận được nguồn lực hỗ trợ nên nghĩ rằng "việc gì phải lên DN" khi lợi ích không đạt được.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ trực tiếp để thúc đẩy hộ kinh doanh lên DN, cần sự vào cuộc tổng thể, sự tiếp sức của các bên liên quan. Với cộng đồng người tiêu dùng, cần tiêu dùng sản phẩm gắn với trách nhiệm, rõ ràng, minh bạch cả về quy trình sản xuất và dòng tài chính. Đây là yếu tố thúc đẩy hộ kinh doanh lên DN mạnh mẽ nhất, giúp họ bước ra khỏi "vùng xám" trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình.

Theo NLĐO

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/buoc-ra-vung-sang-post316978.html
Zalo